Giá vật tư nông nghiệp lại tăng

Khởi đầu vụ lúa hè thu năm nay, ngoài ảnh hưởng về thời tiết, bà con nông dân còn đối mặt với nhiều khó khăn do giá vật tư nông nghiệp (VTNN) đầu vào vẫn ở mức cao, làm gia tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận sau thu hoạch.

Theo kế hoạch vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống 35.244 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời (28.954 ha), U Minh (3.280 ha), Thới Bình (530 ha) và TP Cà Mau (2.480 ha). Trước mùa vụ, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhận định, sản xuất vụ lúa hè thu năm nay, bà con nông dân đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, đất khô, mực thủy cấp xuống thấp, tạo điều kiện cho phèn tiềm tàng hoạt động. Ðồng thời, tổng lượng mưa tháng 4 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, do đó sẽ gây khó khăn cho khâu rửa phèn đầu vụ.

Trước mùa vụ, giá các mặt hàng VTNN bắt đầu tăng từ 5-10% so với vụ mùa trước.

Trước mùa vụ, giá các mặt hàng VTNN bắt đầu tăng từ 5-10% so với vụ mùa trước.

Ngoài ra, sau thời gian dài có xu hướng giảm và bình ổn, hiện giá các mặt hàng VTNN rục rịch tăng giá. Chị Phạm Thanh Thủy, Chủ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng VTNN Trọng Tín, tại chợ Phường 7, TP Cà Mau, cho biết, từ đầu năm đến nay, giá phân bón có phần “hạ nhiệt” so với vụ hè thu năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao. Ðặc biệt, gần đây giá phân có xu hướng nhích lên, khi tới đây sức tiêu thụ tăng trong vụ lúa hè thu. Hiện giá phân đang dao động từ 13-24 ngàn đồng/kg, trong đó cao nhất là phân DAP khoảng 24 ngàn đồng/kg, phân NPK30-30-0 giá 21 ngàn đồng/kg, phân Urea giá 13 ngàn đồng/kg. Giá thuốc cỏ dao động từ 80-180 ngàn đồng/lít.

Theo chị Thủy, hiện nay nguồn cung các mặt hàng VTNN dồi dào và có sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong nước và nhập khẩu, hy vọng thời gian tới giá các mặt hàng này ít có sự biến động, làm giảm chi phí sản xuất cho nông dân, sức tiêu thụ tăng, doanh nghiệp cũng bán được nhiều hàng.

Năm 2023 là năm thành công nhất của ngành lúa gạo Việt Nam, với sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá trên 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, đã mang về khoản lợi nhuận đáng kể cho nhà nông. Tuy nhiên, bước vào vụ hè thu năm nay, bà con nông dân ai cũng lo lắng trước tình trạng giá VTNN vẫn còn ở mức cao.

Nông dân Phạm Thanh Tuấn, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tính toán: “Một bao phân Urea giá hơn 700 ngàn đồng, phân đạm hỗn hợp khoảng 1,2 triệu đồng/bao, 1 chai thuốc diệt sâu rầy bình quân trên 100 ngàn đồng. Chi phí tính sơ vụ hè thu này khoảng 3 triệu đồng/ha, nếu năng suất chỉ khoảng 4-5 tấn/ha thì coi như huề vốn”.

Theo khảo sát của phóng viên, tại thời điểm này, ngoài giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng thì giá lúa giống cũng tăng trên 2 ngàn đồng/kg so với vụ mùa trước. Hiện giá lúa giống đang dao động từ 16-24 ngàn đồng/kg, trong đó lúa giống OM576 giá khoảng 16 ngàn đồng/kg, OM18 khoảng 19 ngàn đồng/kg, ST24 khoảng 24 ngàn đồng/kg.

Chi phí sản xuất tăng cao cũng là bài toán khó cho nông dân khi bước vào vụ sản xuất mới. Theo các nhà chuyên môn, nếu nông dân áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật, giảm lượng giống, phân bón để thay bằng phân hữu cơ để tiết kiệm chi phí thì có thể giảm chi phí sản xuất.

Tính đến nay, nông dân đã cày ải, chuẩn bị cho vụ mùa được hơn 30.000 ha. Giá công năm nay trung bình khoảng 140 ngàn đồng/công, không tăng so với vụ mùa trước.

Tính đến nay, nông dân đã cày ải, chuẩn bị cho vụ mùa được hơn 30.000 ha. Giá công năm nay trung bình khoảng 140 ngàn đồng/công, không tăng so với vụ mùa trước.

Ông Nguyễn Văn Quân chia sẻ: “Ðể giúp nông dân giảm chi phí đầu tư trong thời điểm giá VTNN tăng cao như hiện tại, chúng tôi chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng giải pháp canh tác thông minh, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu. Áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn (thực hành nông nghiệp tốt - GAP, sản xuất lúa thông minh, chuyển đổi canh tác hữu cơ ở những nơi có điều kiện). Gieo sạ mật độ hợp lý (sạ khô, sạ gát cải tiến lượng giống 90-110 kg/ha; sạ gát lượng giống 80-100 kg/ha), không nên gieo sạ dày, cây lúa dễ bị sâu bệnh tấn công và đổ ngã. Sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân sinh học thay thế phân vô cơ theo tỷ lệ phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất. Áp dụng bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa, chú ý bón phân Kali, Silic giúp cứng cây lúa, hạn chế đổ ngã, tăng cường bón lót vôi, lân. Không lạm dụng các loại phân bón lá, nhất là vào giai đoạn gần thu hoạch làm ảnh hưởng chất lượng lúa gạo”.

Ông Quân đồng thời cho biết, ngành cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh VTNN, lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng./.

Trung Ðỉnh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/gia-vat-tu-nong-nghiep-lai-tang-a32546.html