COVID-19 tới 6 giờ ngày 29/7: Cuba vượt ngưỡng 9.000 ca mới/ngày; Mỹ ca mắc cao nhất kể từ đầu năm

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 613.684 trường hợp mắc COVID-19 và 9.438 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 196,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,2 triệu người không qua khỏi.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 196.595.950 ca, trong đó có 4.202.007 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.

Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau 6 tháng, Mỹ lại chứng kiến số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục với trên 66.000 trường hợp.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Mulhouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Mulhouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 177.979.974 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 14.413.969 ca và 86.479 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 28/7, thế giới có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn.

Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kobe, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kobe, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, Nhật Bản ngày 28/7 ghi nhận số ca mắc mới tăng cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp với hơn 8.000 ca. Riêng tại thủ đô Tokyo, nơi đăng cai Olympic 2020, có thêm 3.177 ca mắc mới, mức cao nhất trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh hệ thống y tế đang trở nên quá tải.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết chính phủ nước này sẽ nhanh chóng xem xét ban bố trình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo nếu nhận được yêu cầu từ các tỉnh này. Hiện Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở Tokyo và Okinawa.

Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 1.896 ca nhiễm mới, trong đó 1.823 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay lên 191.531 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi do đại dịch tại nước này lên 2.083 người. Với xu hướng như hiện nay, giới chức Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm trong ngày ở nước này có thể lên đến 2.000 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 25/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 25/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc đại lục ghi nhận 86 ca mắc mới trong ngày 27/7, trong đó có 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca lây nhiễm trong nước mới được ghi nhận có 48 ca ở tỉnh Giang Tô, 3 ca ở Tứ Xuyên, trong khi Vân Nam và Liêu Ninh mỗi nơi có 2 ca mắc mới.

Tính tới ngày 27/7, tổng số bệnh nhân ghi nhận tại Trung Quốc đại lục là 92.762 người, trong đó 4.636 người đã tử vong. Trong khi đó, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 31.484.605, sau khi có thêm 43.654 ca mắc mới. Số ca tử vong cũng tăng lên 422.022 người sau khi có thêm 640 bệnh nhân không qua khỏi.

Tại Australia, chính quyền bang New South Wales thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa khu vực Sydney thêm ít nhất 4 tuần trong bối cảnh các ca mắc mới mỗi ngày vẫn ở mức cao sau hơn một tháng áp đặt phong tỏa. Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa được đưa ra khi chính quyền bang xác nhận đã có thêm 177 ca nhiễm mới, trong đó có 46 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, với 19.761 ca và 51 ca tử vong trong ngày 27/7. Bộ Y tế cho biết số ca tăng mạnh trở lại trong những tuần qua sau khi chính quyền dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế để chống dịch.

Tại Ukraine, Bộ trưởng Y tế Viktor Lyashko đã công bố những quy định phòng ngừa dịch bệnh mới, theo đó những hành khách nước ngoài đến Ukraine cần phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 bổ sung trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh nếu họ chưa được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19. Hành khách là công dân Ukraine cũng phải thực hiện xét nghiệm nếu họ chưa tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 19/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 19/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 28/7, Chính phủ Anh thông báo những người đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ tại Mỹ và Liên minh châu Âu (ngoại trừ Pháp) sẽ được tới vùng England mà không phải cách ly khi nhập cảnh.

Thông báo trên Twitter, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết chính sách này sẽ có hiệu lực từ sáng 2/8. Những người được tiêm đầy đủ, sử dụng các vaccine được giới chức Mỹ và EU cấp phép, sẽ được phép đến vùng England mà không phải thực hiện quy định tự cách ly tại nhà 10 ngày sau khi đến.

Những người này vẫn phải xét nghiệm trước khi đến và ngày thứ 2 sau khi đến vùng England. Những người đến từ Pháp sẽ phải tuân thủ các quy định khác. Những người đến từ Mỹ và EU nếu chưa được tiêm đầy đủ vẫn phải cách ly theo quy định. Chính phủ Anh cũng xác nhận cho phép các du thuyền quốc tế nối lại hoạt động đến nước này.

Anh đang trong làn sóng dịch bệnh mới, lây lan nhanh do sự xuất hiện của biến thể Delta. Tuy nhiên, số ca mắc mới đã giảm trong tuần qua. Anh đã tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho hơn 70% người trưởng thành. Những quy định trên được áp dụng cho vùng England, nơi Chính phủ Anh trực tiếp có quyền điều chỉnh chính sách phòng dịch. Các vùng còn lại như Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland được phép áp dụng các chính sách riêng do chính quyền mỗi vùng đưa ra.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Ở khu vực Trung Đông, số ca nhiễm tại Iran tiếp tục lên đỉnh mới, với gần 35.000 ca mắc, nâng tổng số ca ghi nhận tại nước này lên 3.758.197 ca. Đây là lần thứ hai trong một tuần qua, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục.

Chính quyền Saudi Arabia cảnh báo những người cố tình đi tới các địa điểm trong danh sách cấm do liên quan đến dịch bệnh COVID-19, sau khi về nước sẽ phải đối mặt với án phạt cấm xuất cảnh 3 năm. Do diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay và sự lây lan của các biến thể mới, Bộ Nội vụ Saudi Arabia cảnh báo người dân không tới các nước nằm trong danh sách cấm, cho dù là trực tiếp hay từ nước thứ 3.

Công dân Saudi Arabia hiện bị cấm tới 16 quốc gia, trong đó có cả nước láng giềng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Quyết định của Saudi Arabia được đưa ra trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Đến nay, nước này đã có hơn 520.000 ca nhiễm, trong đó có gần 8.200 ca tử vong.

Phân phát khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rabat, Maroc, ngày 17/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phân phát khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rabat, Maroc, ngày 17/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Phi, Maroc cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay, với 6.971 ca, nâng số người nhiễm tại quốc gia Bắc Phi này lên 588.448, trong đó có 9.638 ca tử vong.

Tại châu Mỹ, Mỹ khuyến cáo người dân ở những khu vực đang có số ca nhiễm tăng mạnh nên đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng có không gian kín, ngay cả khi đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh các số liệu cho thấy nguy cơ biến thể Delta lây lan mạnh đang ngày càng tăng. Các nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy những người đã tiêm vaccine, một khi mắc bệnh thì khả năng làm lây lan virus cũng giống như người chưa tiêm chủng.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia có số ca bệnh và tử vong cao nhất thế giới với 35.464.023 ca bệnh, trong đó 628.351 ca tử vong. Với 68.542 trường hợp, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới ca nhất tại nước này kể từ tháng 1 tới nay.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Havana, Cuba ngày 23/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Havana, Cuba ngày 23/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cuba đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch bệnh cực kỳ nặng nề với việc liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục và số ca tử vong do mắc COVID-19 cũng ngày càng cao.

Báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày do Bộ Y tế Cuba (Minsap) công bố ngày 28/7 cho biết chỉ trong 24 giờ qua đảo quốc Caribe này đã ghi nhận 9.323 ca mắc mới với COVID-19 và 68 người không qua khỏi, nâng tổng số ca nhiễm kể từ đầu mùa dịch (tháng 3/2020) lên 358.378 trường hợp và tổng số người tử vong do nhiễm căn bệnh này là 2.560 người.

Đáng chú ý, thủ đô La Habana sau một thời gian ghi nhận mức độ lây nhiễm giảm, trong ngày vừa qua đã lại trở thành địa phương có số người mắc COVID-19 cao nhất cả nước với 1.583 trường hợp, tiếp theo là tỉnh miền Tây Matanzas với 1.314 ca và tỉnh miền Đông Guantanamo với 936 ca.

Liên quan đến tình hình tiêm chủng ngừa COVID-19, số liệu của Minsap cho biết tới nay đã có hơn 3 triệu người trong tổng số 11,2 triệu dân Cuba được tiêm ít nhất một liều vaccine Abdala hoặc Soberana 02 do chính nước này sản xuất. Trong đó, vaccine Abdala đã được cơ quản quản lý y tế nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp với hiệu quả được chứng minh đạt 92,28% trong thử nghiệm lâm sàng và ứng cử viên Soberana 02 đạt hiệu quả 91,2% với liều bổ sung Soberana Plus.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Samut Prakan, Thái Lan, ngày 26/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Samut Prakan, Thái Lan, ngày 26/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 93.948 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 138.700 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào và Philippines. Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của cả châu Á và Indonesia hiện là tâm dịch của cả thế giới.

Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Bekasi, Indonesia ngày 20/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Bekasi, Indonesia ngày 20/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 84 ca tử vong.

Malaysia tình hình vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.

Ngày 28/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 143 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Cảnh sát tuần tra nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng dịch tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát tuần tra nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng dịch tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 28/7 ghi nhận thêm trên 16.533 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 133 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 766 bệnh nhân mới và 15 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 28/7, Chính phủ Campuchia đã công bố chiến dịch trên toàn quốc nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 khi Campuchia đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba do biến thể virus Delta. Hãng thông tấn quốc gia Campuchia AKP dẫn sắc lệnh do Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen ký và công bố về chiến dịch tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 29/7 đến 12/8/2021.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 138.788 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.200 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 7.012.857 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.724.061 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (trái) và vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech Pfizer (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (trái) và vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech Pfizer (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28/7, theo dữ liệu mới được hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) công bố, liều thứ ba vaccine của Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19 có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng của cơ thể chống lại biến thể Delta.

Mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta ở những người từ 18 đến 55 tuổi được tiêm liều vaccine tăng cường (liều thứ 3) cao hơn 5 lần so với sau khi tiêm liều thứ hai. Trong số những người từ 65 đến 85 tuổi, dữ liệu của Pfizer cho thấy mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta sau khi tiêm liều thứ 3 vaccine của Pfizer/BioNTech cao hơn 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ hai.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer-BioNTech cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer-BioNTech cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Dữ liệu cũng cho thấy mức độ kháng thể cao hơn nhiều sau khi tiêm liều tăng cường so với liều thứ hai trong việc chống lại virus SARC-CoV-2 ban đầu và biến thể Beta, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi.

Pfizer hy vọng dữ liệu miễn dịch và an toàn vaccine ngừa COVID-19 có thể là căn cứ để giới chức cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi vào cuối tháng 9 tới và sau đó là cho trẻ nhỏ hơn. Thông báo trên có thể thay đổi lịch trình đã nêu trước đây của công ty về việc thúc đẩy chương trình tiêm vaccine cho trẻ nhỏ hơn, khi trước đó công ty này dự kiến sẽ xin phép sử dụng khẩn cấp vaccine cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi vào tháng 9/2021.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-toi-6-gio-ngay-297-cuba-vuot-nguong-9000-ca-moingay-my-ca-mac-cao-nhat-ke-tu-dau-nam-20210729055109222.htm