'Cụng tay'

Điều gì đã khiến ông Biden phải 'quay xe' rất gắt trong thái độ với cá nhân Thái tử MbS và cả Saudi Arabia như vậy, một động thái mà ông Biden biết chắc sẽ gây nên những sự rắc rối cũng như tạo ra làn sóng công kích chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông?

“Quay xe”

Cho đến trước khi ông J.Biden có cái cụng tay với Thái tử Mohammed bin Salman, thường được biết đến dưới tên viết tắt MbS, người nắm quyền hành trên thực tế ở Saudi Arabia, thế giới vẫn biết lập trường của Mỹ và của cả cá nhân ông Biden là hết sức cứng rắn với quốc gia giàu mỏ lớn nhất vùng Trung Đông này sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi của báo Washington Post bị sát hại dã man rồi phân xác tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2018.

Vụ việc gây chấn động thế giới vào thời điểm đó và tình báo Mỹ, sau một quá trình điều tra tỉ mỉ đưa ra kết luận rằng Thái tử MbS đã phê chuẩn một chiến dịch bắt giữ hoặc sát hại ông Khashoggi, người thường xuyên chỉ trích chính phủ ở Riyadh. Thời kỳ còn tranh cử tổng thống, ông Biden từng cam kết sẽ biến Saudi Arabia thành “quốc gia bị ruồng bỏ” sau vụ sát hại nhà báo Khashogi.

Nhưng, trong chuyến công du Trung Đông kéo dài 4 ngày, ở chặng cuối cùng tại Riyadh, ông Biden đã có cuộc gặp gỡ với Thái tử MbS và những gì còn lại của cam kết cứng rắn trước đó chỉ là thay vì bắt tay theo nghi lễ ngoại giao thông thường, ông Biden đã cụng tay (giống như thời phòng dịch COVID-19) với Thái tử MbS!

Tổng thống Mỹ Joe Biden cụng tay khi gặp Thái tử Arab Saudi Mohammed ben Salman, tại Jeddah. Ảnh: L.G

Tổng thống Mỹ Joe Biden cụng tay khi gặp Thái tử Arab Saudi Mohammed ben Salman, tại Jeddah. Ảnh: L.G

Điều gì đã khiến ông Biden phải “quay xe” rất gắt trong thái độ với cá nhân Thái tử MbS và cả Saudi Arabia như vậy, một động thái mà ông Biden biết chắc sẽ gây nên những sự rắc rối cũng như tạo ra làn sóng công kích chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông?

Chỉ duy nhất một yếu tố có thể lý giải cho sự chuyển hướng chính sách này của ông Biden (và cũng là của Mỹ): Giá dầu! Nói cho đúng hơn, giá dầu mỏ tăng cao đã gây ra lạm phát cao chưa từng có ở Mỹ trong vòng 40 năm qua, khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine sắp bước sang tháng thứ sáu.

Ngay khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và phương Tây đã tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào các thiết chế tài chính, kinh tế của Nga với hy vọng sẽ gây ra tác động đủ mạnh để Moscow cân nhắc lại các hành động quân sự của mình ở Ukraine. Thực tế cho thấy những toan tính đó đã thất bại khi các chiến dịch quân sự của Nga vẫn tiếp diễn với cường độ cao và cùng với các lực lượng ly khai ở vùng Donbass, Nga đã làm chủ một vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ phía Đông Nam nối sang Crimea ở phía Nam Ukraine.

Thế nên, Mỹ và phương Tây đi tới một quyết định mang tính sinh tử: Tung các đòn trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.

“Vũ khí địa chính trị” của Nga đối với châu Âu

Những toan tính trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga có cơ sở thực tế của nó. Dưới thời của Tổng thống Nga Putin, xuất khẩu năng lượng mang lại nguồn thu chính của nền kinh tế Nga. Năm 2021, doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch chiếm một nửa toàn bộ ngân sách nước Nga.

Sang năm 2022, khi giá dầu và khí đốt tăng cao và chưa có lệnh cấm vận nào áp dụng với Nga trong lĩnh vực năng lượng, doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) dự kiến lên tới 250 tỷ euro, cao gấp 4 lần ngân sách của Nga dành cho quốc phòng.

Khi xung đột Ukraine nổ ra, xuất khẩu dầu khí vẫn là trụ cột chính của nền kinh tế Nga. Đó chính là lý do khiến Mỹ và phương Tây tung ra đòn trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu khí của Nga. Phương thức chủ yếu của các đòn trừng phạt này là đa dạng hóa các nguồn cung, giảm bớt nhập khẩu dầu mỏ (sau đó là một phần khí đốt) từ Nga, thay thế bằng các dạng năng lượng khác cũng như các nhà cung cấp khác...

Bằng các biện pháp trừng phạt này, Mỹ và nhiều nước châu Âu hy vọng có thể ngăn chặn nguồn tài chính bơm vào nền kinh tế Nga để buộc Moscow phải giảm bớt các nỗ lực quân sự ở Ukraine.

Thế nhưng, chẳng phải đợi đến khi Mỹ và phương Tây giảm bớt nhập khẩu dầu khí từ Nga, chính Moscow đã ra đòn trước, biến năng lượng thành một thứ vũ khí địa chính trị để nhằm vào phần lớn các quốc gia thành viên EU. Thoạt đầu, Nga chủ động áp dụng lệnh cấm vận xuất khẩu khí đốt đối với 3 quốc gia thành viên EU là Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, tiếp đó mở rộng ra các quốc gia bị coi là “không thân thiện”.

Trước việc Mỹ và phương Tây áp dụng biện pháp phong tỏa các nguồn dự trữ ngoại hối của Nga (do đó nếu Nga có bán được dầu khí thì cũng chẳng thu được tiền vì bị tịch thu), Tổng thống Putin đi một nước cờ hiểm: Buộc các nước muốn nhập khẩu khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng ruble. Phương thức này không chỉ giúp Nga thu được tiền từ xuất khẩu khí đốt (giá đã tăng cao) mà còn gây bất hòa giữa các quốc gia thành viên EU. Việc không có dòng khí đốt từ Nga sẽ khiến các quốc gia phía Đông châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga bị tổn thương nhiều hơn so với quốc gia Tây Âu. Ngay cả các quốc gia Tây Âu phát triển nhưng khí đốt chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất điện hoặc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chẳng hạn như Đức và Italy, cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn các quốc gia khác.

Mỹ vẫn dính đòn

Tỷ lệ nhập khẩu dầu từ Nga đối với nền kinh tế Mỹ rất thấp. Ở thời điểm tháng 12-2021, mỗi ngày Mỹ chỉ nhập khẩu 90.000 thùng dầu thô từ Nga, một con số chẳng thấm tháp vào đâu so với quy mô khổng lồ của nền kinh tế Mỹ.

Thế nên, về lý thuyết, việc Nga (buộc phải) hoặc chủ động giảm xuất khẩu dầu khí sẽ không ảnh hưởng gì đến kinh tế Mỹ.

Mỹ là nước đứng đầu với 10,2 triệu thùng dầu tung ra thị trường mỗi ngày. Ảnh: L.G

Mỹ là nước đứng đầu với 10,2 triệu thùng dầu tung ra thị trường mỗi ngày. Ảnh: L.G

Vậy nhưng, sự đời không đơn giản như thế! Bởi trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng từ mấy chục năm nay, chỉ trừ một vài trường hợp vô cùng cá biệt, còn lại bất cứ một nền kinh tế nào cũng chịu những tác động, ảnh hưởng từ các nền kinh tế khác nếu xét trên bình diện toàn cầu. Huống hồ lại là một nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ.

Xét về thứ bậc trên thị trường dầu mỏ thế giới, theo số liệu năm 2021, Mỹ là nước đứng đầu với 10,2 triệu thùng dầu tung ra thị trường mỗi ngày. Nga đứng thứ hai với 9,7 triệu thùng/ngày. Khi Nga bị áp các lệnh trừng phạt dầu mỏ, thực chất là một số khách hàng lớn của Moscow, chủ yếu là châu Âu, từ chối nhập dầu của Nga thì đương nhiên một lượng lớn dầu của Nga sẽ bị loại ra khỏi thị trường mỗi ngày (Hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới JPMorgan gần đây ước tính Nga phải loại bỏ hơn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày).

Theo quy luật cung cầu, khi bỗng nhiên nguồn cung giảm với số lượng lớn như thế thì giá dầu trên thị trường toàn cầu sẽ tăng lên bởi vì các khách hàng trước đây mua dầu của Nga quay sang tìm mua ở những nhà cung cấp khác, như các nước OPEC. Mỹ không mua dầu của Nga nhưng mua dầu của OPEC chẳng hạn, thì cũng sẽ phải chấp nhận mua với giá cao. Giá xăng dầu tăng cao khiến giá hàng hóa tăng theo và lạm phát trở thành nỗi đau đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Đó chính là nguyên nhân dẫn tới cú “cụng tay” của Tổng thống Biden với Thái tử MbS ở cung điện hoàng gia Al-Salam của Saudi Arabia.

Thu hoạch khiêm tốn

Ông Biden lý giải nguyên nhân khiến ông đi Trung Đông là vì Mỹ muốn tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo ở khu vực và quyết không tạo ra “khoảng trống” để Nga và Trung Quốc có thể chen chân vào.

Nói cách khác, lợi ích an ninh (và dầu mỏ) của Mỹ buộc Nhà Trắng phải thay đổi lập trường với Riyadh quanh vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Liên minh với Saudi Arabia quá quan trọng nên cho dù biết rằng sẽ phải trả giá về chính trị, ông Biden vẫn phải tiếp tục duy trì mối quan hệ với Riyadh. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ, ông Biden muốn "điều chỉnh lại" các mối quan hệ Washington - Riyadh và không phá vỡ chúng.

Tuy nhiên, mấu chốt của mọi vấn đề vẫn là dầu mỏ, hay nói cho chính xác hơn, là về giá dầu mỏ đang tăng cao trên thị trường thế giới. Việc giá nhiên liệu tăng dẫn tới lạm phát ở Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ hội của đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. “Tiêu chuẩn kép” luôn được thực hiện khi liên quan đến lợi ích (đảng phái) ở nước Mỹ. Với chuyến công du tái lập quan hệ này, ông Biden hy vọng sẽ thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) mà Saudi Arabia giữ vai trò rất quan trọng có thêm hành động để thúc đẩy sản lượng

Thế nên, trong cuộc gặp ở thành phố cảng Jeddah, ông Biden đã thúc ép Riyadh phải “giải cứu” thị trường giá dầu bằng cách tăng sản lượng dầu mỏ, một đề nghị mà có vẻ như bất chấp sự “quay xe” thiện chí của ông Biden, Thái tử MbS dường như không vội vã đáp ứng. Thái tử MbS nêu rõ Saudi Arabia đã thông báo tăng công suất sản xuất lên 13 triệu thùng/ngày, do đó quốc gia Trung Đông này sẽ không có thêm bất kỳ năng lực nào nữa để tăng sản lượng. Saudi Arabia trước đấy cho hay họ đặt mục tiêu đạt công suất sản xuất 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, ông Adel Al-Jubeir cũng cho biết không có thỏa thuận nào về dầu mỏ được đưa ra và Saudi Arabia cùng các nước OPEC sẽ đưa ra quyết định dựa trên thị trường, không phải "sự cuồng loạn" hay "chính trị". Điều đáng nói là cuộc họp OPEC+ diễn ra vào đầu tháng 8 tới nhiều khả năng sẽ tác động tới việc tăng hay không tăng sản lượng dầu, mà Nga lại chính là một thành viên của OPEC+...

Có thể thấy khi cụng tay với Thái tử MbS, ông Biden đã mang lại khá nhiều lợi ích về mặt hình ảnh cho nhà lãnh đạo Saudi Arabia; trong khi ấy, những lợi ích mà ông Biden thu lại được từ chuyến công du này khá khiêm tốn...

Yên Ba

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/cung-tay-i661564/