COVID-19 Châu Âu: Đức chờ 'bão'
Ý nhiều người chết nhất thế giới: 8.215, trong đó tới 40 bác sĩ.
Tình hình dịch COVID-19 châu Âu tiếp tục xấu nghiêm trọng trong 24 giờ qua. Ngày 26-3, các lãnh đạo Liên minh châu Âu đã họp trực tuyến nhưng không thống nhất được cách thức và quy mô hỗ trợ các nền kinh tế châu lục vì ảnh hưởng vì COVID-19. Chi tiết sẽ được bàn lại hai tuần nữa.
Với 80.589 ca nhiễm tính tới trưa 27-3 (giờ địa phương), Ý đang là nước có số ca nhiễm cao nhất châu lục và cao thứ ba thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc). Đáng lo ngại, số người chết ở Ý lại cao nhất thế giới: 8.215, theo số liệu từ trang web thống kê Worldometters. Đau lòng hơn, trong số người chết có tới 40 bác sĩ, vì bị lây nhiễm từ bệnh nhân.
Ba ngày trước nhiều người bắt đầu bàn về khả năng Ý đã đạt đỉnh dịch. Tuy nhiên khả năng này trở nên mong manh. Số ca nhiễm mới và số người tử vong ở Ý trong ngày 26-3 đều cao hơn số liệu của vài ngày trước đó. Trong sáu ngày gần đây, số ca tử vong ở nước này biến động liên tục: 793 ca (ngày 21-3, mức kỷ lục từ đầu dịch), 650 ca (ngày 22-3), 602 ca (ngày 23-3), 743 ca (ngày 24-3) và 683 ca (ngày 25-3), và 712 (ngày 26-3).
Khu vực có dịch nặng nhất Ý là miền Bắc. Tuy nhiên ngày 26-3 giới chức miền Nam lo khu vực này sẽ tái diễn “địa ngục” như ở miền Bắc chỉ trong 10 ngày nữa.
Ngày 26-3 Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cảnh báo toàn bộ châu Âu sẽ hứng một đợt suy thoái nặng và nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, vì vậy các nước cần có các biện pháp đặc biệt để giảm nhẹ ảnh hưởng.
Ông Conte kêu gọi các nước châu Âu cùng ra một loại “trái phiếu phục hồi” để hỗ trợ các nước bị dịch làm khủng hoảng. Hiện có 9 nước – trong đó có Ý, Pháp, Tây Ban Nha - đồng ý, nhưng Đức, Hà Lan, Áo, Phần Lan phản đối.
Tây Ban Nha đang là nước có dịch nghiêm trọng thứ hai châu Âu và thứ tư thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Ý). Hiện Tây Ban Nha có 64.059 ca nhiễm, trong đó có 4.858 người chết.
Tây Ban Nha có tới 655 người chết chỉ trong ngày 26-3, hiện là nước có số người chết cao thứ hai thế giới, chỉ sau Ý. Giới chức Tây Ban Nha nói số ca nhiễm rồi sẽ còn nhiều hơn một khi nước này đẩy mạnh xét nghiệm. Ngày 26-3 Tây Ban Nha quyết định kéo dài lệnh phong tỏa.
Tại thủ đô Madrid, một sân vận động sẽ được dùng để chứa thiết bị y tế. Trước đó, một sân trượt băng đã được trưng dụng làm nhà xác.
Tây Ban Nha cũng đang rất nỗ lực tìm nguồn thiết bị y tế phục vụ cứu chữa bệnh nhân. Tây Ban Nha đã đặt 432 triệu euro tiền thiết bị y tế từ Trung Quốc, đề nghị NATO giúp, và hứa sẽ hỗ trợ để các nhà máy trong nước tăng sản xuất.
Tuy khan hiếm nhưng Tây Ban Nha vừa cho trả lại một lô hàng gồm các bộ kit xét nghiệm nhanh bị lỗi do Trung Quốc sản xuất. Lô hàng này do một công ty Tây Ban Nha mua từ Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Tây Ban Nha viết trên Twitter rằng nhà sản xuất này không có giấy phép xuất hàng. Tây Ban Nha vặn lại là tại sao sản phẩm này có chứng nhận của châu Âu.
Một nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng giá có khi lên tới 10 lần bình thường, và thường các công ty Trung Quốc đòi phải trả tiền trước. Một nguồn tin y tế cho biết tại một số sân bay Trung Quốc luôn có hàng dài máy bay chờ được mua các mặt hàng y tế, và nhiều người trung gian đã lợi dụng để lừa bên mua.
Đức đang là nước có dịch nặng thứ ba châu Âu và thứ năm thế giới, với 47.373 ca nhiễm trong đó 285 người chết.
Các nhà chức trách Đức đang chuẩn bị cho một làn sóng nhiễm nội địa lớn hơn trong vài tuần tới, mà theo mô tả của Bộ trưởng Y tế Đức là “sự tĩnh lặng trước cơn bão”.
Trong bối cảnh này Đức vẫn có động thái chia sẻ khủng hoảng với Ý – nước có dịch nặng nhất châu Âu. Ngày 26-3, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết một số bệnh viện Đức sẽ nhận chữa trị cho ít nhất 47 bệnh nhân từ Ý. Một nhóm bệnh nhân từ Ý đã được đưa sang Đức.
Pháp đang là nước có dịch nghiêm trọng thứ tư châu Âu và thứ bảy thế giới, với 29.155 ca nhiễm trong đó 1.696 người chết.
Ngày 27-3 Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đang cố gắng hồi hương khoảng 30.000 công dân nước mình còn kẹt ở các nước. Tuần rồi Pháp đã hồi hương khoảng 100.000 người, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói với đài phát thanh Europe.
“Chúng tôi đang số gắng tìm giải pháp cho các du khách Pháp đã bị hủy chuyến bay hoặc không thể đi qua các điểm trung chuyển trong khu vực nữa” – ông Hugo Wavrin tại đại sứ quán Pháp ở Campuchia nói với Reuters ngày 27-3.
Pháp đang có hàng trăm công dân ở Campuchia. Theo lời ông Wavrin, ngày 26-3 đã có một chuyến bay đặc biệt chở 413 người Pháp từ Campuchia về. Và dự kiến sẽ có thêm 100 người Pháp nữa rời Campuchia vào ngày 28-3. Vài ngày sau cũng sẽ tiếp tục có thêm nhiều chuyến bay nữa.
Anh là nước có dịch nghiêm trọng thứ năm châu Âu và thứ tám thế giới, với 11.658 ca nhiễm trong đó có 578 người chết.
Ngày 27-3 là một ngày có nhiều tin không vui với Anh. Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cùng xác nhận nhiễm. Vài ngày trước Hoàng gia Anh cũng xác nhận Thái tử Charles đã nhiễm.
Ngày 26-3 Bộ trưởng Hancock cho biết đã có 560.000 người tình nguyện giúp Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia đối phó với khủng hoảng COVID-19, hơn gấp đôi số ông đã hy vọng.
Trong bối cảnh người người ở Anh cố thủ trong nhà chờ dịch qua đi thì trên các đường phố ở Anh vẫn còn rất nhiều người vô gia cư. Nhà chức trách Anh đã cho lập nhiều khu nhà tạm cho người vô gia cư, nhưng không đủ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/covid19-chau-au-duc-cho-bao-900473.html