Công nghệ dẫn đầu đà lao dốc; Dầu tăng hơn 1%

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Hai (9/12), khi các cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn và nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng được công bố trong tuần này. Giá dầu tăng hơn 1% khi quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc báo hiệu động thái đầu tiên hướng tới chính sách tiền tệ nới lỏng kể từ năm 2010.

Khép phiên, chỉ số S&P 500 mất 0,61% xuống 6.052,85 điểm, chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,62% còn 19.736,69 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 240,59 điểm, tương đương 0,54%, xuống 44.401,93 điểm.

Cổ phiếu Nvidia bốc hơi 2,6% sau khi một cơ quan quản lý của Trung Quốc tuyên bố rằng họ đang điều tra công ty sản xuất con chip trí tuệ nhân tạo (AI) được yêu thích này có vi phạm luật chống đọc quyền của Trung Quốc hay không. Cổ phiếu Nvidia là một chỉ báo cho giao dịch AI, vốn đã leo dốc hơn 180% trong năm 2024.

Cổ phiếu Advanced Micro Devices, một công ty sản xuất con chip khắc, sụt 5,6% sau khi Bank of America hạ bậc tín nhiệm cổ phiếu này từ mức mua (buy) xuống mức trung lập (neutral), với lý do khả năng thị phần hạn chế do “rủi ro cạnh tranh cao hơn trong lĩnh vực AI so với sự thống trị của Nvidia”. Cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ Meta Platforms và Netflix cũng gặp khó khăn.

Giá Bitcoin cũng giảm, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang tránh xa các khoản đầu tư rủi ro. Đồng tiền điện tử này đã vượt ngưỡng 100.000 USD lần đầu tiên vào tối hôm 4/12.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi S&P 500 và Nasdaq Composite khép phiên ngày 6/12 tại mức cao kỷ lục mới, lần lượt tăng 1% và 3.3% trong tuần trước. Dow Jones là chỉ số duy nhất bị tụt lại, rớt 0,6% trong tuần trước.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11, dự kiến công bố vào ngày 11/12, được dự báo sẽ cho thấy áp lực giá tăng nhẹ. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo CPI tăng 0,3% so với tháng trước đó và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Con số này sẽ tăng so với mức tăng tương ứng là 0,2% và 2,6% trong tháng 10.

Trung Quốc hướng đến nới lỏng chính sách tiền tệ

Kết phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent thêm 1,02 USD, tương đương 1,43%, lên 72,14 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.17 USD, tương đương 1,74%, lên 68,37 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho rằng: “Việc nới lỏng lập trường chính sách tiền tệ ở Trung Quốc có thể là động lực thúc đẩy giá dầu phục hồi, hỗ trợ tâm lý ưa thích rủi ro.”

Tăng trưởng của Trung Quốc đã bị đình trệ cho sự sụp đổ của thị trường bất động sản, qua đó ảnh hưởng đến niềm tin và tiêu dùng.

Sự suy thoái của Trung Quốc là một yếu tố khiến nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC+ quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho đến tháng 4/2025.

Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tiền tệ “khá nới lỏng”, theo một thông báo chính thức từ hội nghị của các quan chức cấp cao Đảng Cộng sản, một thuật ngữ mà nước này sử dụng lần cuối vào năm 2010 khi tìm cách hỗ trợ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cũng góp phần hỗ trợ giá dầu thô là sự bất ổn sau khi chế độ của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, sụp đổ.

Tomomichi Akuta, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting, nhận định: “Diễn biến ở Syria đã tạo thêm một lớp bất ổn chính trị mới ở Trung Quốc, mang lại một số hỗ trợ cho thị trường.”

Ngoài ra, tập đoàn xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Aramco vào ngày 08/12 đã hạ giá bán dầu tháng 1/2025 đối với những người mua châu Á xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho một tuần với nhiều dữ liệu, bao gồm báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ vào ngày 11/12 sẽ cung cấp thêm manh mối liên quan đến kế hoạch lãi suất của Fed.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cong-nghe-dan-dau-da-lao-doc-dau-tang-hon-1-post118972.html