'Con át chủ bài giấu mặt' của Nga có thể 'nhấn chìm' Liên minh châu Âu

Nga có một con át chủ bài giấu mặt để đưa EU chìm xuống đáy, đồng thời chính châu Âu đang cố gắng làm cho lợi thế này của Moskva quay lưng lại với họ.

Phó Thủ tướng Đức đồng thời là lãnh đạo Đảng Xanh - ông Robert Habek gần đây đã kêu gọi EU thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với năng lượng hạt nhân - át chủ bài giấu mặt của Nga trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 11.

Ông Habek cho rằng, công nghệ hạt nhân là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm và Nga không còn là đối tác tin cậy của EU nữa. Yêu cầu tương tự đã được Bộ Kinh tế Đức đưa ra: lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân dụng phải chịu các hạn chế, không chỉ trên lãnh thổ Đức mà trên toàn EU.

Tuy vậy diễn biến trên đã bị phản đối ngay chính trong nội bộ EU: “Đức tiên phong chống hạt nhân, họ đã đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng trên lãnh thổ của mình vào cuối tuần qua, và bắt đầu 'nắn thẳng' ngành công nghiệp hạt nhân ở Liên minh châu Âu”.

Tuy nhiên năng lượng hạt nhân là con át chủ bài ẩn giấu của Nga. Nếu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là phần nổi của tảng băng trôi thì năng lượng hạt nhân chính là phần khổng lồ ẩn dưới cột nước.

Lĩnh vực năng lượng hạt nhân có tầm quan trọng cực lớn đối với Liên minh Châu Âu, đến nỗi trong 10 gói trừng phạt trước đó, các nước EU đã chọn không đề cập đến nó.

Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm đối với Pháp, quốc gia có gã khổng lồ năng lượng hạt nhân EDF đang duy trì một số liên doanh và đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với Rosatom - một công ty nhà nước của Nga đóng vai trò chủ chốt trên thế giới.

Là một cường quốc hạt nhân, Pháp quan tâm đến sự hợp tác này. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý rằng Paris đang gửi chất thải hạt nhân của họ đến xử lý trên lãnh thổ Liên bang Nga.

Cho đến tháng 3/2023, Framatome - công ty mà EDF sở hữu cổ phần, vẫn đang đưa ra yêu cầu với Đức, họ hy vọng xây dựng một liên doanh sản xuất nhiên liệu hạt nhân với Rosatom ở Lower Saxony.

Nếu như Đức hy vọng Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân của Nga và các thực thể liên quan như Rosatom, Pháp sẽ chịu thiệt hại nặng.

Hiện nay 70% điện năng của Pháp được tạo ra bởi 56 lò phản ứng hạt nhân trên lãnh thổ của nước này. Nếu nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân bị cắt đứt, Pháp có thể buộc phải quay trở lại thời kỳ tiền công nghiệp.

Các chính trị gia Đức nhận thức rõ về tình hình tại Pháp, nhưng họ vẫn tự tin cho rằng Paris sẽ ủng hộ việc đưa lĩnh vực năng lượng hạt nhân Nga vào gói trừng phạt thứ 11.

Bên cạnh đó, các quốc gia chống Nga mạnh mẽ như Estonia, Ba Lan, Latvia và Litva rất háo hức với bản kế hoạch này, trong khi những nước quan tâm như Hungary rõ ràng đã lên tiếng phản đối.

Pháp chưa thể hiện lập trường của mình, nhưng Paris được coi là một trong tiếng nói lớn nhất ở Liên minh châu Âu phản đối các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp hạt nhân Nga.

Và điều này không chỉ quan trọng đối với Paris mà còn đối với toàn bộ Liên minh châu Âu, vì Pháp chịu trách nhiệm đối với khoảng 15% tổng nguồn cung cấp điện ở châu Âu.

Năng lượng hạt nhân được coi là trụ cột quan trọng của hệ thống năng lượng EU. Trong tương lai, vai trò của chúng sẽ càng trở nên quan trọng hơn do sự thiếu hụt một phần nguồn cung tại thị trường châu Âu.

Nói cách khác, khi EU rút khỏi nguồn cung cấp dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga, lĩnh vực hạt nhân trở thành một nguồn năng lượng thay thế có tầm quan trọng chiến lược lớn.

Mặc dù châu Âu có một chiến lược về việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng lĩnh vực này vẫn chưa được phát triển đầy đủ để đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tối thiểu.

Thậm chí người đứng đầu Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu Agnieszka Kamierczek còn cho rằng phương Tây có thể mất 7 - 10 năm để loại bỏ sự phụ thuộc vào Rosatom.

“Liệu châu Âu, trong trường hợp thiếu năng lượng hạt nhân của Nga, có thể chịu đựng được tình trạng mất điện liên tục trong tương lai gần”, vị chuyên gia đưa ra câu hỏi.

Thực sự không gì có thể thay thế các dịch vụ làm giàu và chuyển đổi Uranium của Nga. Năng lực sản xuất nhiên liệu hạt nhân của EU thường xuyên thiếu hụt, khiến ngành công nghiệp hạt nhân của Nga chiếm gần một nửa thế giới.

Các chuyên gia nhớ lại rằng từ năm 2009 đến 2018, trong số các đơn đặt hàng khắp thế giới về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Nga đã nhận được 23 trên tổng số 31 đơn hàng và phần còn lại được chia cho Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Ngoài ra theo báo cáo mới nhất của Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu, trong số các quốc gia nguồn nhập khẩu Uranium của EU năm 2021, Nga đứng thứ ba với tỷ trọng 19,7%, chỉ sau Niger và Kazakhstan.

Ngoài ra vào năm 2021, 25% hoạt động chuyển đổi Uranium ở EU và 31% hoạt động làm giàu Uranium được thực hiện bởi các công ty Nga, đây là số liệu rõ ràng phải suy nghĩ thấu đáo.

Có thể Liên minh châu Âu muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân của Nga, nhưng đây sẽ là một vấn đề rất lớn "con át chủ bài ẩn giấu" của Nga có thể nhấn chìm Liên minh châu Âu theo đúng nghĩa đen.

Để hiểu điều này, cần nhìn lại thống kê: Nga đã xây dựng 18 lò phản ứng hạt nhân ở các nước EU, 2 trong số đó ở Bulgaria, 6 ở Cộng hòa Séc, 2 ở Phần Lan, 4 ở Slovakia và 4 ở Hungary.

Đồng thời, các lò phản ứng của Hungary cung cấp hơn 40% điện năng. Như vậy hiện nay, Budapest không hài lòng nhất với đề xuất trừng phạt Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Điều thú vị là tất cả 18 lò phản ứng này đều cần nhiên liệu hạt nhân của Nga và được phía Nga bảo trì. Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn tiếp tục chuẩn bị cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.

Tại cuộc họp G7 về khí hậu, môi trường và năng lượng vừa kết thúc, Anh, Mỹ, Canada, Pháp và Nhật Bản đã đề xuất tước quyền kiểm soát của Nga đối với chuỗi cung ứng hạt nhân dân sự.

Đây là bước đầu tiên hướng tới các biện pháp trừng phạt mới, các nhà phân tích quốc tế tin rằng Đức đang kéo phần còn lại của EU "chìm xuống" cùng với mình.

Tuy nhiên các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được áp dụng dần dần để các nước châu Âu có thời gian chuẩn bị đối phó, tránh gây ra cú sốc quá lớn.

Nhưng không chắc rằng giai đoạn chuẩn bị này sẽ kéo dài trong 7 - 10 năm, và chừng đó (ít nhất) là cần thiết cho một quá trình chuyển đổi "không gây đau đớn".

Nói tóm lại, Liên minh châu Âu sẽ sớm phải đối mặt những vấn đề thậm chí còn lớn hơn nhiều khi so sánh với việc từ chối khí đốt và dầu mỏ của Nga.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/con-at-chu-bai-giau-mat-cua-nga-co-the-nhan-chim-lien-minh-chau-au-post537379.antd