Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Đám cưới không có cô dâu, chú rể
Đám cưới có đủ trầu cau, lễ lạt nhưng thiếu hai nhân vật chính. Hai họ đón dâu, rể bằng tấm di ảnh chân dung của hai liệt sĩ. Người chứng kiến là họ hàng và đồng đội cũ của họ.
Xuân biên giới và lời hẹn ước trăm năm
Pò Hèn, nơi từng là chiến địa cam go, đầy hiểm nguy trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Nơi đây, có những người không sinh cùng ngày nhưng có chung ngày giỗ vào một mùa Xuân. Mảnh đất ấy là nơi đã chứng kiến câu chuyện tình dang dở của hai liệt sĩ là nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm và Thượng sĩ biên phòng Bùi Anh Lượng.
Theo lời kể của ông Hoàng Ngọc Khương (em trai ruột liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm), chị gái mình sinh năm 1954, quê thôn 4, xã Bình Ngọc, huyện Móng Cái (nay là TP Móng Cái). Hoàng Thị Hồng Chiêm là cô gái trắng trẻo, nhanh nhẹn, tháo vát, lễ phép với mọi người nên được lòng nhiều người trong thôn. Cô rất thương em trai, đi đâu có gì cũng để dành mang về cho cậu em nhỏ ở nhà.
![Hai liệt sĩ Bùi Anh Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm. Ảnh tư liệu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_16_23_51488185/335eb8b894f67da824e7.jpg)
Hai liệt sĩ Bùi Anh Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm. Ảnh tư liệu
Ông Khương chia sẻ, chị mình rất ham đọc sách, vì ngày trước không có điều kiện mua nên toàn phải đi mượn. Nhiều khi gặp quyển sách hay là chị gái ông Khương sẽ chép lại để làm kỷ niệm.
"Chị tôi ngày đó hễ thấy giấy tờ gì có chữ là liền lấy để đọc, nhất là những bài thơ trên sách báo. Viết nhật ký cũng là sở thích của chị và chữ chị rất đẹp", ông kể.
Chiêm từng khai tăng tuổi để được đi bộ đội và là một chiến sĩ của Trung đoàn 8, Quân khu 3. Năm 1975, cô gái trẻ chuyển ngành về làm ở hợp tác xã mua bán huyện Móng Cái, rồi được điều lên làm mậu dịch viên của cụm thương nghiệp Pò Hèn, gần đồn Công an vũ trang 209 (nay là Đồn biên phòng Pò Hèn). Ngày đó, cô Chiêm thường xuyên vượt 30km đường rừng để chuyển hàng lên điểm cao biên giới.
![Ông Hoàng Ngọc Khương thờ hai vợ chồng chị gái tại TP Móng Cái. Ảnh: Phạm Công](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_16_23_51488185/d07753917fdf9681cfce.jpg)
Ông Hoàng Ngọc Khương thờ hai vợ chồng chị gái tại TP Móng Cái. Ảnh: Phạm Công
Ở Pò Hèn, cô đã gặp và đem lòng yêu Thượng sĩ Bùi Anh Lượng (quê xã Yên Hải, huyện Yên Hưng, nay là TX Quảng Yên), cán bộ vận động quần chúng của đồn Công an vũ trang.
Cả hai quen nhau từ những buổi tập văn nghệ và chơi bóng chuyền. Tình yêu đến với họ một cách bình dị nhất tại chiến tuyến, nơi bất cứ ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng được gặp nhau.
Và, sáng 17/2/1979, chiến tranh biên giới nổ ra, cả hai cùng chung sức bảo vệ từng tấc đất quê hương rồi hy sinh anh dũng khi Chiêm mới 25 tuổi còn Lượng tròn tuổi 26.
Vẹn tròn ước nguyện
Theo lời kể của ông Hoàng Như Lý (đồng đội của hai liệt sĩ Chiêm và Lượng), cả 2 người đã hy sinh nhưng mối tình của họ thì vẫn sống mãi. Ông nhớ lại, ngày 5/2/1979, Chiêm và Lượng nhờ ông đi cùng lên gặp đồn trưởng Vũ Ngọc Mai xin phép để về quê lo chuyện cưới xin. Tuy nhiên, tình hình biên giới diễn biến phức tạp, cả hai đã tạm dừng chuyện cưới để ở lại cùng đồng đội.
"Sáng ngày 17/2/1979, đồn Pò Hèn bị quân Trung Quốc nã pháo, chiến sự xảy ra, cả Chiêm và Lượng đều hy sinh khi ước nguyện còn dang dở", ông Lý nghẹn ngào nói.
Đau đáu trong lòng chuyện chưa trọn vẹn của đồng đội, ông Lý khởi xướng việc tìm gặp gia đình của hai liệt sĩ để tổ chức lễ cưới chưa từng có. Nghĩ là làm, tháng 8/2017, sau khi kết nối, hai gia đình liệt sĩ Chiêm và Lượng mới gặp lại nhau.
Ngày 6/8/2017, một đám cưới đặc biệt diễn ra tại Quảng Ninh, với hành trình rước dâu Hạ Long - Móng Cái. Đó là đám cưới của hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Đám cưới có đủ trầu cau, lễ lạt nhưng thiếu hai nhân vật chính. Hai họ đón dâu, rể bằng tấm di ảnh chân dung của hai liệt sĩ. Người chứng kiến là họ hàng và đồng đội cũ của họ.
Gia đình nhà trai đã đem di ảnh của liệt sĩ Lượng tới nhà gái và trao lại để cạnh di ảnh liệt sĩ Chiêm trên bàn thờ. Đồng thời cũng rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long.
Từ đó, hai gia đình đã có thêm thành viên mới, nguyện ước của hai liệt sĩ đã trọn vẹn. Ông Hoàng Ngọc Khương phụ trách thờ tự vợ chồng chị gái ở Móng Cái, còn ông Bùi Văn Huy (anh trai ruột liệt sĩ Lượng) thờ cúng vợ chồng em trai mình ở TP Hạ Long.
Những ngày lễ tết, hai gia đình thông gia vẫn gặp nhau, ngày giỗ cũng được tổ chức cùng để thêm phần tình cảm…
![Ngôi nhà tình nghĩa ông Khương và gia đình được tặng để sinh sống và thờ tự 2 liệt sĩ. Ảnh: Phạm Công](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_16_23_51488185/2f0f97e9bba752f90bb6.jpg)
Ngôi nhà tình nghĩa ông Khương và gia đình được tặng để sinh sống và thờ tự 2 liệt sĩ. Ảnh: Phạm Công
Tại TP Móng Cái, có một ngôi trường mang tên liệt sĩ Chiêm. Ở sân trường ấy dựng tượng cô để mọi người nhớ về và khắc ghi công lao đáng tự hào của người con gái vùng biên giới đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước.