Cơ quan Nhà nước không còn cơ chế đặc thù về tiền lương từ năm 2025
Theo chỉ thị của Thủ tướng, từ năm 2025, các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính Nhà nước không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp.
Nội dung này được đề cập tại Chỉ thị số 17 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Liên quan đến nhiệm vụ xây dựng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2025, Thủ tướng lưu ý kinh phí về chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương tiếp tục xây dựng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2025 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước so với dự toán năm 2024, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo đúng Nghị quyết số 19 của Trung ương.
Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước so với dự toán năm 2024 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
"Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, từ năm ngân sách 2025, các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính Nhà nước không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp, thu nhập và kinh phí thường xuyên. Các đơn vị lập dự toán thu, chi năm 2025 trên cơ sở quyết định của có cấp thẩm quyền về cơ chế tài chính áp dụng từ ngày 1/7/2024 và cho năm 2025", chỉ thị nêu.
Chỉ thị cũng nêu rõ, các Bộ, cơ quan Trung ương căn cứ vào chế độ tiền lương, lương hưu, trợ cấp đối với người có công, các chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện trong năm 2024 để rà soát, lập dự toán cho năm 2025, chi tiết quỹ lương, các khoản đóng góp, các chính sách, chế độ chi cho con người, kèm theo mức tăng, giảm cụ thể.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý cần nắm chắc tình hình, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Mục tiêu xuyên suốt được Thủ tướng quán triệt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, cảng biển, sân bay.
Ngoài ra, Thủ tướng định hướng hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực.