Công chứng điện tử là xu thế, nhưng dự thảo còn khá chung chung

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định về công chứng điện tử là phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo luật còn khá chung chung.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng dự thảo luật quy định về công chứng điện tử là phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo luật còn khá chung chung.

Vì vậy, đại biểu Kim Anh đề nghị, cần nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định về công chứng điện tử; về quy trình, thủ tục, hồ sơ, người yêu cầu công chứng, và những người có liên quan… trong việc thực hiện công chứng điện tử; từ đó làm cơ sở để Chính phủ hướng dẫn chi tiết, đảm bảo phù hợp với Luật Giao dịch điện tử vừa được Quốc hội thông qua.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng trong điều kiện hiện nay, công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế hoàn toàn vai trò của con người nên việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý.

Do đó, trước mắt dự thảo luật cần quy định rõ chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế... như kinh nghiệm nhiều nước theo mô hình công chứng nội dung hiện nay.

Ông Nghĩa đề nghị xem xét giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lĩnh vực được sử dụng công chứng điện tử mà không giao Chính phủ quy định như khoản 2 điều 59 dự thảo.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng việc dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này bổ sung các quy định về công chứng điện tử là hết sức cần thiết.

"Qua lấy ý kiến, các phòng công chứng đều cho rằng đây là sự thay đổi phương thức thực hiện, không thay đổi bản chất và đặc điểm công chứng… Tuy nhiên, các nội dung tại dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở việc chỉnh lý và quy định một số nội dung cốt lõi nhất, các nguyên tắc vẫn còn rất chung chung", bà Vân nêu.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần cân nhắc hết sức thận trọng để xây dựng đầy đủ khung pháp lý cho công chứng điện tử phù hợp với đòi hỏi, sự thay đổi, điều chỉnh các quy định về đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp, thuế… theo hướng xử lý hồ sơ điện tử.

"Nói cách khác, để xây dựng được thể chế và thúc đẩy tiến trình công chứng điện tử, cần có sự thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật", bà Vân nói.

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu

Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) nhận thấy một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra cho bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng là luật hóa quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng lại chưa được đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này.

Do đó, ông Hùng đề nghị bổ sung một điều luật quy định về việc ban hành và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị nêu trên.

Về mô hình công chứng, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng nên quy định mở theo hướng: Văn phòng công chứng có thể tổ chức hoạt động theo mô hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân; quy định cụ thể thêm những điều kiện nhất định để được mở văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi.

Liên quan đến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng công chứng ra đời phục vụ nền quản lý hành chính và tư pháp.

"Trước đây không có công chứng vì tất cả giao dịch đều rất đơn giản. Sau khi các giao dịch phát triển lên, nhu cầu quản lý hành chính nhà nước và phát triển của tư pháp mới sinh ra công chứng, có lẽ mới chỉ khoảng vài chục năm nay, từ đơn giản là sao y bản chính, chứng thực văn bản. Thẩm quyền ban đầu của UBND làm việc xác nhận. Sau đó xã hội phát triển mới hình thành nên nghề công chứng", Chủ tịch nước cho biết.

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, luật này trước hết phải phục vụ cho người dân có nhu cầu; phục vụ cho quản lý nhà nước, quản trị xã hội là chính và liên quan đến pháp lý, chứng cứ tư pháp, nên cần độ chuẩn xác rất lớn.

Chủ tịch nước cho rằng các cơ quan hành chính có những giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng phải xác nhận và xin công chứng mới được giải quyết. Vừa qua, quản lý, quản trị hành chính nhà nước cải tiến rất nhiều, cải cách thủ tục hành chính chính đã giúp công chứng giảm đi.

Chủ tịch nước nêu ví dụ, trước đây phải đi photo hộ khẩu, đến công chứng xác minh hộ khẩu, nhưng giờ không còn hộ khẩu giấy nữa. Trước đây đi làm hộ chiếu, đăng ký xe máy phải một tập giấy tờ, công chứng xác nhận...

Hiện nay, căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người dân; chỉ cần số định danh là giao dịch được trên môi trường điện tử, có thể khám sức khỏe, xác nhận thuế, bảo hiểm y tế...

"Trước đây, để làm các thủ tục phải xếp hàng, đến từ mấy giờ sáng, mang đầy đủ giấy tờ mới được giải quyết, còn bây giờ chỉ mang căn cước công dân đến là được xem xét, giải quyết rồi, thậm chí cũng không cần phải đến nữa mà giao dịch điện tử. Cái đó mới là cái quan trọng, mới là cái cần phải cải tiến", Chủ tịch nước lưu ý.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cong-chung-dien-tu-la-xu-the-nhung-du-thao-con-kha-chung-chung-218512.html