Cộng đồng quốc tế sát cánh bên người dân Thổ Nhĩ Kỳ-Syria
Ba ngày sau các vụ động đất kinh hoàng làm hàng ngàn ngôi nhà ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đổ sập, các nhân viên cứu hộ, chuyên gia y tế cùng những chuyến hàng viện trợ thiết yếu từ khắp nơi trên thế giới vẫn đang đổ về vùng thảm họa để giúp đỡ người dân vượt qua hậu quả thiên tai.
Tính đến 19h ngày 8/2 (giờ Hà Nội) số nạn nhân thiệt mạng được xác nhận trong trận động đất làm rung chuyển khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã vượt mốc 11.000, trong đó gần 9.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và 2.500 người ở quốc gia láng giềng Syria, trở thành vụ động đất cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong thập niên vừa qua. Thế nhưng, thi thể không phải thứ duy nhất mà lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi những đống gạch đá lạnh lẽo, trong ba ngày vừa qua, họ còn giải cứu thành công hàng chục nghìn người mắc kẹt, giúp nhiều gia đình có cơ hội một lần nữa đoàn tụ và bố trí chỗ ở tạm thời cho gần 400.000 người.
Theo số liệu của Washington Post, khoảng 70.000 người đã được huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn tại vùng thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm 9.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và hàng ngàn nhân viên cứu hộ, chuyên gia y tế tới từ các nước.
Ngay từ ngày 6/2, tức vài giờ sau trận động đất đầu tiên mạnh 7,8 độ richter, 45 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đã cam kết trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua hậu quả động đất. Đến ngày 8/2, con số được xác nhận đã tăng lên hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres thông báo, các đội cứu hộ của cơ quan này đã xuất hiện trên thực địa ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ không chỉ gửi hàng viện trợ và nhân viên cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ mà còn kích hoạt hệ thống vệ tinh Copernicus để thiết lập bản đồ cứu nạn. Có tới 19 quốc gia EU xác nhận tham gia các sứ mệnh giúp đỡ Ankara vượt hậu quả động đất.
Mỹ, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, ngày 8/2 tiếp tục thông báo cử hơn 100 lính cứu hỏa và kĩ sư xây dựng cùng chó nghiệp vụ từ California tới tham gia tìm kiếm cứu nạn. Một đội gồm 82 nhân viên cứu hộ của Trung Quốc đã có mặt ở thành phố Adana của Thổ Nhĩ Kỳ, mang theo 21 tấn thiết bị và vật tư y tế, sẵn sàng ứng cứu những người bị thương khi cần thiết. Lebanon, Hàn Quốc, Algeria, Pakistan, Nhật Bản, Anh và Australia cũng đã cam kết cung cấp thêm hỗ trợ mới cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Nga cử cùng lúc 3 máy bay chở theo chuyên gia và thiết bị chuyên dụng giúp đỡ lực lượng địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm người mất tích. Họ tham gia những nỗ lực chung một cách bài bản do giới chức Thổ Nhĩ Kỳ điều phối.
Tuy vậy, tình hình ở Syria lại phức tạp hơn. Sau hơn một thập kỷ từ khi xung đột nổ ra năm 2011, phần lớn vùng Tây Bắc Syria bị động đất tàn phá hiện vẫn do lực lượng đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ, một phần khác nằm trong tay những tay súng mang tư tưởng cực đoan. Hôm 7/2, Đại sứ Syria tại LHQ Bassam Sabbagh khẳng định, Chính phủ Syria phải là bên đứng ra nhận trách nhiệm phân phối mọi hàng hóa viện trợ trên toàn lãnh thổ đất nước. Damascus cũng đề nghị hàng hóa viện trợ vào lãnh thổ Syria thông qua một cửa khẩu duy nhất để kiểm soát. Theo Guardian, chính quyền Syria lo ngại việc mở rộng viện trợ có thể làm suy yếu chủ quyền và giảm cơ hội để Damascus giành lại quyền kiểm soát khu vực Tây Bắc.
Tuy nhiên, có hai vấn đề phát sinh từ cách tiếp này. Đầu tiên, do không nắm kiểm soát thực tế, giới chức Syria rất khó đưa hàng hóa viện trợ tới tận tay người dân ở các khu vực do phe đối lập nắm giữ. Thứ hai, phương Tây đã từ chối mọi hình thức hợp tác với chính quyền ở Damascus của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên việc trợ giúp người dân không thể diễn ra thống nhất, đó là chưa kể rào cản từ các biện pháp trừng phạt khắt khe của Mỹ và đồng minh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 8/2 khẳng định, "ở Syria, chúng tôi có các đối tác nhân đạo do Mỹ tài trợ đang phối hợp hỗ trợ cứu nạn", dù không nêu tên các "đối tác nhân đạo" này. "Chúng tôi cam kết hỗ trợ người Syria vượt qua thảm họa", ông Blinken nói. "(Nhưng) những khoản tiền đó là dành cho người Syria chứ không phải chính quyền. Quan điểm này là không đổi".
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thậm chí đã thúc giục Nga gây sức ép với Syria. "Tất cả các bên, bao gồm Nga, nên có áp lực lên chính quyền Syria nhằm đảm bảo các khoản viện trợ nhân đạo cho nạn nhân được đến nơi", bà nói.
Anh, một đồng minh khác của Mỹ, thì lựa chọn làm việc với Mũ bảo hiểm Trắng, lực lượng cứu hộ địa phương bị chính quyền Syria nhiều lần lên án. Hiện chưa thể ước tính khối lượng và trị giá các gói viện trợ mà Mỹ và đồng minh cung cấp cho người Syria. Đến nay, Nga được xem là đối tác quốc tế hợp tác tích cực nhất trong nỗ lực cứu nạn cùng chính quyền Syria, bên cạnh Iran và một số nước ở khu vực. Moscow sở hữu hai căn cứ quân sự lớn tại các tỉnh Tartus, Latakia và đã triển khai thiết bị và hàng trăm quân nhân, nhân viên y tế giúp tìm kiếm và chữa trị người dân bị thương.
Trong bối cảnh cuộc chạy đua cứu giúp những người bị nạn tại vùng thảm họa được tính từng phút, giới quan sát cho rằng, các bên cần vượt qua bất đồng chính trị, tìm kiếm giải pháp cùng chấp nhận để tránh nguy cơ để xả ra thêm một thảm họa nhân đạo mới ở Syria. LHQ ước tính 90% trong số 18 triệu người ở Syria đã sống trong cảnh nghèo đói từ trước khi động đất xảy ra, do nền kinh tế bị tàn phá, hạn hán và đại dịch COVID-19. LHQ được cho là đang rất tích cực tìm cách mở các lối chuyển hàng cứu trợ vào Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, nỗ lực này gặp khó bởi các tuyến đường biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hư hại nghiêm trọng do động đất.