Cuộc đảo chính quân sự ở Niger đe dọa sự ổn định ở Tây Phi như thế nào?

Các nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc đảo chính ở Niger có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự ổn định khu vực và cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến ở Tây Phi.

Niger từng trở thành nước dân cử duy nhất ở khu vực Sahel của Tây Phi sau khi quân đội tiếp quản các nước láng giềng như Mali, Burkina Faso và Chad kể từ năm 2020.

 Những người ủng hộ cuộc đảo chính tụ tập bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Niamey, Niger. Ảnh: Reuters

Những người ủng hộ cuộc đảo chính tụ tập bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Niamey, Niger. Ảnh: Reuters

Nhưng, hiện tất cả 4 quốc gia của vùng Sahel đều đang được điều hành bởi các nhà lãnh đạo quân sự, sau khi các binh sĩ ở Niger cho biết vào tối thứ Tư rằng họ đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.

Các quốc gia phương Tây đã đổ nhiều nguồn lực vào Niger để củng cố lực lượng an ninh của nước này trước sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo có liên hệ với Al-Qaeda và IS.

Một nhà phân tích cho biết, quốc gia không giáp biển này đã trở thành "hy vọng duy nhất" của phương Tây trong khu vực để chống lại các nhóm nổi dậy Hồi giáo, khi các nhà cai trị quân sự ở Mali và Burkina Faso đang tránh quan hệ với phương Tây.

Mỹ cho biết họ đã chi khoảng 500 triệu đô la kể từ năm 2012 để giúp Niger tăng cường an ninh. Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại quốc gia này. Họ cũng đã triển khai máy bay không người lái có vũ trang tới Niger.

Nỗi thất vọng về tình trạng mất an ninh từng thúc đẩy các cuộc đảo chính ở Mali và Burkina Faso. Tuy nhiên, theo thống kê từ Dự án Dữ liệu Sự kiện & Vị trí Xung đột Vũ trang (ACLED), bạo lực đã trở nên tồi tệ hơn ở những quốc gia đó kể từ khi chính quyền quân sự nắm quyền kiểm soát.

Theo ACLED, mặc dù đã cố gắng bảo vệ người dân tốt hơn so với các nước láng giềng, nhưng Niger vẫn thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công của phiến quân và nạn cướp bóc ở nông thôn.

Khoảng 1.000 đến 1.500 quân Pháp đang đóng tại nước này, với sự hỗ trợ của máy bay không người lái và máy bay chiến đấu. Vai trò của họ là hỗ trợ quân đội Niger chống lại các nhóm phiến quân.

Vào tháng 12, Liên minh châu Âu đã quyết định thiết lập một nhiệm vụ huấn luyện quân sự kéo dài ba năm ở Niger, với sự đóng góp của Đức và Ý.

Đối với các nhà lãnh đạo của khối khu vực Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), cuộc nổi dậy của quân đội ở Niger là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực củng cố nền dân chủ của khối này. Khu vực này từng được gọi là "vành đai đảo chính".

Sau các cuộc đảo chính ở Mali, Guinea, Burkina Faso và một âm mưu đảo chính ở Guinea-Bissau, các nhà lãnh đạo của ECOWAS tuyên bố rằng các cuộc đảo chính sẽ không còn được dung thứ trong khu vực. Bởi vậy, Niger sẽ là một phép thử lớn đối với nỗ lực này.

Quốc Thiên (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-dao-chinh-quan-su-o-niger-de-doa-su-on-dinh-o-tay-phi-nhu-the-nao-post258134.html