'Công cụ và vũ khí: Tiềm năng và hiểm họa thời đại số': Cuốn sách đọc không thể vội, nhưng phản ứng không thể chậm!
'Đổi mới công nghệ sẽ không chậm lại. Chính việc quản lý công nghệ mới cần phải tăng tốc'. Những lời khép lại của cuốn sách 'Công cụ và vũ khí: tiềm năng và hiểm họa thời đại số' đã dẫn dắt tôi lựa chọn ấn phẩm vào kệ sách của chính mình. Là một nhà báo thời chuyển đổi số, hơn ai hết, tôi thấm thía kiểm soát những công nghệ lớn không hề dễ dàng, nhưng cuốn sách này cho ta biết nên bắt đầu từ đâu như cách nói ví von của tờ The Financial Times.
Sách dày hơn 300 trang, kết cấu 16 chương, đặt ra vấn đề cấp bách hiện nay như: đám mây, an ninh mạng, băng thông rộng nông thôn, mạng xã hội, nhất là phần trí tuệ nhân tạo được đào sâu trong 3 chương 11, 12, 13.
Nói như Bill Gates trong lời tựa sách, cuốn sách nêu quan điểm rõ ràng về những câu hỏi được đặt ra từ những công nghệ mới và một hướng đi tiềm năng mới mẻ cho các công ty công nghệ và cho xã hội. Tác giả đã viết một bản hướng dẫn đầy thuyết phục cho những cuộc tranh luận nóng bỏng trong giới công nghệ ngày nay.
Cuốn sách là sự hiệp đồng trí tuệ của Brad Smith, Chủ tịch kiêm Giám đốc Pháp lý Tập đoàn Microsoft và bà Carol Ann Browne, Giám đốc Truyền thông của Microsoft. Sách hấp dẫn bởi sự liên kết những sự kiện nóng từ vụ Snowden giao tài liệu đánh cắp cho tờ Guardian đến vụ phóng viên tờ Wall street journal Daniel Pearl bị bắt cóc ở Karachi, Pakistan và bị giết chết - những sự kiện rúng động mà theo tác giả đã thay đổi hoàn toàn thế giới, thay đổi các tập đoàn công nghệ. Điều dễ nhận thấy, dù nội dung là những vấn đề mới và khó của công nghệ hiện nay, đọc thì không thể vội nhưng những hành động được đặt ra trong sách cần phản ứng không thể chậm là vậy.
16 chương với nhiều lát cắt, có thể được ví von như khối rubic đầy sắc màu, là hệ thống những vấn đề đang đặt ra với bất kỳ quốc gia, châu lục nào, đòi hỏi hệ thống giải pháp cùng một lúc giải quyết nhiều mảnh lát như thông điệp của tác giả: “Cùng nhau hành động, chính phủ và các công ty công nghệ đã đạt nhiều hơn bất kỳ ai trong chúng ta có thể, khi hành động riêng lẻ. Điều này không phải là thuốc chữa bách bệnh cho các mối đe dọa an ninh mạng thế giới. Đó cũng chưa phải là một chiến thắng vẻ vang, nhưng đây chính là một khởi đầu mới” (Chương 4).
Sách hấp dẫn tôi bởi sự thông tuệ, trung thực, logic của những bộ óc luật sư giàu kinh nghiệm và làm truyền thông lâu năm. Nhưng có lẽ điều ám ảnh hơn cả, là sự gợi mở và đặt ra vấn đề mối quan hệ đạo đức và công nghệ. “Nguyên tắc đạo đức cuối cùng cho AI có thể sẽ là nền tảng cho mọi người thứ khác là trách nhiệm. Thế giới sẽ tạo ra một tương lai như thế nào trong đó máy tính cũng có trách nhiệm với con người và những người thiết kế máy tính cũng phải có trách nhiệm với mọi người. Đây có thể là một trong những câu hỏi cốt tử cho thế hệ chúng ta (Chương 11).
Nếu tác giả cho rằng: Nhận dạng hình ảnh và giọng nói từ lâu được xem như “Chén Thánh” cho các nhà nghiên cứu khoa học về máy tính thì bản thân tôi lại nghiệm ra: “Chén Thánh” trong thời đại số chính là hệ giá trị đạo đức vì con người, cho con người, vì sự tiến bộ, công bằng và văn minh của nhân loại. Thời đại số với tiện ích, phát minh, công nghệ sẽ trở thành công cụ đắc lực cho loài người với những ai chân chính và hiểu biết hoặc sẽ trở thành hiểm họa nếu đánh đổi chân giá trị ấy bằng bất cứ giá nào.