Cục Thuế Cần Thơ và kinh nghiệm trong chống thất thu thuế bất động sản

Trở thành đơn vị tiên phong trong chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bất động sản, Cục Thuế Cần Thơ phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Bằng quyết tâm của tập thể, cùng sự chung tay tích cực của hệ thống chính trị trên địa bàn, đến nay Cục Thuế Cần Thơ đã đạt được nhiều thắng lợi, khi phát hiện hồ sơ chênh lệch trong chuyển nhượng bất động sản gần 5.800 tỷ đồng; tiếp tục truy thu về cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

TP. Cần Thơ tăng cường công tác chống thất thu thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Ảnh tư liệu minh họa.

TP. Cần Thơ tăng cường công tác chống thất thu thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Ảnh tư liệu minh họa.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo số liệu thống kê của Cục Thuế TP. Cần Thơ, kể từ khi nhận được chỉ đạo của Bộ Tài chính và UBND TP. Cần Thơ, trong hoạt động chống thất thu thuế lĩnh vực bất động sản (từ tháng 10/2022 đến cuối tháng 5/2024), cơ quan thuế đã tiếp nhận 5.789 trường hợp chênh lệch giá trị chuyển nhượng giữa hợp đồng và phụ lục hợp đồng, từ các văn phòng công chứng cung cấp. Tổng giá trị chênh lệch chuyển nhượng bất động sản là hơn 5.758 tỷ đồng.

Để có được thành quả như vậy, Cục Thuế TP. Cần Thơ đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, phối hợp của các cơ quan, các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế… Song song với đó là sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của chính quyền TP. Cần Thơ. Cụ thể, Công văn số 6490/UBND-KT ngày 22/12/2021 của UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, UBND các quận, huyện… cung cấp thông tin liên quan về những rủi ro, nghi vấn trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cho cơ quan thuế. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

"Cuộc chiến" dài hạn trong xử lý chống thất thu

Cục Thuế Cần Thơ xác định đây là chiến dịch dài hạn, nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, trong quá trình thực hiện đã có nhiều tình huống nhờ vả nhằm can thiệp, thậm chí có trường hợp số lạ nhắn tin đe dọa. Nhưng chúng tôi xác định trên tinh thần chỉ đạo của các cấp chính quyền qua hình thức thu đúng, thu đủ, Cục Thuế Cần Thơ sẽ luôn làm việc với trách nhiệm cao nhất. Ông Phan Tiến Lân - Cục trưởng Cục Thuế Cần Thơ

Sau khi nhận chỉ đạo của UBND TP. Cần Thơ, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng ban hành Công văn số 280/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 24/1/2022 về việc cấp tài khoản tra cứu cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Nhằm tạo điều kiện nhất cho việc chống thất thu thuế, Sở Tư pháp TP. Cần Thơ đã ban hành nhiều công văn để gửi đến các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn về việc hỗ trợ ngành Thuế thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng bất động sản.

Công an TP. Cần Thơ cũng ban hành Quy chế phối hợp giữa Công an TP. Cần Thơ và Cục Thuế TP. Cần Thơ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế trên địa bàn thành phố.

Mới đây nhất ngày 30/5/2024, Thành ủy Cần Thơ đã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan trên địa bàn cần tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững.

Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế, nhất là các khoản nợ lớn, các khoản nợ đã được gia hạn nhưng đã quá thời hạn nộp vào ngân sách; xem xét thu hồi đất đối với các dự án chây ỳ nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, theo đúng quy định của pháp luật.

Hồ sơ liên tục tăng, công cuộc chống thất thu vẫn tiếp diễn

Kể từ khi mở “chiến dịch” chống thất thu thuế kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản đến đầu tháng 6/2024, Cục Thuế TP. Cần Thơ đã trải qua khoảng 2 năm làm việc miệt mài, tích cực và đã đạt được những kết quả khả quan. Hiện tại, hồ sơ chênh lệch bất động sản và số tiền đã tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, đoạn đường truy thu này dường như chỉ mới bắt đầu, bởi tính chất phức tạp và liên tục tăng qua từng giai đoạn.

Ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Cục trưởng Cục Thuế Cần Thơ cho biết, vào tháng 8/2022, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 26 văn phòng công chứng (VPCC) cung cấp hồ sơ thì có 3.119 hồ sơ có chênh lệch giá trị chuyển nhượng (trong đó, riêng VPCC Đỗ Thị Hà cung cấp 389 hồ sơ; 2.730 hồ sơ của các VPCC khác trên địa bàn thành phố cung cấp). Sau đó, Cục Thuế thành phố đã ban hành 218 thông báo nộp tiền thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ; thu về số tiền 14 tỷ đồng,

Đến ngày 31/5/2023, số hồ sơ chuyển nhượng bất động sản có chênh lệch giá trị chuyển nhượng giữa hợp đồng chính và phụ lục hợp đồng do VPCC cung cấp đã tăng lên 5.767 hồ sơ. Tổng số tiền đã truy thu về cho ngân sách nhà nước khoảng 80 tỷ đồng.

Số liệu công bố mới nhất đầu tháng 6/2024 cho thấy, hiện tại Cục Thuế TP. Cần Thơ đã tiếp nhận 5.789 trường hợp chênh lệch giá trị chuyển nhượng giữa hợp đồng và phụ lục hợp đồng từ các VPCC trên địa bàn thành phố.

Tổng giá trị chênh lệch giữa hợp đồng và phụ lục hợp đồng chuyển nhượng bất động sản lên đến hơn 5.758 tỷ đồng. Cơ quan thuế TP. Cần Thơ đang xử lý (lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ sang công an) 482 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 8,33%. Trong số này, 233 hồ sơ đã được chuyển hoàn tất sang công an và công an đã phản hồi 20 hồ sơ.

Cơ quan thuế Cần Thơ đã xử lý 1.166 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 20,14%. Tổng số thuế, lệ phí, và tiền phạt phải nộp gần 134 tỷ đồng. Đến đầu tháng 6/2024, số thuế, lệ phí và tiền phạt đã nộp đạt hơn 123 tỷ đồng, trong khi số tiền phạt chưa nộp là hơn 10,6 tỷ đồng.

Tiếp tục khắc phục khó khăn để thực hiện chống thất thu thuế hiệu quả

Nhận định về những khó khăn, vướng mắc, ông Phan Tiến Lân - Cục trưởng Cục Thuế Cần Thơ cho hay, do số lượng hồ sơ xử lý nhiều nhưng hạn chế về nhân sự dẫn đến tiến độ xử lý còn chậm. Công tác gửi thư mời đến người nộp thuế gặp khó khăn, do không tìm được địa chỉ người nộp thuế hoặc người nộp thuế không còn ở địa phương… Cục thuế tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo sát sát của chính quyền thành phố; thực hiện các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành địa phương để công tác đôn đốc, truy thu thêm hiệu quả.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi chuyển nhượng bất động sản, người bán là cá nhân phải nộp thuế thu nhập mức 2%, người mua nộp lệ phí trước bạ 0,5% giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng công chứng. Doanh nghiệp khi chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế thu nhập bằng 20% thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng.

Người nộp thuế cũng phải khai thuế trên hợp đồng đúng với giá mua bán hai bên thỏa thuận, nếu thấp hơn sẽ tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế. Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng người dân khi mua bán đã trốn thuế và trục lợi.

Thực tế cho thấy, từ lâu, việc chuyển nhượng, giao dịch đất đai bằng các hợp đồng hai giá nhằm giảm hoặc trốn tránh nghĩa vụ thuế giữa các bên xảy ra khá phổ biến. Điều này không chỉ gây thất thu nguồn thuế lớn đối với Nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với người dân.

Hiện tại Cục Thuế Cần Thơ đang là “lá cờ đầu” ngành Thuế, trong chống thất thu thuế kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Những kinh nghiệm quý báu, nhiều giải pháp cụ thể vượt khó và bài học thành công của cơ quan thuế Cần Thơ lĩnh vực này có thể được các tỉnh, thành khác học tập, áp dụng.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cuc-thue-can-tho-va-kinh-nghiem-trong-chong-that-thu-thue-bat-dong-san-153926.html