Co.opmart bán mận hậu Sơn La

Trái mận hậu chuẩn VietGAP của vùng trồng nổi tiếng Sơn La, sau khi trải qua các khâu thu hái, chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sẽ chính thức lên kệ hơn 800 siêu thị, cửa hàng thuộc Saigon Co.op bán với giá ưu đãi từ ngày 24-5

Trong bối cảnh mận hậu Sơn La năm nay mất mùa, giá cao, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã nỗ lực phối hợp cùng chính quyền tỉnh Sơn La và các doanh nghiệp (DN), HTX sản xuất mận tại tỉnh này để đưa trái mận đặc sản đến tay người tiêu dùng cả nước với chất lượng tươi ngon và mức giá bình ổn nhất. Ngoài trái mận hậu, Saigon Co.op còn cam kết tiêu thụ những đặc sản của tỉnh Sơn La như đào, xoài, bơ, các sản phẩm OCOP…

Sẽ tiêu thụ 100 tấn mận hậu trong 1 tuần

Chủ nhật tuần trước, tại huyện Mộc Châu, những xe tải đầu tiên chở mận Sơn La đã chính thức xuất phát, đưa những trái mận tươi ngon chính vụ về tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Finelife, Co.op Food. Hành trình này cũng là hoạt động chuẩn bị cho "Lễ hội mận hậu và nông sản tỉnh Sơn La" được triển khai từ ngày 24-5 đến 1-6 tại tất cả điểm bán của Saigon Co.op.

Theo chương trình, ngoài việc tổ chức bán mận hậu chính gốc Sơn La với giá bình ổn, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm dùng thử sản phẩm. Saigon Co.op dự kiến sẽ tiêu thụ 100 tấn mận hậu trong tuần lễ đầu tiên. Ngoài mận hậu, trong dịp này, Saigon Co.op còn phối hợp UBND tỉnh Sơn La giới thiệu nhiều loại nông sản, đặc sản khác của tỉnh vùng núi Tây Bắc này.

Mận hậu Sơn La đạt chuẩn VietGAP chính thức vào hệ thống Saigon Co.op từ ngày 24-5

Mận hậu Sơn La đạt chuẩn VietGAP chính thức vào hệ thống Saigon Co.op từ ngày 24-5

Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, cho biết chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng các sản phẩm OCOP chủ lực, chất lượng cao của tỉnh Sơn La nói riêng và miền núi vùng Tây Bắc nói chung như: tỏi đen, miến dong, thịt trâu/lợn gác bếp, chẩm chéo, măng khô, nấm linh chi…

Chương trình không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh doanh mà còn có ý nghĩa thiết thực, gắn kết giữa TP HCM và tỉnh Sơn La để sẻ chia lâu dài với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Ngọc cho hay, để có thể kịp thời đưa những trái mận Sơn La đạt chuẩn đến tay người tiêu dùng ngay chính vụ với giá phải chăng, từ 2 tháng trước, Saigon Co.op đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn La và các DN, HTX vùng trồng mận Mộc Châu, Yên Châu, TP Sơn La để chuẩn bị sản phẩm. Các bên đã ký cam kết tiêu thụ nhằm bảo đảm sản lượng được cung ứng ổn định và có giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

"Đến nay, các khâu chuẩn bị đã hoàn thiện. Trái mận sau khi được nhà vườn thu hái sẽ phân loại, bảo quản nhiệt độ mát vận chuyển bằng xe bảo ôn hoặc xe chuyên dụng để đưa về các tổng kho lẫn kho chứa hàng của các siêu thị. Những chuyến mận đầu tiên đã được người tiêu dùng các thành phố lớn đón nhận và phản hồi rất tích cực" - ông Ngọc nói. Ông cho biết thêm, chương trình Lễ hội mận và nông sản Sơn La diễn ra trong vài ngày tới sẽ là ngày hội giới thiệu, tiêu dùng mận, các sản phẩm từ mận cũng như các loại đặc sản khác của Sơn La.

Lễ khởi hành đưa quả mận hậu Sơn La vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op

Lễ khởi hành đưa quả mận hậu Sơn La vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản sạch

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết đây là một sự kiện mang ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong việc tăng cường sự phối hợp giữa tỉnh Sơn La với Saigon Co.op, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến đưa sản phẩm mận hậu của tỉnh Sơn La ngày càng được đông đảo khách hàng biết đến với nhiều kênh tiêu thụ, nâng cao thương hiệu và giá trị của trái mận hậu.

Trong những năm gần đây, Sơn La đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu tại tỉnh và phù hợp với tiến trình phát triển của tỉnh. Theo đó, chuyển đổi từ cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả như xoài, nhãn, bơ, thanh long, mận hậu… đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho các hộ gia đình, HTX, DN.

Cùng với xu hướng chuyển đổi cây trồng, nông dân Sơn La đã từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP. Thay vì chỉ quan tâm sản xuất, bán cho thương lái thì nay, nhiều nông dân đã tham gia HTX, liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn cao của các nhà mua hàng là nhà phân phối, nhà kinh doanh và xây dựng thương hiệu, tạo sự thay đổi lớn về giá trị cho trái mận nói riêng và các mặt hàng nông sản địa phương nói chung.

Tỉnh Sơn La còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị lớn để quảng bá, đưa trái mận hậu ra cả nước.

Riêng về chương trình hợp với Saigon Co.op, UBND tỉnh Sơn La sẽ chủ động hỗ trợ, kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối để có được những hợp đồng với giá trị lớn hơn. "Tỉnh Sơn La luôn sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất, thương mại hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến sâu nhằm hướng tới phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân" - ông Công khẳng định.

"Saigon Co.op gần như giảm lợi nhuận để bảo đảm tối đa quyền lợi cho nông dân, đồng thời mang những quả mận hậu Sơn La đạt tiêu chuẩn VietGAP đến người tiêu dùng với giá bán bình ổn".

Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op

Lễ hội mận hậu và nông sản tỉnh Sơn La

Từ ngày 24-5 đến 1-6-2024, hệ thống phân phối của Saigon Co.op toàn quốc tổ chức "Lễ hội mận hậu và nông sản tỉnh Sơn La". Bên cạnh việc đồng loạt trưng bày và trang trí đẹp, các siêu thị còn tổ chức cho khách hàng ăn thử quả mận tươi từ vùng nguyên liệu thuộc huyện Mộc Châu, Yên Châu. Hệ thống tặng cho khách hàng cơ hội trải nghiệm những quả mận hậu ngọt, mọng nước với giá mức bán cực ưu đãi.

Saigon Co.op đã có kế hoạch làm việc với chính quyền địa phương tỉnh và các sở ngành để khảo sát và lựa chọn một số HTX, có thể ký kết hỗ trợ vốn để bao tiêu vùng trồng, bảo đảm các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn và cung ứng ra thị trường với giá tốt nhất.

Minh Nhi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/coopmart-ban-man-hau-son-la-19624052316313483.htm