Cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc (Kỳ 1)
Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1979) là một cuộc chiến tự vệ, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa của quân và dân Việt Nam, đánh tan quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi một trong những họa diệt chủng man rợ nhất trong lịch sử loài người.
Bảo vệ Tổ quốc, cứu Campuchia khỏi họa diệt chủng
Những ngày này, tại Việt Nam và Campuchia đang diễn ra các hoạt động sôi động, phong phú và đa dạng kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc ta và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979/7-1-2024). Với thắng lợi lịch sử này, quân và dân ta đã đánh tan quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi một trong những họa diệt chủng man rợ nhất trong lịch sử loài người, bắt đầu công cuộc hồi sinh đất nước.
Trải qua 45 năm, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến thắng chế độ diệt chủng tàn bạo tại Campuchia ngày càng xa chứng tỏ giá trị lớn lao. Ngày nay, chúng ta có khẳng định, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đối với Việt Nam là cuộc chiến tự vệ, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng hữu nghị và thân thiện, nhân dân hai nước sớm có quan hệ đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Campuchia ngày 17-4-1975 cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa ba nước Đông Dương.
Thế nhưng, ngay từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1970-1975), tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari cầm quyền đã phản bội nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia. Ngay khi lên cầm quyền vào tháng 4-1975, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại nhân dân Campuchia. Chúng lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền...
Chỉ trong 2 năm (từ sau khi cầm quyền tháng 4-1975 đến tháng 4-1977), tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari đã phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng dã man tất cả những ai chống đối; đồng thời chúng xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng vạn quân địa phương. Kẻ cầm đầu tập đoàn diệt chủng Pol Pot tuyên bố: “Dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết 3 đời”.
Lực lượng yêu nước Campuchia khi đó đứng trước tình thế vô cùng khó khăn như lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen (nay là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền): “Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”.
Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari ra sức xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc; chỉ trong 2 năm (1975 đến 1977), chúng đã điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát, tấn công qua biên giới, vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Chúng gây ra những tội ác đẫm máu đối với nhân dân ta, trong đó có thể kể đến vụ thảm sát ở Ba Chúc (tỉnh An Giang) mà ngày nay, Khu di tích nhà mồ Ba Chúc còn chứa đựng 1.159 bộ xương cốt người dân vô tội bị quân Pol Pot giết hại. Đó là một bản cáo trạng, một chứng tích về tội ác “trời không dung, đất không tha” của bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary.
Hành động xâm lược của quân Pol Pot đã xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Chân lý lịch sử không thể phủ nhận
Trước hành động xâm lược của tập đoàn cầm quyền Pol Pot - Ieng Sari và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23-12-1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.
Đến ngày 26-12-1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị phá vỡ. Đến ngày 31-12-1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm. Ngày 2-1-1979, 3 cụm quân chủ lực của Pol Pot, mỗi cụm 5 sư đoàn, án ngữ các trục đường tiến về Phnôm Pênh (đường 1, đường 7 và đường 2 cơ bản bị tiêu diệt và tan rã. Trong các ngày 5 và 6-1-1979, trên tất cả các hướng, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia truy kích, tiến sát Thủ đô Phnôm Pênh. Đến ngày 7-1-1979, Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng, lá cờ của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tung bay ở Thủ đô Campuchia vừa thoát khỏi một trong những chế độ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc được lịch sử chứng minh là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của nhân dân Việt Nam nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn cầm quyền Pol Pot - Ieng Sari gây ra. Chiến thắng một lần nữa khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đồng thời, cuộc chiến đấu đó cũng đồng thời nhằm đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân và dân Việt Nam đã giúp đỡ quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sari, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong - đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh cả xương máu vì mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định: “Nếu không có ngày 7-1-1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm trọng thể 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen diễn ra ngày 20-6-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta ghi nhớ dấu mốc lịch sử về sự khởi nguồn của cuộc đấu tranh vì lương tâm, phẩm giá con người, vì chính nghĩa lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo mà còn là minh chứng sống động về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, gắn bó sắt son giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sari tàn bạo cũng góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.
(Còn nữa)
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoc-chien-tranh-chinh-nghia-bao-ve-to-quoc-ky-1-post563241.antd