Còn mãi trong tâm trí người dân Việt Nam
Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiều hoạt động ý nghĩa đã, đang và sẽ được tổ chức sâu rộng trong cả nước. Một trong số đó là triển lãm sách 'Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh' sẽ diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 29-8 đến 14-9 tại thư viện cộng đồng The Wiselands, số 216/1 đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời trực tuyến song song trên nền tảng Book365.vn.
Triển lãm trưng bày và giới thiệu khoảng 3.000 đầu sách, thông tin chuyên đề tiêu biểu của nhiều tác giả viết về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, triển lãm có 5 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bảo vật quốc gia được trưng bày trang trọng, gồm Đường kách mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di chúc.
Với những người yêu sách, đây là dịp vô cùng ý nghĩa để kết nối với nhau, tìm đến nhau vì trong tâm trí họ có cùng sự trân trọng với vẻ đẹp tâm hồn.
Liên tiếp trong 4 năm (từ năm 1966, 1967, 1968 và 1969), mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở tài liệu “Tuyệt đối bí mật” ra xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, thêm bớt, sửa hoặc viết lại những chỗ cần thiết của bản thảo được viết lần đầu năm 1965. Với trí tuệ vô cùng mẫn tiệp, thời điểm giàu kinh nghiệm nhất, lúc tinh thần thư thái nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần xem lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật” chỉ có khoảng 1.100 chữ ấy - tài liệu “tuyệt đối” chất lượng và ý nghĩa.
“Mấy lời để lại” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung sâu sắc, phong phú, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng… Ai cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành văn kiện lịch sử vô giá của nhân dân Việt Nam. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc đã soi đường không chỉ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc mà còn với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta cho đến hôm nay và mai sau.
Sau 55 năm, đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người vẫn còn nguyên xúc động. “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Không có gì phải hối hận, nhưng tiếc thì có. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếc không phải vì chưa có được, chưa đạt được điều gì cho bản thân, mà tiếc không còn phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đó là sự tiếc nuối của một bậc vĩ nhân, của người anh hùng giải phóng dân tộc, của danh nhân văn hóa kiệt xuất.
“Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân… Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão…”.
Việc riêng của mình, những căn dặn của Người cũng hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân, ích lợi cho đồng bào. Những điều đó có sức lay động sâu xa trái tim của hàng triệu triệu con người, không chỉ với người Việt Nam mà với cả lương tri của nhân loại.
Di chúc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ còn mãi trong tâm trí người dân Việt Nam. Còn các triển lãm sách sẽ mãi là sợi dây kết nối những vẻ đẹp tâm hồn.