Công nhân, lao động lo lắng về các 'chiêu' lừa đảo

Hiện nay, các 'chiêu' lừa đảo ngày càng tinh vi làm không ít người dân, trong đó công nhân, lao động (CNLĐ) bị sập bẫy. Trước thực trạng đó, CNLĐ mong muốn có những giải pháp xử lý kịp thời.

Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp trên không gian mạng. Các đối tượng triệt để sử dụng các ứng dụng, công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh khó truy vết. Phần lớn hoạt động có tổ chức nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không tiếp xúc, trao đổi ngoài đời thực.

Đặc biệt, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức nhắn tin, gọi điện qua điện thoại, mạng xã hội diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; đồng thời, thường xuyên thay đổi để đối phó với cơ quan chức năng, nhất là các đối tượng mạo danh cơ quan quản lý nhà nước thông báo làm căn cước công dân định danh điện tử mức độ 2, nhân viên nhà mạng, ngân hàng gọi điện để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân để chiếm đoạt SIM điện thoại của nạn nhân, tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mạng xã hội,… để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gây thiệt hại lớn và bức xúc trong người dân, trong đó có CNLĐ.

Chị Bùi Thị Chiếng lo lắng về những thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại

Chị Bùi Thị Chiếng lo lắng về những thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại

Chị Bùi Thị Chiếng, CN Công ty TNHH Tiền Vệ (TP.Tân An, tỉnh Long An) cũng lo lắng về các cuộc gọi lừa đảo nên ít bắt máy số lạ, điều này gây bất tiện khi có người cần liên lạc.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Hường, CN Công ty TNHH Sản xuất khuôn đúc Chin Chen Fuh (huyện Cần Đước), bày tỏ: “Thời gian qua, người dân, đặc biệt là CNLĐ nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi xưng danh là cán bộ với nội dung thông tin về khóa số điện thoại, thông báo trúng thưởng, nâng cấp căn cước công dân, vay tiền online, việc nhẹ lương cao,… gây lo lắng, hoang mang. Tôi mong muốn được biết tỉnh có những giải pháp gì để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó để bảo vệ CNLĐ".

Tại cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo UBND tỉnh với CNLĐ năm 2024, đại diện Công an tỉnh thông tin, trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trọng tâm là tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua đó, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh phối hợp các cơ quan truyền thông xây dựng, đăng tải hàng trăm tin, bài, phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, sử dụng không gian mạng; tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội.

Từ ngày 15/6/2023 đến ngày 14/6/2024, trên địa bàn tỉnh phát hiện, tiếp nhận khởi tố 19 vụ/8 đối tượng lừa đảo không gian mạng; xác lập và đang đấu tranh 1 chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các giải pháp như phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền định hướng dư luận, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân với nhiều hình thức; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động trên không gian mạng; triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội;…/.

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cong-nhan-lao-dong-lo-lang-ve-cac-chieu-lua-dao-a187010.html