Công bằng trong giáo dục
Vụ gian lận tại cuộc thi Genius Olympiad 2023 chưa thể khép lại nếu như Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM không kỷ luật nghiêm khắc cá nhân mắc sai phạm.
Cá nhân trực tiếp tráo bài thi, đổi tên thí sinh - đã thừa nhận hành vi và lên tiếng xin lỗi - phải bị chế tài, điều này là tất nhiên; ngoài ra, bất cứ ai bao che sai phạm cũng phải bị xử lý.
Lúc này, chưa thể bàn gì về sự thành khẩn, bởi nếu em học sinh Trường THCS Lê Văn Tám không mạnh dạn tố cáo mình bị đạo văn, nếu Ban Tổ chức Genius Olympiad 2023 không kiểm chứng và thông báo bài dự thi của em học sinh Trường THPT Gia Định (bị tố) và bài gốc giống nhau 86%, đồng thời xóa tác phẩm đó khỏi hệ thống, thì mọi chuyện có được làm rõ hay không? Tức là tất cả đều bị qua mặt và sự gian lận vẫn nhơn nhơn tồn tại.
Chúng tôi khẳng định rằng cả hai em học sinh trong vụ này đều là nạn nhân, là nạn nhân của người lớn, trước hết là người thầy của mình.
Người thầy sai trái đó không hẳn xin lỗi là xong. Lời xin lỗi chỉ làm dịu dư luận; tìm kiếm sự thông cảm, tha thứ từ những người liên quan, chứ không thể rửa sạch vết nhơ đã bôi bẩn thương hiệu Trường THPT Gia Định, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người thầy, gây tai tiếng cho giáo dục TP HCM nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung, vì Genius Olympiad là sân chơi quốc tế.
Nghiêm trị không chỉ nhằm răn đe, ngăn ngừa sai phạm tương tự có thể sẽ xảy ra, mà còn thể hiện sự công bằng: có công thì được thưởng, có tội phải chịu phạt. Bản thân nghề giáo và giáo dục phải luôn đề cao sự trung thực, nên khi người trong ngành gian dối như vậy thì phải chịu hình phạt thích đáng, để trả sự công bằng và lành mạnh về cho giáo dục.
Bàn về sự công bằng trong giáo dục, thử nhìn vào bức tranh giáo dục ở tất cả các bậc học hiện nay, thấy còn nhiều bất cập. Thí dụ, trước thềm mỗi năm học mới, tỉnh - thành nào cũng kêu ca đang thiếu hàng ngàn giáo viên, trong khi cử nhân sư phạm thất nghiệp rất nhiều. Trong bối cảnh như thế, học sinh miền núi, vùng sâu vốn đã gặp khó khăn về cơ sở vật chất lại càng thiệt thòi khi không được thụ giáo các thầy cô giỏi, giàu kinh nghiệm như học sinh ở đồng bằng. Hay như Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang áp dụng, khắp nơi thiếu trầm trọng giáo viên tin học và mỹ thuật, buộc phải "chữa cháy" bằng cách giao một giáo viên dạy ghép đến mấy môn, như thế là không bảo đảm quyền lợi cho cả thầy lẫn trò. Và, trong cuộc đua khốc liệt tuyển sinh đầu cấp ở 2 đại đô thị TP HCM và Hà Nội đang diễn ra, tại khá nhiều quận/ huyện đang rất thiếu trường học, phòng học, buộc phải "nhồi" sĩ số, hơn 50 học sinh/lớp là thường thấy, trong khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định mỗi lớp học ở cấp THCS và THPT không quá 45 em. Ngoài ra, qua cuộc chạy đua vào lớp 10 công lập, càng thấy rõ sự phân biệt, hơn thua giữa trường công và trường tư như thế nào…
Điều 13, Luật Giáo dục có nêu "Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục…" và "Mọi công dân (…) đều bình đẳng về cơ hội học tập". Trên lý thuyết tưởng giản đơn là vậy mà thực tế thì đâu dễ đạt tới.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/cong-bang-trong-giao-duc-20230713222845881.htm