Con trai Xuân Quỳnh: 'Đời tôi đẹp vì có mẹ, bố, dượng Vũ và các em'
Lưu Tuấn Anh, con trai nữ sĩ Xuân Quỳnh, cho biết mẹ, bố, dượng Vũ là những người đã dạy ông về tình yêu thương, lòng bao dung trong cuộc sống.
Trong thiên hồi ức Những ô cửa gió lộng vừa xuất bản vào tháng 8/2024, Lưu Tuấn Anh, con trai nữ sĩ Xuân Quỳnh và người chồng đầu tiên - nghệ sĩ vĩ cầm Lưu Tuấn, đã thuật lại những kỷ niệm với mẹ, bố, bố dượng (nhà viết kịch Lưu Quang Vũ), các em Quỳnh Thơ (bé Mí) và Lưu Minh Vũ. Cuốn sách chứa đựng nhiều ân tình của tác giả dành cho những người thân yêu, cùng những hình ảnh lần đầu công bố.
Những ô cửa gió lộng giúp bạn đọc hiểu hơn và tiếp tục khám phá thêm những giá trị tiềm ẩn mà Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm trong các tác phẩm cũng như cuộc đời ngắn ngủi nhưng ý nghĩa của mình.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách, tác giả Lưu Tuấn Anh đã chia sẻ với Tri Thức - Znews về những kỷ niệm này, về tình yêu thương đã gắn kết gia đình đặc biệt của ông.
Viết cuốn sách với lòng biết ơn người thân
- Thôi thúc nào đã khiến ông đặt bút viết cuốn sách này?
- Năm 2013, Nhà xuất bản Kim Đồng đề xuất với tôi ý tưởng viết lại những kỷ niệm về gia đình. Ban đầu tôi hơi e ngại với đề xuất này vì tôi vốn không thích công khai những chuyện riêng tư của gia đình. Tuy nhiên, phía Kim Đồng đã thuyết phục rằng mẹ và dượng tôi vốn đã là người của công chúng, và nhiều độc giả yêu mến Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ muốn hiểu hơn về cuộc đời họ.
Và tôi đồng ý với suy nghĩ tôi sẽ viết để tri ân những người trong gia đình. Nhưng tôi tưởng rằng những câu chuyện ký ức sẽ được nhà xuất bản in kèm trong một tập thơ nào đó dạng thông tin bổ sung, chứ không phải một cuốn sách riêng.
Những bài viết đầu tiên được thực hiện vào khoảng cuối năm 2013.
- Trong quãng thời gian 9 năm thực hiện cuốn sách, ông có gặp phải những trở ngại, khó khăn gì?
- Về mặt logic lẫn cảm xúc đều có những trở ngại. Hồi ức tôi viết là về các sự việc đã từ 35-40 năm trước. Quãng thời gian quá dài nên nhiều chi tiết khó có thể nhớ một cách chính xác và đầy đủ. Do đó, tôi đã phải hỏi một số người có liên quan để xác minh trí nhớ của mình. Tôi muốn đảm bảo những gì tôi viết ra là chân thực.
Tôi mời Minh Vũ cùng mình chấp bút cuốn sách này, vì em có trí nhớ tốt và lưu giữ được nhiều ký ức hơn tôi. Tuy nhiên, Minh Vũ không tham gia vì quá đau buồn khi nhớ về quá khứ. Trong quá trình viết, tôi đã đưa bản thảo cho em đọc và góp ý điều chỉnh vài chi tiết.
Ban đầu tôi viết khá ngẫu hứng theo mạch cảm xúc của mình mà không để ý nhiều tới tính liên kết logic. Đến khi Nhà xuất bản thông báo sẽ xuất bản thành sách riêng, tôi phải điều chỉnh và sắp xếp lại để các câu chuyện hợp thành một cuốn sách.
Vì là một món quà tri ân những người thân yêu, nên tôi cũng muốn nó được trình bày theo tinh thần những ô cửa và gió lộng. Tôi chủ động ra ý tưởng thiết kế và sao sát với đội ngũ thực hiện.
- Điều mà ông mong muốn gửi gắm đến độc giả nhất qua cuốn sách này là gì?
- Tôi viết cuốn sách này với lòng biết ơn những người thân trong gia đình mình, mẹ, bố, dượng, các em tôi và những người khác nữa. Điều tôi muốn nói với độc giả là hãy biết ơn những gì tốt đẹp mình đang có và hãy trân trọng gia đình cũng như những mối quan hệ thân tình. Lòng biết ơn sẽ tạo nên những con người tử tế, sâu sắc và giàu yêu thương.
Những người đàn ông cùng họ Lưu
- Được biết trong cuốn sách này, ông dành một phần riêng để viết về bố mình - nghệ sĩ vĩ cầm Lưu Tuấn. Từ góc độ một người con nay nhìn lại, ông nghĩ sao về tình cảm của bố mẹ dành cho mình?
- Mẹ tôi đồng điệu với tôi hơn về quan điểm sống và tình cảm. Bà dạy tôi về giá trị làm người, về khát khao, hoài bão và định hướng cuộc sống. Mẹ tôi rất hiểu tôi, vì vậy tôi hay tâm sự với mẹ về nhiều điều như với một người bạn thân. Ở bên mẹ tôi thấy rất thoải mái và bình an.
Bố tôi lại lo lắng nhiều về những vấn đề cụ thể trong cuộc sống, chuyện ăn uống, quần áo… ít người bố lại nào chăm con được như bố tôi. Ông sống đời thầm lặng, nhiều hy sinh nhưng không bao giờ kêu than. Chính vì vậy mà tôi càng thương bố. Tôi mong muốn hoàn thành cuốn sách này trước khi ông mất, nhưng tiếc rằng vẫn không kịp. Ông đã ra đi vào đầu năm nay.
- Hai người đàn ông là bố và dượng đã ảnh hưởng đến ông ra sao trong quá trình lớn lên?
- Ở mỗi người tôi đều học được những phẩm chất riêng, nhưng có một điểm chung là lòng yêu thương vô hạn họ dành cho con cái. Bố tôi sống đơn giản, không có tham vọng gì cho bản thân. Ông dành cả đời chăm sóc cho con cho cháu và đó là việc quan trọng nhất với ông trên đời. Tôi học ở ông đức tính kiên nhẫn, giản dị và hy sinh.
Dượng tôi là người có tâm hồn lãng mạn và sâu sắc. Ông là điển hình của một người từng trải và già dặn trước tuổi. Tôi ngưỡng mộ chiều sâu và sự bay bổng trong tâm hồn của ông.
- Được biết ông và Lưu Minh Vũ, người con riêng của dượng Vũ, vẫn còn giữ mối quan hệ thân thiết đến giờ?
- Mối quan hệ của chúng tôi khá đặc biệt. Vì hoàn cảnh, chúng tôi cùng họ Lưu nhưng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng tôi chia sẻ cùng nhau nhiều kỷ niệm vui thuở nhỏ và cả nỗi đau mất mát người thân. Do đó mà chúng tôi càng hiểu và gần gũi nhau hơn.
Mất mát đã khiến Minh Vũ trở thành một người hoàn toàn khác. Em từ một đứa rất nghịch và hướng ngoại thành người trầm tính. Em còn nhớ rất nhiều chuyện quá khứ. Như chuyện mẹ tôi mất chiếc xe đạp cũ mà tôi có nêu trong sách là tôi nghe em kể lại.
Hiện nay anh em đều đã lớn tuổi, bận rộn và nhiều mối lo nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau khi có thời gian, khi thì cà phê, khi thì kéo cả gia đình tới nhà nhau chơi.
Tôi kết lại cuốn sách bằng chuyện Bến tàu của anh em tôi, như một lời đáp lại mong ước khi xưa của mẹ và dượng rằng chúng tôi tuy không máu mủ ruột rà nhưng đã là anh em từ lâu.
Xuân Quỳnh tự cắt tóc, dán dép cho chồng con
- Có một kỷ niệm nho nhỏ nào của gia đình mà ông có thể chia sẻ?
- Như bao gia đình khác, từ thuở ấu thơ đến lúc thành niên, nhà chúng tôi cũng thiếu thốn. Thời ấy cắt tóc tốn tiền nhưng xấu. Kiểu tóc phổ biến thời đó là cạo trắng gáy và hai bên mai chỉ để dài phía trên đỉnh đầu (cười). Dượng, tôi và Minh Vũ và cả Quỳnh Thơ chẳng ai thích kiểu tóc này nên mẹ tôi bèn mua kéo về cắt tóc cho cả nhà theo ý chúng tôi.
Dép nhựa của chúng tôi bị đứt quai thì bà lấy tuốc nơ vít hơ trên bếp dầu để dán lại. Chuyện này chắc thế hệ bây giờ khó mà hình dung được. Những kỷ niệm như thế rất nhiều không kể hết được.
Trong ký ức của tôi và Minh Vũ, cuộc sống ngày ấy khó khăn nhưng vô cùng hạnh phúc. Tới giờ chúng tôi vẫn ước được quay lại những ngày ấy khi chúng tôi còn bố, mẹ và em.
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình tan vỡ dễ bị mất cân bằng, tổn thương, rồi oán trách bố mẹ. Nhưng điều này không xảy ra với tôi. Lý do là bố, mẹ và dượng tôi đối xử với nhau bằng sự tử tế và trách nhiệm.
Lưu Tuấn Anh, con trai nữ sĩ Xuân Quỳnh
- Từ trải nghiệm lớn lên trong một gia đình đặc biệt như vậy, ông có những đúc rút nào về tình yêu, hôn nhân, gia đình, đặc biệt là gửi gắm đến người trẻ?
- Tôi quan niệm rằng mỗi gia đình đều là bài học về tình yêu và đức hy sinh, dẫu có những bài học không hề dễ chịu. Tôi không cho rằng gia đình mình thì đặc biệt hơn những gia đình khác, có chăng mẹ và dượng tôi là người của công chúng mà thôi. Từ bố tôi, mẹ tôi, dượng tôi, tôi thấy giá trị cốt lõi tạo nên một gia đình thực sực vẫn là tình yêu thương.
Người ta ly hôn do sai lầm trong lựa chọn bạn đời và bố mẹ tôi cũng thế. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình tan vỡ dễ bị mất cân bằng, tổn thương, rồi oán trách bố mẹ. Nhưng điều này không xảy ra với tôi. Lý do là bố, mẹ và dượng tôi đối xử với nhau bằng sự tử tế và trách nhiệm.
Kể cả chọn được người bạn đời hợp tính với mình thì cũng không có gì đảm bảo hạnh phúc lâu dài cả. Lập gia đình đã hơn 20 năm, tôi hiểu ra rằng chẳng có cặp nào gọi là hoàn hảo sinh ra đã dành cho nhau.
Dẫu tương đồng tới mấy cũng sẽ có khác biệt. Muốn sống với nhau thì cần đủ yêu thương để chấp nhận và dung hòa những khác biệt này. Tôi muốn nói tới tình yêu với lòng bao dung chứ không phải thứ tình yêu say đắm vị kỷ chỉ muốn bên kia làm hài lòng mình. Khi cả hai bên cùng sẵn sàng "cho nhiều hơn nhận" thì gia đình sẽ bền vững thôi.