Công bố 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng luật, Bộ luật Hình sự

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa công bố 2 nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa công bố 2 nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 5, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký chứng thực ban hành.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 07/2021/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).

Nghị quyết phân công Chính phủ trình; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 5 ngày 23-11-2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Quang cảnh phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc Khánh

Quang cảnh phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc Khánh

Ngoài ra, tại Nghị quyết số 08/2021/NQ-UBTVQH15 giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ điều khoản này là: Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022. Nghị quyết này được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

* Trước đó, qua thảo luận, các ý kiến đều cho rằng, việc trình dự thảo Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015 ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là cần thiết và đúng thẩm quyền nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đồng thời bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự, đồng thời để phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

HẰNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/cong-bo-2-nghi-quyet-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ve-xay-dung-luat-bo-luat-hinh-su-679088