Con người là mục tiêu và động lực của đổi mới

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xem con người vừa là mục tiêu và động lực của đổi mới, vừa là chủ thể sáng tạo của phát triển xã hội. Con người đứng ở vị trí trung tâm của sự phát triển. Giải quyết vấn đề xã hội vì con người là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo.

Công nhân Nhà máy may Vinatex Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất) trong ca sản xuất. Ảnh: TL

Công nhân Nhà máy may Vinatex Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất) trong ca sản xuất. Ảnh: TL

Con người là trọng tâm

Hơn 90 năm lãnh đạo, Đảng ta chưa bao giờ quên nhiệm vụ giải quyết các vấn đề xã hội vì con người và điều này được thể hiện qua các kỳ đại hội. Đại hội VI vào tháng 12/1986, Đảng ta xác định rằng: Không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân. Cho nên, Đảng ta đã xác định các vấn đề xã hội cần được giải quyết là kế hoạch hóa dân số, giải quyết việc làm cho người lao động; chăm lo đáp ứng các nhu cầu giáo dục, văn hóa, bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân; bảo trợ xã hội...

Tại Đại hội VII, Đảng xác định: “Chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người... Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”. Đến Đại hội VIII, Đảng ta lại tiếp tục nhấn mạnh: “Chăm lo cho con người, cho cộng đồng xã hội là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi đơn vị, của từng gia đình, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”.

Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như dân số và việc làm, xóa đói giảm nghèo, tiền lương và thu nhập, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và dịch bệnh. Giải quyết các vấn đề xã hội có hiệu quả là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người. Tinh thần này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội có hiệu quả trong thời gian tới là “quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Nhiều vấn đề xã hội được giải quyết

Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách xã hội để giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển, góp phần mang lại sự phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Qua gần 40 năm đổi mới, giải quyết các vấn đề xã hội đã được nhiều thành tựu quan trọng với chủ trương lấy con người là trọng tâm và tất cả vì con người và phát triển con người.

Các chính sách về lao động và việc làm của Nhà nước đã có những chuyển biến tích cực. Bộ Lao động, Luật Việc làm là cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền làm việc của nhân dân và giải quyết kịp thời các mối quan hệ lao động phát sinh. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2022 là 2,34%, giảm 0,57 điểm phần trăm năm 2010 (2,91%). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo từ 14,7% năm 2010 lên 26,4% năm 2022.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37,4% năm 1998 xuống còn 14,2% năm 2010; 9,2% năm 2016 và 4,2% năm 2022. Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng tăng từ 295 nghìn đồng năm 1999 lên 1,4 triệu đồng năm 2010 lên 4,3 triệu đồng năm 2020 và 4,7 triệu đồng năm 2022. Kết cấu hạ tầng thiết yếu ở huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Bảo hiểm xã hội đã mở rộng đến mọi người lao động.

Cả nước có trên 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hội hằng tháng; mỗi năm Quỹ BHXH chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho từ 6 - 10 triệu lượt người; kịp thời chăm lo cho người lao động và nhân dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng, năm 2015 là 73,3 tuổi, năm 2019 là 73,6 tuổi và năm 2022 ước đạt 73,64 tuổi. Kiểm soát được mức sinh, cả nước đạt mức sinh thay thế. Hệ thống y tế dự phòng từ trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển.

Mặc dù vậy, thực hiện giải quyết vấn đề xã hội trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, đó là tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tào còn thấp và có sự không đều giữa các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất cao, giảm nghèo thiếu bền vững. Phân hóa giàu nghèo còn diễn biến phức tạp, chênh lệch giữa nhóm có thu nhập cao nhất 7,6 lần năm 2022.

Người nghèo ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại so với người giàu có. Tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm và nợ bảo hiểm vẫn còn gia tăng. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được kiểm soát; chất lượng tuổi thọ chưa cao; tầm vóc con người Việt Nam còn thấp so với một số nước trong khu vực. Bạo lực gia đình và bạo lực trẻ em vẫn còn tiếp diễn. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập.

Như vậy, tất cả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giải quyết các vấn đề xã hội vì con người là trọng tâm trong chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam với mục đích duy nhất là vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo an ninh con người, an ninh xã hội. Những thành tựu sau gần 40 năm đổi mới đã góp phần khẳng định rằng, giải quyết vấn đề xã hội vì con người là thuộc tính cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

PHAN THUẬN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/202405/con-nguoi-la-muc-tieuva-dong-luc-cua-doi-moi-47309ad/