Cùng xây dựng trường học an toàn
HNN - Không ít vụ việc học sinh bị xâm hại, bắt nạt hay bạo lực học đường đã xảy ra tại TP. Huế trong thời gian qua, để lại những hậu quả nặng nề về thể chất lẫn tinh thần. Trước thực trạng này, các ngành chức năng và nhà trường đã có nhiều nỗ lực nhằm chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm và xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho học sinh.

Các em học sinh hào hứng tham gia thảo luận tình huống về cách ứng xử khi gặp nguy cơ bị bắt nạt hoặc xâm hại
Lan tỏa kỹ năng, nâng cao nhận thức
Sở Y tế TP. Huế cho biết, trong vòng hai năm qua, TP. Huế ghi nhận hàng chục vụ xâm hại trẻ em, trong đó không ít vụ việc xảy ra ngay trong môi trường học đường hoặc có liên quan đến học sinh. Bên cạnh đó, bạo lực học đường với biểu hiện từ bạo lực thể chất đến đe dọa trên mạng xã hội ngày càng đáng lo ngại. Những đoạn clip học sinh đánh nhau, lăng mạ nhau, quay lại rồi lan truyền trên mạng xã hội không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận mà còn cho thấy khoảng trống trong việc giáo dục kỹ năng sống và kiểm soát cảm xúc, đặc biệt ở lứa tuổi THCS.
Trước tình hình đó, tháng 5 vừa qua, Trường THCS Thủy Lương đã tổ chức tập huấn phòng, chống xâm hại và bạo lực học đường cho hơn 300 học sinh khối 7 và khối 8. Buổi tập huấn do Phòng Dân số - Trẻ em (Sở Y tế TP. Huế) phối hợp với Phòng Y tế thị xã Hương Thủy (cũ) triển khai, đem đến cho học sinh nhiều kiến thức và kỹ năng thực tế như: Nhận diện hành vi xâm hại, cách từ chối, tìm kiếm sự trợ giúp, và tự bảo vệ bản thân cũng như bạn bè trong môi trường học đường...
H.L., học sinh lớp 8, Trường THCS Thủy Lương chia sẻ: “Em thấy những buổi tập huấn như thế rất cần thiết. Chúng em được nghe kể chuyện, xem tiểu phẩm minh họa, rồi cùng nhau thảo luận về những tình huống dễ gặp trong cuộc sống. Trước đây, nếu bị bạn trêu hay bắt nạt, nhiều bạn sẽ sợ bị chê cười mà giấu kín. Nhưng giờ thì chúng em đã biết cần nói với giáo viên, bố mẹ hoặc gọi tổng đài 111 để được giúp đỡ”.
Ông Phan Thành Nhơn, Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Lương cho biết, nhờ vào các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhận thức và hành vi của học sinh đã có sự thay đổi tích cực. Một số trường hợp có biểu hiện trầm cảm, bị cô lập, hoặc thường xuyên mâu thuẫn với bạn bè đã được giáo viên, cán bộ y tế học đường và phụ huynh phối hợp tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Không chỉ riêng trường THCS Thủy Lương, nhiều trường học tại TP. Huế đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, lồng ghép nội dung vào môn học kỹ năng sống, thành lập câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”, đặt hộp thư góp ý, lắp đặt camera hành lang và thiết lập đường dây nóng kết nối giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Huế, ngành y tế đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa và can thiệp sớm đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực hoặc xâm hại. “Chúng tôi đã đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã, phường và tuyến trường học về kỹ năng phát hiện, xử lý và hỗ trợ tâm lý ban đầu cho trẻ. Khi tiếp nhận thông tin, đội ngũ y tế học đường sẽ phối hợp với giáo viên, cán bộ bảo vệ trẻ em và cơ quan công an địa phương để can thiệp kịp thời, đồng thời tư vấn tâm lý và theo dõi phục hồi sau can thiệp”, bà Nguyệt cho biết.
Bảo vệ trẻ toàn diện
Để tăng cường hiệu quả phòng, ngừa, năm 2020, UBND TP. Huế đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường sống và học tập an toàn, thân thiện cho mọi trẻ em. Trong đó, sự phối hợp liên ngành giữa y tế, giáo dục, công an và tư pháp được xem là giải pháp then chốt.
Bà Phan Minh Nguyệt cho biết thêm: “Việc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, trong đó nhà trường giữ vai trò trung tâm. Phụ huynh cần được tuyên truyền nâng cao nhận thức, không che giấu hoặc bỏ qua các dấu hiệu bất thường ở con em mình. Mỗi giáo viên cũng cần quan sát kỹ lưỡng, phát hiện những thay đổi tâm lý, hành vi ở học sinh để can thiệp kịp thời".
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng được TP. Huế chú trọng. Nhiều trường học tổ chức các sân chơi như “Trường học an toàn”, “Học sinh nói không với bạo lực”, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng góc tư vấn tâm lý học đường… Một số mô hình CLB kỹ năng phòng vệ cá nhân, CLB “Phòng tránh xâm hại qua mạng” bước đầu đã thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức. Đội ngũ cán bộ chuyên trách bảo vệ trẻ ở cơ sở còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm. Một số phụ huynh vẫn ngại chia sẻ khi con mình là nạn nhân, thậm chí là bao che khi con em mình là người gây ra hành vi bạo lực. Tâm lý e ngại của học sinh cũng khiến việc phát hiện sớm và can thiệp đúng lúc gặp khó khăn.
Vì vậy, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, mỗi người dân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Chỉ khi tạo được một hệ sinh thái an toàn, nơi mọi học sinh đều được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ kịp thời, bạo lực học đường và xâm hại trẻ em mới có thể được đẩy lùi hiệu quả.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/cung-xay-dung-truong-hoc-an-toan-155208.html