Cùng HTX trồng lúa 'sạch' giúp nông dân Vĩnh Hưng vươn lên khấm khá

Hai xã Hưng Điền A và Khánh Hưng thuộc huyện vùng biên Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) đang cho thấy tính hiệu quả rõ trong việc phát triển HTX trồng lúa sạch theo hướng hữu cơ, canh tác bền vững. Qua đó giúp cho nông dân vươn lên khấm khá, không còn cảnh nghèo túng, góp phần xây dựng và giữ gìn biên giới ngày càng vững chắc.

Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp ở xã Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng) có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất như HTX, tổ hợp tác.

Trồng lúa hữu cơ giúp tăng lợi nhuận

Trong đó phải kể đến HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm ở ấp Gò Xoài (xã Hưng Điền A) được đánh giá là một trong những HTX đi đầu trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Tham gia trồng lúa hữu cơ cùng HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm giúpnông dân xã Hưng Điền A tăng lợi nhuận.

Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX, cho biết trước đây, nông dân trong xã quen với tập quán sản xuất lúa sử dụng phân bón và thuốc hóa học nên việc bán lúa rất khó khăn. Nhưng từ khi tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của HTX, không chỉ vấn đề đầu ra được bảo đảm mà chất lượng lúa, giá bán cũng cao hơn trước. Đặc biệt, được HTX cam kết bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 100-500 đồng/kg, các thành viên được đầu tư một phần giống, vật tư nông nghiệp, được hướng dẫn sản xuất theo quy trình tiên tiến, an toàn...

Nhờ hoạt động hiệu quả, từ 30ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ ban đầu vào năm 2017, đến nay, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX được mở rộng lên 220ha.

Như chia sẻ của ông Phan Văn Thủ, thành viên HTX Cây Trôm, khi tham gia vào HTX đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất hữu cơ, được hỗ trợ phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học.

“Hiện tôi quen với cách canh tác này nên toàn bộ 15ha lúa của gia đình tôi đều được canh tác theo hướng hữu cơ. Với phương pháp này, tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng khoảng 4-5 triệu đồng/ha”, ông Thủ hào hứng nói.

Ngoài ra, HTX Cây Trôm đang tiến đến thực hiện 100% cơ giới hóa trong sản xuất. Thời gian qua, HTX đạt những kết quả đáng phấn khởi với quy trình sản xuất được áp dụng 90% cơ giới hóa, khu vực sản xuất được bơm tưới toàn bộ bằng điện. Công tác phun thuốc bảo vệ thực vật trên khu vực canh tác của HTX đều được máy bay thực hiện.

Bên cạnh đó, dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống), dịch vụ trước và sau thu hoạch hay tiêu thụ sản phẩm đều được HTX thực hiện khép kín 100%. Qua đó, giúp lợi nhuận của các thành viên tăng lên khoảng 15% so với trước khi tham gia HTX.

Từ những chuyển biến trong liên kết canh tác lúa theo hướng hữu cơ của HTX Cây Trôm đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nông dân địa phương. Đến nay, hộ nghèo của xã chỉ còn 3,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm.

Nhìn từ mô hình của HTX Cây Trôm, ông Trương Hồng Non, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A, cho biết thời gian tới xã sẽ nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Nhất là triển khai, thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tăng thu nhập theo hướng bền vững

Ngoài HTX nêu trên, nói về việc liên kết trồng lúa sạch tại huyện Vĩnh Hưng phải kể đến HTX Nông nghiệp Hưng Phú (xã Khánh Hưng). Từ năm 2017 đến nay HTX đã tổ chức sản xuất lúa theo hướng bền vững của dự án VnSAT gắn với việc ứng dụng công nghệ cao và thực hiện 3 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tổng diện tích 1.218ha (chiếm 21,3% tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao toàn huyện).

Tổ chức sản xuất lúa theo hướng bền vững của HTX Nông nghiệp Hưng Phú giúp nông xã Khánh Hưng tăng thu nhập.

Hiện tại, các giống lúa được thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Phú sử dụng để canh tác là ST 24, ST 25, OM 18,...Trước khi vào vụ, các công đoạn xử lý đất, diệt cỏ, cách ly thuốc hóa học được HTX thực hiện rất kỹ. Toàn bộ sản lượng lúa của các thành viên đều được HTX bao tiêu để xay xát, đóng gói và tiêu thụ ở thị trường trong, ngoài tỉnh.

Năm 2022 tổng doanh thu của HTX này đạt 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận 230 triệu đồng. Còn năm 2021, tổng doanh thu là 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Hưng Phú được đánh giá là 1 trong 16 HTX điểm của tỉnh và là 1 trong 4 HTX điển hình của tỉnh Long An.

Hiện nay, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 tại xã Khánh Hưng đã được thu hoạch xong, năng suất ước đạt từ 7,5-8,5 tấn/ha, nông dân đang bước vào vụ Hè Thu 2023.

Nhờ tham gia vào HTX Hưng Phú và mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao nên các nông dân trong xã được hướng dẫn ghi nhật ký đồng ruộng như thời gian thực hiện, công việc, thiết bị, loại vật tư sử dụng,…Như chia sẻ của ông Trần Văn Long (ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng), sau khi kết thúc mùa vụ, đã tính toán được chi phí sản xuất 19 triệu đồng/ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha.

Không những vậy, ông Long còn biết áp dụng các kỹ thuật vào canh tác để hạn chế dịch hại, tăng năng suất trên cùng diện tích. Cụ thể là sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, dùng phân hữu cơ bón lót để tạo độ phì nhiêu cho đất, sử dụng phân đạm chậm tan để tiết kiệm phân bón,…

Từ việc liên kết trồng lúa sạch, bền vững như vậy đã góp phần cho đời sống của nông dân xã Khánh Hưng trở nên khấm khá và giúp cho xã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 65,2 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 0,42%.

Có thể thấy, việc nông dân liên kết cùng HTX trồng lúa sạch như hai xã Hưng Điền A và Khánh Hưng rất cần được nhân rộng ở huyện Vĩnh Hưng - một trong những huyện vùng sâu, biên giới của tỉnh Long An, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Phát triển những HTX trồng lúa theo hướng bền vững như vậy sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân vươn lên thoát nghèo, đồng thời giúp cho người dân vùng biên này ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng và giữ gìn biên giới ngày càng vững chắc.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cung-htx-trong-lua-sach-giup-nong-dan-vinh-hung-vuon-len-kham-kha-1092656.html