'Có những khoảnh khắc khiến trái tim người trẻ lặng đi…'

Hành trình về nguồn của CLB Thủ lĩnh trẻ (ĐHQG Hà Nội) giữa tháng Bảy - những ngày cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ, đã để lại trong mỗi sinh viên những dư âm không dễ gọi tên. Đi qua các địa danh như Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc, Làng Sen quê Bác… họ không chỉ 'thấy' lịch sử bằng mắt, mà đã thực sự 'nghe' lịch sử bằng trái tim.

Nghĩa trang Trường Sơn – nơi nước mắt chảy ngược vào trong

Phương Uyên (trường ĐH Giáo dục), đã không kìm được nước mắt khi đứng giữa hàng nghìn ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Không gian linh thiêng ấy khiến cô như chững lại. Những dòng tên, những năm sinh còn rất trẻ… là minh chứng rõ nhất cho một thời tuổi trẻ đã nằm lại giữa rừng sâu vì một giấc mơ hòa bình.

 Lê Phương Uyên (trường ĐH Giáo dục) thắp hương tri ân các liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn.

Lê Phương Uyên (trường ĐH Giáo dục) thắp hương tri ân các liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn.

“Có cả người thân của mình đang yên nghỉ tại đây. Cảm giác cúi đầu trước phần mộ không chỉ là nén hương tưởng niệm, mà là sự nghẹn ngào đến run người. Mình hiểu rằng, sự bình yên hôm nay không phải là hiển nhiên mà có được”, Phương Uyên nói.

Giữa tháng Bảy, khi ngày 27/7 cận kề, cảm xúc ấy như càng thôi thúc Phương Uyên sống có trách nhiệm hơn. “Mỗi người trẻ đều mang theo trong mình món nợ tinh thần với quá khứ. Và món nợ ấy không thể trả bằng nước mắt mà bằng lý tưởng sống và những hành động cụ thể”.

Ngã ba Đồng Lộc – nơi lòng biết ơn bật khóc

Với Phùng Duy Đạt (trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật) điểm dừng khiến mình day dứt nhất chính là Ngã ba Đồng Lộc. “Khi đứng trước tượng đài 10 cô gái thanh niên xung phong, mình không nghĩ họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ như vậy. Đó không phải những trang sách, đó là sự thật và sự thật ấy ám ảnh”.

 Phùng Duy Đạt (trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật) tri ân 10 cô gái thanh niên xung phong.

Phùng Duy Đạt (trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật) tri ân 10 cô gái thanh niên xung phong.

Đạt lặng người khi nhìn những dòng khắc đá, nơi ghi danh tuổi hai mươi dừng lại vĩnh viễn giữa bom đạn. Với mình, được đứng tại nơi thiêng liêng này là một vinh dự và cũng là một trách nhiệm. “Thế hệ của bọn mình hôm nay cần học cách biết ơn bằng hành động. Hòa bình không phải để an nhàn, mà để cống hiến tiếp”.

Thành cổ Quảng Trị – 81 ngày đêm không thể quên

Trần Tuấn Anh (học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên) cho biết, em thực sự xúc động khi đến Thành cổ Quảng Trị: “Em nghe kể nhiều, đọc cũng nhiều, nhưng đến khi đứng trên mảnh đất này, em mới cảm nhận được nỗi đau của quá khứ là có thật. Những người lính đã hóa thân vào đất để gìn giữ từng nhịp sống hôm nay”.

 Trần Tuấn Anh (trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên).

Trần Tuấn Anh (trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên).

Tại đây, Tuấn Anh đã đứng lặng rất lâu bên bia tưởng niệm. Trong khoảnh khắc đó, cậu học sinh lớp 11 cảm nhận như đang được trò chuyện với quá khứ, được chạm tay vào những giấc mơ còn dang dở của một thế hệ đi trước.

“Em muốn lớn lên không chỉ để trưởng thành, mà để cống hiến như những anh chị năm xưa đã từng cống hiến bằng cả sinh mệnh của mình”, Tuấn Anh nói.

Làng Sen quê Bác – bài học giản dị về lòng yêu nước

Nếu Trường Sơn, Đồng Lộc hay Quảng Trị để lại những nốt trầm bi hùng, thì Làng Sen – quê hương Bác Hồ, lại gieo vào lòng Đỗ Khánh Linh một nốt lặng rất khác: Dịu dàng nhưng sâu thẳm.

 Đỗ Khánh Linh (trường ĐH Luật).

Đỗ Khánh Linh (trường ĐH Luật).

“Mình bước qua từng lối nhỏ, từng vật dụng đơn sơ nơi ngôi nhà tranh và thấy tim mình lặng đi. Từ một mái nhà nghèo khó, một con người vĩ đại đã được hun đúc nên bởi lòng yêu nước, ý chí kiên cường và khát vọng dẫn lối dân tộc”, Khánh Linh chia sẻ cảm xúc.

Là sinh viên trường ĐH Luật, nơi nuôi dưỡng công lý và tinh thần trách nhiệm, Khánh Linh cảm thấy chuyến đi này đã nhắc mình rõ ràng hơn bao giờ hết: “Không phải sống để ngưỡng mộ lịch sử, mà phải soi mình vào lịch sử để biết sống thế nào cho xứng đáng”.

Không chỉ là một chuyến đi mà là lời thức tỉnh

Chị Hứa Thanh Hoa – Bí thư Đoàn Thanh niên ĐHQG Hà Nội chia sẻ: “27/7 không chỉ là một ngày kỷ niệm. Với đoàn viên, sinh viên ĐHQG Hà Nội, đó là dịp để tri ân sâu sắc và để giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng. Chúng tôi luôn tin rằng, khi người trẻ được trực tiếp đứng trên mảnh đất lịch sử, cảm nhận khí thiêng và nghe lại những câu chuyện của cha anh, các bạn sẽ trưởng thành hơn trong nhận thức, sống có trách nhiệm và lý tưởng hơn trong hành động”.

 Các thủ lĩnh sinh viên ĐHQG Hà Nội với hành trình tri ân.

Các thủ lĩnh sinh viên ĐHQG Hà Nội với hành trình tri ân.

Mỗi sinh viên trở về sau hành trình đều mang theo một món quà vô giá là bài học về lòng biết ơn, lý tưởng sống và khát vọng cống hiến. Và có lẽ, đó là điều đẹp nhất mà một hành trình về nguồn có thể mang lại.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/co-nhung-khoanh-khac-khien-trai-tim-nguoi-tre-lang-di-post1763822.tpo