Con chữ nơi đất nghèo Nậm Ban

Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, địa hình, thời tiết, các thầy, cô giáo ở nơi đất nghèo Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã bám bản, bám trường, bám lớp.

Những nỗ lực của các thầy, cô ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đang dần được đền đáp khi tỷ lệ chuyên cần của học sinh được duy trì, chất lượng giáo dục được nâng lên theo từng năm. Nhờ con chữ của các thầy, cô, diện mạo đổi thay đang về trên vùng đất nghèo.

Con em đồng bào dân tộc Mảng phấn khởi đến trường

Thích nghi để duy trì con chữ

Thay vì tiếng đánh vần ê a như những năm học trước, giờ đây học sinh đầu cấp ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ban đã đọc thông viết thạo hơn. Để có được thế hệ học sinh như hôm nay, các thầy, cô giáo nơi đây phải đảm nhận thêm phần việc của phụ huynh trong việc nuôi dạy học sinh.

Cô Đỗ Thị Phương Thảo, quê ở Ninh Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A1, người đã có 13 năm bám bản, bám trường trên vùng đất Nậm Ban chia sẻ: Học sinh của cô thuộc 3 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mảng. Trước đây cứ vào mùa nương rẫy hoặc thu hoạch mùa màng, học sinh thường theo cha mẹ đi rừng, đi nương. Vì vậy trong cả năm học, các thầy cô phải lên rừng, lên nương tìm về hàng chục lượt. Khi đưa học sinh về được đến trường, các thầy cô lại gặp muôn vàn khó khăn để giữ chân các em.

Dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy, cô giáo ở Nậm Ban đang nỗ lực từng ngày vì học sinh thân yêu

“Khó khăn đầu tiên của chúng tôi, đặc biệt là các em học sinh lớp 1, lớp 2 tiếng phổ thông của các em còn rất hạn chế, nên khi xuống học thầy, cô giáo nói các em còn không hiểu. Lúc đó chúng tôi sẽ nói bằng tiếng phổ thông và khi đó phải nhờ các anh chị học sinh lớp lớn hơn dịch ra để cho các em hiểu. Và dần dần từ đó các em thích nghi và biết được tiếng phổ thông nhiều hơn, lúc đó các em sẽ dễ dàng hơn trong sinh hoạt cũng như trong học tập”, cô Thảo chia sẻ.

Năm học 2023 – 2024, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ban có 15 lớp, 337 học sinh, thuộc 3 dân tộc là Mảng, Hà Nhì và Mông, học tập tại 4 điểm trường. Để giữ chân học sinh, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhà trường đang nuôi dạy ăn, ở bán trú 215 học sinh.

Được nuôi dạy ăn ở bán trú sẽ là điều kiện tốt để học sinh ở vùng đất nghèo Nậm Ban tiếp tục theo đuổi con chữ

Thầy giáo Lường Văn Văn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ban cho biết: Ở điểm trường trung tâm thì thuận lợi hơn, còn các điểm trường lẻ thì hàng ngày các thầy, cô vẫn thức khuya dậy sớm vượt hàng chục cây số để đến trường. Dạy xong buổi sáng, buổi trưa giáo viên phải ở lại nhà công vụ hoặc lớp học để buổi chiều tiếp tục lên lớp. Dù điều kiện dạy học vất vả, nhưng đa số các giáo viên ở đây đều tâm niệm phải cố gắng khắc phục, vượt lên khó khăn, thách thức để mang cái chữ đến cho học sinh.

“Hàng năm nhà trường đều phải xây dựng kế hoạch cụ thể để phân công giáo viên giảng dạy ở trường trung tâm, cũng như các điểm lẻ ở các điểm bản và giao nhiệm vụ cho các thầy, cô giáo đi vận động học sinh. Về phía Ban giám hiệu nhà trường thì làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể của xã để tuyên truyền trong các cuộc đi sinh hoạt bản, họp dân, để bà con cùng đồng cảm chia sẻ cùng thầy, cô giáo, giúp đỡ các thầy, cô giáo trong công tác giáo dục của nhà trường”, thầy giáo Văn cho hay.

Giờ đây học sinh dân tộc Mảng, Mông, Hà Nhì ở Nậm Ban đã mạnh dạn hơn trong học tập

Nậm Ban đổi thay diện mạo đi lên nhờ nội lực từ con chữ

Ông Nguyễn Văn Đài, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn cho biết: Nậm Ban là xã biên giới, có 6 bản, 313 hộ, hơn 1.700 nhân khẩu, 11 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mảng, dân tộc Mông. Với đặc thù của xã là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp, nhưng các thầy, cô giáo đã không ngại vất vả, băng rừng lội suối đến với các em học sinh. Đây là những tình cảm rất đáng trân trọng. Xã sẽ tận dụng các thế hệ học sinh được đào tạo cơ bản để cử đi học cao hơn hoặc đi đào tạo nghề để quay về vực dậy kinh tế - xã hội ở địa phương.

“Các cháu được học hành đầy đủ thì sẽ có kiến thức sâu rộng hơn và để học tới cấp. Và những cháu theo định hướng giáo dục nghề nghiệp, các cháu học xong lớp 9 thì cũng đã học nghề tại tỉnh. Trong thời gian tới khi các cháu đi học nghề nông nghiệp và các nghề khác về rồi cũng sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để sản xuất và cũng sẽ học các nghề khác để đi lao động ở ngoài. Từ đó cũng sẽ nâng cao được nguồn kinh tế cho gia đình và từ đó số lượng hộ nghèo của xã cũng sẽ được giảm dần”, ông Đài nói.

Không chỉ được dạy chữ, tính toán, các em còn được thầy, cô giáo dạy kỹ năng sống và truyền thống văn hóa dân tộc mình

Không chỉ được học chữ, học tính toán, kỹ năng sống, giờ đây các trường ở vùng đất nghèo Nậm Ban cũng đã đưa môn học Giáo dục địa phương vào giảng dạy chính khóa như một môn học bắt buộc. Qua các tiết học, con em đồng bào Mảng, Hà Nhì, Mông sẽ được các thầy cô, nghệ nhân sẽ hiểu hơn về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, để từ đó giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc mình.

Nhờ sự tận tâm của các thầy, cô giáo, giờ đây đồng bào các dân tộc địa phương đã thay đổi nhận thức về sự học của con em mình. Nậm Ban hôm nay đang khoác trên mình diện mạo đổi thay đi lên nhờ nội lực từ con chữ.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/con-chu-noi-dat-ngheo-nam-ban-post1059519.vov