CTĐT Quản lý tài nguyên và môi trường ở UED chú trọng hướng liên ngành, tính thực tế
Chương trình đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường tại UED được xây dựng theo hướng liên ngành, chú trọng thực hành.
Quản lý Tài nguyên và Môi trường là lĩnh vực đào tạo liên ngành, cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng thực tiễn để quản lý hiệu quả các loại tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bao gồm đất đai, nước, rừng, khoáng sản, khí hậu và đa dạng sinh học.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu, việc khai thác quá mức tài nguyên cùng với sức ép gia tăng dân số, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đặt ra nhiều thách thức cấp bách.
Trước thực trạng đó, nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tư duy hệ thống và năng lực hành động trong lĩnh vực quản lý tài nguyên - môi trường ngày càng trở nên cấp thiết. Đồng thời, cơ hội việc làm ngành này cũng trở nên đa dạng, rộng mở hơn.
Ngành học tiềm năng với cơ hội việc làm đa dạng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Tài Minh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Môi trường và Tài nguyên Sinh vật Hướng Sáng đánh giá, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng được xã hội quan tâm.
Theo ông Minh, mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường khoảng 10 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào vị trí tuyển dụng và năng lực cá nhân. Đây là mức thu nhập tương đối cạnh tranh so với mặt bằng chung của sinh viên mới tốt nghiệp.

"Điều quan trọng là các bạn trẻ cần thể hiện được tinh thần học hỏi, trách nhiệm với công việc và khả năng hòa nhập nhanh với môi trường làm việc thực tế. Sau giai đoạn đầu thích nghi và được đào tạo thêm, nếu thể hiện tốt, các bạn hoàn toàn có thể được giao nhiệm vụ quan trọng với mức thu nhập tương xứng”, ông Minh cho biết thêm.
Cũng theo ông Minh, Công ty Hướng Sáng hiện đang hoạt động trên ba lĩnh vực chính gồm: Tư vấn hồ sơ môi trường; điều tra và nghiên cứu hiện trạng sinh học – bảo tồn đa dạng sinh học; hỗ trợ triển khai các dự án giáo dục liên quan đến môi trường.
“Chúng tôi ưu tiên sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy, có chuyên ngành phù hợp và sẵn sàng học hỏi. Ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi cũng chú trọng đến kỹ năng làm việc nhóm, khả năng viết báo cáo, trình bày vấn đề khoa học rõ ràng và thái độ trách nhiệm với công việc,” ông Minh nhấn mạnh.
Ông Minh đánh giá cao khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
“Sinh viên được đào tạo trong một môi trường chuyên nghiệp, chương trình bài bản nên kiến thức nền tảng của các bạn khá tốt. Tuy nhiên, giữa môi trường giảng đường và doanh nghiệp có nhiều yêu cầu, khác biệt nhất định. Do đó, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đào tạo thêm để các bạn nhanh chóng thích nghi với yêu cầu công việc thực tế”.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Minh cho rằng sự kết nối giữa nhà trường và các đơn vị sử dụng lao động đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp và giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận thị trường lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chia sẻ với phóng viên, chị Lương Kim Kiều - hiện đang công tác tại Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) nhận định rằng, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường mở ra nhiều hướng đi nghề nghiệp đa dạng cho sinh viên sau khi ra trường.
Theo chị Kiều, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các lĩnh vực như kỹ thuật môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý môi trường tại các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp...
Tốt nghiệp từ ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng vào năm 2018, chị Kiều là một trong số những sinh viên được giữ lại làm việc tại chính đơn vị mà chị từng thực tập. Chị cho biết, chương trình đào tạo của nhà trường đã trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức khá toàn diện và thực tiễn, giúp người học có thể đáp ứng khoảng 85-90% yêu cầu của công việc sau khi ra trường.

Tuy vậy, chị Kiều cũng lưu ý rằng trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập tốt hơn vào thị trường lao động quốc tế, sinh viên cần chủ động trau dồi thêm kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.
“Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường không phải là một lĩnh vực ‘khô cứng’ như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu chịu khó học hỏi, không ngừng nâng cao kỹ năng, sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động thực địa, nghiên cứu... Chính những trải nghiệm thực tế này sẽ giúp họ phát triển nghề nghiệp vững vàng hơn trong tương lai,” chị Kiều nhấn mạnh.
Để có thêm thông tin toàn cảnh về ngành Quản lý tài nguyên và Môi trường, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu - Trưởng ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (UED).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu thông tin: "Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường trực thuộc Khoa Sinh - Nông nghiệp - Môi trường, là một trong những ngành đào tạo chính quy của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng liên ngành, chú trọng thực hành, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Trong hệ thống đào tạo của nhà trường, ngành giữ vai trò quan trọng, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường - lĩnh vực đang ngày càng giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, ngành có ý nghĩa thiết thực trong việc hỗ trợ khu vực miền Trung - Tây Nguyên ứng phó hiệu quả với các thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường".
Cũng theo cô Diệu, trong bối cảnh nước biển dâng, hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn lan rộng và đa dạng sinh học đang bị suy giảm nghiêm trọng, ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường tập trung đào tạo các chuyên gia có năng lực trong lĩnh vực quản lý tài nguyên - môi trường, hướng đến một tương lai xanh và phát triển bền vững.
Theo đó, sinh viên ngành này được trang bị tư duy hệ thống, năng lực phân tích, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng. Sau khi tốt nghiệp các em có thể làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế hoặc tham gia tư vấn, thực hiện các dự án phát triển bền vững và chuyển đổi xanh ở cả cấp địa phương và quốc gia.
Chương trình đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường tại UED có gì nổi bật?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu khẳng định, chương trình đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nổi bật với chương trình đào tạo linh hoạt, gắn kết thực tiễn và cơ hội tham gia các dự án nghiên cứu.
Sinh viên được lựa chọn 3 hướng chuyên sâu: (1) Đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; (2) Giám sát và kiểm soát sức khỏe môi trường; (3) Giáo dục môi trường và phát triển cộng đồng - giúp các em định hướng phát triển phù hợp năng lực và nhu cầu xã hội.

"Chương trình chú trọng thực hành, thực địa và kết nối địa phương; ứng dụng công nghệ hiện đại như GIS - viễn thám, mô hình hóa môi trường, đồng thời phát triển kỹ năng mềm và tư duy hệ thống. Nhờ đó, sinh viên có năng lực thích ứng cao với môi trường nghề nghiệp đa dạng và thay đổi", cô Diệu cho hay.
Sinh viên ngành này được tiếp cận nhiều công cụ và phương pháp hiện đại như GIS - viễn thám, đánh giá môi trường, ISO môi trường, lượng giá hệ sinh thái, điều tra xã hội học... Đồng thời, chương trình rèn luyện đồng bộ các kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu như: Kỹ năng số, phân tích - tổng hợp, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, ngoại ngữ và tư duy khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo.
Tiến sĩ Diệu nhấn mạnh: "Chương trình đặc biệt chú trọng thực hành, thực tế. Ngay từ năm nhất, sinh viên đã tham gia học phần tham quan thực tế tại các cơ sở xử lý môi trường, vườn quốc gia và khu bảo tồn để bước đầu định hình nghề nghiệp tương lai.
Từ năm thứ ba, các em học thực tế chuyên ngành tại các cơ quan và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giúp sinh viên vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng khảo sát, phân tích và làm việc nhóm.. Trong suốt quá trình học, sinh viên còn được thực hành thường xuyên tại phòng thí nghiệm môi trường, phòng GIS – viễn thám và các lớp học mô phỏng xử lý số liệu, phân tích mẫu...
Sang năm thứ tư, với học phần thực tập tốt nghiệp, sinh viên được trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn, tham gia các hoạt động thực tế, vận dụng kiến thức - kỹ năng để giải quyết vấn đề cụ thể, hoàn thành báo cáo chuyên sâu và xác định rõ định hướng nghề nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập tại doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ (NGO). Nhờ môi trường học tập mở, gắn với thực tiễn và cộng đồng, các em dễ dàng thích nghi và bắt nhịp với thị trường lao động sau khi ra trường".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu thấu hiểu rằng, đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, không ít bạn băn khoăn giữa đam mê và lựa chọn an toàn.
"Nhưng nếu các em yêu thiên nhiên, muốn sống xanh, mong muốn bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng thì ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường có thể là điểm khởi đầu cho hành trình ấy.
Mỗi môn học, mỗi chuyến đi thực tế hay mỗi dự án cộng đồng đều là cơ hội để các em hiểu sâu hơn về thế giới tự nhiên và vai trò của mình trong việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Hãy can đảm theo đuổi điều mình tin là đúng. Không có con đường nào hoàn hảo ngay từ đầu, nhưng có những con đường sẽ giúp các em trưởng thành, sống có ý nghĩa và hạnh phúc - vì một tương lai xanh, nhân văn và bền vững cho chính mình và cộng đồng", cô Diệu nhắn nhủ thêm.