Cùng tháo gỡ khó khăn thu không đủ chi ở y tế công lập

Tình trạng nợ của các bệnh viện công lập rất lớn, nhiều bệnh viện phải xoay xở chỉ đủ tiền trả lương cho bác sĩ. Còn thuốc, vật tư y tế phải nợ, không mua được thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Đó là phản ánh của cử tri thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình). Cử tri đề nghị ngành chức năng quan tâm đảm bảo cho các bệnh viện đủ thuốc, vật tư y tế để khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Từ phản ánh và đề nghị trên, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri thị trấn Lương Sơn trước kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV.

Cử tri thị trấn Lương Sơn nêu kiến nghị trước kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV.

Thực hiện các giải pháp tháo gỡ

Hiện nay có tình trạng nợ ở một số bệnh viện công lập. Nguyên nhân là các cơ sở y tế công lập bao gồm các bệnh viện công lập phải tạm dừng thực hiện việc khám chữa bệnh và tập trung nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ tính mạng của người dân trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Điều này dẫn đến việc suy giảm nguồn thu từ khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến việc chi trả tiền lương với số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp. Mặc dù, các đơn vị sự nghiệp y tế đã nỗ lực tổ chức khám chữa bệnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhiệm vụ phòng chống dịch, nhưng lượng bệnh nhân đến khám giảm, nguồn thu từ khám chữa bệnh không đủ bù đắp chi phí. Các đơn vị đã sử dụng hết các nguồn lực hiện có theo quy định để thực hiện nhưng cũng không đủ kinh phí chi trả khoản chi tiền lương cho viên chức và người lao động tại đơn vị.

Khám chữa bệnh tại tram y tế.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 về việc về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, ngày 29/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có nội dung thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19. Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh hiện đang phối hợp, tổng hợp để trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp ngành y tế gồm các bệnh viện công lập bị ảnh hưởng thu không đủ chi tiền lương theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kịp thời mua sắm thuốc, vật tư y tế

Toàn tỉnh vẫn có xảy ra tại một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu vật tư y tế nhưng không nghiêm trọng. Về chủ trương đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo đúng quy định. Khi thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước để triển khai việc mua sắm, các đơn vị thực hiện thẩm định giá độc lập (thẩm định giá tư nhân) trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận ngừng hoạt động. Vì vậy, khó khăn này làm ảnh hưởng đến việc triển khai đấu thầu mua sắm vật tư y tế theo quy định.

Để khắc phục tình trạng thiếu vật tư phục vụ khám chữa bệnh, các đơn vị đã chủ động thực hiện mua sắm các gói thầu thuộc thẩm quyền quy định theo phân cấp (các gói thầu dưới 100 triệu đồng) tại Nghị Quyết số 63/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Song song đó, các đơn vị tiếp tục liên hệ các công ty thẩm định giá thực hiện việc thẩm định để tổ chức đấu thầu vật tư y tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu thầu vật tư y tế, hóa chất để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế trong tỉnh hiện sử dụng thuốc theo danh mục thuốc trúng thầu tập trung tại Sở Y tế. Tình trạng thiếu thuốc cục bộ một số loại thuốc cũng có xảy ra, tuy nhiên, cơ sở y tế đã thực hiện mua thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho người dân kịp thời, sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ một số loại thuốc.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cung-thao-go-kho-khan-thu-khong-du-chi-o-y-te-cong-lap-119101.html