Công bố quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc

Sáng 24/5, tại TP Việt Trì, Phú Thọ, Chính phủ tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3, đồng thời công bố bản Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đại biểu tại hội nghị sáng 24/5.

Các đại biểu tại hội nghị sáng 24/5.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vùng đã hoàn thành 5/17 nhiệm vụ, đề án.

Trong đó phê duyệt Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt quy hoạch 14/14 địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành việc thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng vùng; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở của Vùng; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

12 nhiệm vụ còn lại chưa hoàn thành là các đề án lớn về chính sách đặc thù phát triển vùng, chính sách về thương mại biên giới, cụm liên kết ngành, quản lý môi trường và chia sẻ nguồn nước. Các nhiệm vụ này đang được các bộ, địa phương xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ước tính quý 1/2024, kinh tế của vùng vẫn ổn định và tăng trưởng ở mức khá với GRDP đạt 6,54%, dẫn đầu cả nước; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 33 tỷ USD.

Tuy nhiên, thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt 26% dự toán, nguyên nhân do thu ngân sách dựa nhiều vào thủy điện và những tháng đầu năm các nhà máy tập trung tích nước, công suất phát điện thấp.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, toàn vùng đã hoàn thành 3 dự án: Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, tuyến Đoan Hùng - Phú Thọ), đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm của vùng như: Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)…

15 dự án còn lại trong chương trình hành động đang được các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong điều phối, phát triển vùng như: liên kết hợp tác còn hạn chế, nhất là hợp tác qua biên giới và hợp tác liên vùng; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa phát triển đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự hấp dẫn.

"Nguyên nhân của những khó khăn trên là các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có tính dài hạn, thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nguồn lực thực hiện chính sách dựa nhiều vào Ngân sách Trung ương trong khi nguồn vốn này còn khó khăn. Ngoài ra, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước, khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ,…" Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra Lễ công bố Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 369 phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.

Vùng Trung du và miền núi phía bắc được tổ chức thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu động lực. Vùng sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào nhằm tháo gỡ một trong những nút thắt phát triển lớn nhất là năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang.

Quy hoạch vùng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, có khung kết cấu hạ tầng cơ bản kết nối nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng Bắc Trung Bộ; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, hữu cơ, đặc sản, xanh, tuần hoàn,...

Phấn đấu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao.

Đến năm 2050, vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7,5-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000-18.000 USD.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cong-bo-quy-hoach-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-post34937.html