Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 18/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình), thời gian qua, tỉnh Nam Định đã cơ bản bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số thành phố Nam Định.

Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số thành phố Nam Định.

Giai đoạn 2020-2025, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo công tác Dân số tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện công tác dân số - KHHGĐ trên toàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 9/3/2021 về Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ tỉnh Nam Định đến năm 2030. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, vận động thay đổi hành vi được ngành Y tế tỉnh chú trọng triển khai thực hiện thường xuyên, linh hoạt. Các loại hình truyền thông, thông tin, vận động về KHHGĐ với các sản phẩm truyền thông được đa dạng hóa phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng; tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, internet, mạng xã hội; lồng ghép với các hoạt động truyền thông của các chương trình, đề án khác. Sở Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tổ chức lồng ghép tuyên truyền về dân số và phát triển trong các hoạt động của Hội cho đội ngũ cán bộ, hội viên. Trong 4 năm (2021-2024) đã tổ chức 180 hội nghị với 28.850 lượt người tham dự. Báo Nam Định phối hợp đăng tải hơn 440 chuyên trang, chuyên mục và tin, bài tuyên truyền về công tác dân số và phát triển, các mô hình, đề án về dân số. Nội dung tuyên truyền về các hoạt động công tác dân số và phát triển như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ lụy và giải pháp; Mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên giúp nhau làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh; công tác dân số vùng biển và ven biển... Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép tuyên truyền về công tác dân số thông qua các hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể; chăng treo gần 400 băng rôn tuyên truyền hưởng ứng các ngày Dân số Thế giới (11/7), Tháng hành động quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam (26/12); hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế xã phối hợp với UBND xã thực hiện biên tập tài liệu truyền thông và tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã. Định kỳ hàng năm, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa nội dung truyền thông về dân số vào hoạt động ngoại khóa tại các trường THPT và các trường THCS, trang bị cho học sinh kiến thức cần thiết phù hợp lứa tuổi như: nhận thức về giới, bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), phòng tránh vô sinh hiếm muộn, biện pháp tránh thai hiện đại cho học sinh. Trong năm 2024, đã tổ chức 60 hội nghị truyền thông nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên cho gần 3.000 học sinh tại các trường THPT: Trần Văn Lan, Nguyễn Khuyến, Trần Nhân Tông, Nguyễn Huệ… Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn trước, trong và sau khi sử dụng dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ; tư vấn tại cộng đồng về tình dục an toàn, hệ lụy của phá thai, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh... tiếp tục được triển khai.

Dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS được triển khai phổ cập rộng rãi đến các xã, phường, thị trấn; mạng lưới dịch vụ KHHGĐ được củng cố, chú trọng ưu tiên đầu tư cho các cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ vùng khó khăn. Đội ngũ cán bộ dân số xã, phường, thị trấn và cộng tác viên dân số thôn, xóm, tổ dân phố thường xuyên được tập huấn giới thiệu về các biện pháp tránh thai hiện đại an toàn, hiệu quả. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ kỹ thuật nhằm phòng tránh vô sinh, phát hiện sớm, phòng tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh con dị tật, mắc các bệnh, tật bẩm sinh làm suy giảm giống nòi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng dân số. Năm 2023, Sở Y tế phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền về công tác dân số; tư vấn cho các công ty tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, cấp trên 8.000 vỉ thuốc tránh thai cho công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định)...

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức nâng cao nhận thức, ý thức cho toàn xã hội về công tác dân số - KHHGĐ, thực hiện có hiệu quả một số mục tiêu tỉnh đề ra. 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng. Dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS đã được triển khai rộng rãi đến 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống các Trung tâm Y tế, Bệnh viện, Phòng khám đa khoa, Phòng khám chuyên khoa sản trên địa bàn toàn tỉnh. 100% đơn vị cấp xã tiếp tục triển khai cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, xóm. Cả 9/9 huyện, thành phố đều có khoa Sản hoặc Khoa chăm sóc SKSS, đảm bảo cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, nhất là trong quá trình triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ hàng năm.

Thời gian tới, tỉnh Nam Định vẫn duy trì áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thực hiện KHHGĐ để đạt mục tiêu giảm sinh. Sở Y tế tiếp tục tham mưu ban hành nghị quyết, quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình; đa dạng hóa các loại hình truyền thông, lồng ghép với các hoạt động truyền thông của các chương trình, đề án khác; củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ ở các cấp, tập huấn hướng dẫn về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của các cơ sở dịch vụ cho tuyến y tế cơ sở thực hiện dịch vụ KHHGĐ; mở rộng các hình thức cung cấp phương tiện tránh thai dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; huy động toàn bộ hệ thống y tế, dân số tham gia thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.

Bài và ảnh: Diệu Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/cung-co-phat-trien-va-nang-cao-chat-luongdich-vu-ke-hoach-hoa-gia-dinh-1385639/