Công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương năm 2024

Ngày 23/12, Bộ Công Thương đã công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương năm 2024.

1. Đột phá chính sách ngành năng lượng

Năm 2024 ghi dấu loạt chính sách mới trong lĩnh vực năng lượng, như sửa đổi Luật Điện lực, tái khởi động chương trình điện hạt nhân và tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo. Việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là bước tiến quan trọng, bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong vận hành thị trường điện. Các nỗ lực này giúp ngành năng lượng vượt qua điểm nghẽn, khai thông nguồn lực và tạo đà phát triển bền vững.

2. Kỳ tích đường dây 500 kV mạch 3

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành trong thời gian kỷ lục, sau hơn 6 tháng thi công với khối lượng công việc khổng lồ, bất chấp địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Đây là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và sáng tạo của Việt Nam. Ngành dầu khí đạt mục tiêu doanh thu 1 triệu tỷ đồng, nổi bật với chuỗi dự án dầu khí - điện gió quy mô lớn, khẳng định vai trò chủ chốt trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó là chuỗi 5 sự kiện gồm: Hạ thủy và bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch), ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho các khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 2 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới, khởi công giàn công nghệ trung tâm của chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn, trao hợp đồng FSO mỏ Lạc Đà Vàng.

3. Kim ngạch xuất nhập khẩu cao kỷ lục

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%; trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.

Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).

Kết quả này có được từ việc Bộ Công Thương thúc đẩy chiến lược xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao giá trị thương hiệu Việt, góp phần quan trọng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch

4. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ

Sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4%, cao hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng 0,9% của cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trở lại vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi và tăng trưởng trên diện rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Công Thương, các điểm nghẽn được tháo gỡ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành kịp thời, tạo động lực lớn thúc đẩy nền kinh tế.

5. Khai mở thị trường mới và ký kết CEPA

Việt Nam đạt bước tiến lớn khi ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), mở cửa thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal.

Hiệp định CEPA đã nâng tổng số FTA của Việt Nam đã ký kết và đàm phán lên 19 FTA; mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam. CEPA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả Rập. Từ đây một lần nữa, mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta vào thị trường Halal - một thị trường rất rộng lớn.

Sản phẩm phục vụ thị trường Halal chủ yếu là nông sản, do đó khơi mở được thị trường này sẽ giải quyết cơ bản các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của nước ta. Đây là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu, phát huy tiềm năng các thị trường mới nổi và nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.

6. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD

Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Năm 2024, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD

Năm 2024, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD

7. Thị trường trong nước tăng trưởng 9%

Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 9% so với năm 2023, đạt mục tiêu kế hoạch ở mức cao. Tăng trưởng thị trường trong nước đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ Công Thương cũng đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế, điều hành linh hoạt, ổn định thị trường xăng dầu năm 2024 và tích cực chủ động tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý kinh doanh xăng dầu.

Sau 15 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt chiếm 80 - 90% hệ thống siêu thị, 60 - 65% tại các chợ. Bộ Công Thương xây dựng Nghị định 60/2024/NĐ-CP, tạo động lực phát triển kênh phân phối và bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa.

8. Thương hiệu quốc gia vượt 500 tỷ USD

Theo báo cáo của Brand Finance năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao so với năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh” với hàng ngàn sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp vùng đã nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm Việt. Các nền tảng số như Amazon, Alibaba hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi cải cách thủ tục hành chính giúp giảm 90% chi phí tuân thủ.

Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia

Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia

9. Phòng vệ thương mại vững chắc

Trong tổng số gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng mới năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 5 vụ việc kép (vừa điều tra chống bán phá giá vừa điều tra chống trợ cấp), đặc biệt điều tra chống trợ cấp lên tới 6 vụ việc. Năm 2024 cũng ghi nhận thêm một thị trường lần đầu tiên điều tra với Việt Nam (là Nam Phi), đưa tổng số nước/vùng lãnh thổ từng điều tra phòng vệ thương mại với ta thành 25 thị trường. Hoa Kỳ vẫn là thị trường khởi xướng nhiều vụ việc nhất, chiếm khoảng 1/3 số vụ việc.

Bên cạnh các vụ việc mới khởi xướng, Bộ Công Thương đã tham mưu và chủ trì, xử lý thành công phần lớn trong hơn 100 vụ việc từ những năm trước vẫn đang trong quá trình điều tra/rà soát áp dụng biện pháp.

Nhờ đó, công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 như Hoa Kỳ chấm dứt điều tra phòng vệ thương mại với tủ gỗ, nhôm đùn ép, bánh xe kéo bằng thép; các doanh nghiệp hợp tác được hưởng thuế 0% trong vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh pin năng lượng mặt trời…, giúp nhiều ngành hàng giữ được thị trường xuất khẩu.

10. Chủ động tinh gọn bộ máy

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Bộ Công Thương chủ động tinh giản 18% số đơn vị đầu mối, sắp xếp lại bộ máy quản lý. Tổng cục Quản lý thị trường kết thúc hoạt động, nhiều cục, vụ, đơn vị sự nghiệp được cơ cấu lại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Bộ hướng tới mô hình hoạt động hiệu năng, đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng công nghiệp mới.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/cong-bo-10-su-kien-noi-bat-cua-nganh-cong-thuong-nam-2024-315277.html