Có nên cấm ngân hàng bán chéo bảo hiểm?

Để không còn tình trạng nhân viên ngân hàng 'ép' khách hàng vay vốn, gửi tiết kiệm phải mua bảo hiểm như hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh liên kết với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm. Trường hợp không cấm thì bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành văn bản nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cho phép ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng những quy định trong dự thảo Luật vẫn chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng cán bộ nhân viên ngân hàng ép buộc khách hàng vay vốn, gửi tiết kiệm phải mua bảo hiểm như hiện nay.

Tỷ lệ hủy hợp đồng năm đầu lên tới 70%, ngân hàng thu lợi hàng nghìn tỷ đồng

Dẫn lại câu chuyện đau lòng về người dân phải cắm sổ đỏ ngân hàng để vay tiền song bị ép mua bảo hiểm 20 triệu đồng, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn về quy định trong Dự thảo Luật.

Đại biểu đề xuất nếu không cấm, cần quy định chặt hơn để đảm bảo hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng công khai, minh bạch (Ảnh minh họa)

Theo đại biểu Thịnh, mức hoa hồng chiết khấu cao cho đại lý bảo hiểm nhân thọ là nguyên nhân khiến tình trạng ép khách vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại.

Rất nhiều con số cho thấy, các ngân hàng được lợi lớn nhờ bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng.

Thứ nhất, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70% - hủy năm đầu đồng nghĩa khách hàng mất không số phí đã nộp. Chỉ tính riêng 1 công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua 1 ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy sau năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4-8% giá trị khoản vay.

Thứ hai, chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập sau thuế của ngân hàng. Trong giai đoạn 2018 - 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.

Ông Thịnh dẫn chứng: "Năm 2020, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế là 23.050 tỷ đồng thì phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỷ đồng. Ngân hàng ACB là 9.596 tỷ đồng thì phí trả trước mà ngân hàng được hưởng đã là 8.400 tỷ đồng..., chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm".

Với thực tiễn trên, đại biểu Thịnh cho rằng quy định như Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ không đảm bảo được tình trạng ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian qua sẽ chấm dứt.

Nên cấm hay quản chặt?

Theo các đại biểu, việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại dễ dàng đã kéo các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, xóa bỏ uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.

ÔngThịnh cho rằng nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại không được thực hiện, thì Dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều: giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

“Điều này sẽ tốt cho cả hình ảnh của ngân hàng thương mại và đặc biệt là nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nghề mà đòi hỏi đạo đức và tính nhân văn hơn rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác”, ông Thịnh nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nhất trí không nên cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm.

Theo các đại biểu, ngân hàng và công ty bảo hiểm liên kết với nhau để bán bảo hiểm, hưởng lợi nhuận cao, song khi khách hàng muốn đòi quyền lợi thì phía bán bảo hiểm lại gây khó dễ. Muốn nhận được tiền bảo hiểm, người dân rất vất vả, thậm chí có người phải bỏ luôn quyền lợi vì hành trình đi đòi tiền quá cực khổ. Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) kiến nghị: “Dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật khác, tuy nhiên, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng cần nghiên cứu luật hóa để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng như việc tư vấn không đầy đủ và gây nhầm lẫn, hoặc bắt mua bảo hiểm gắn với khoản vay…”.

Dưới góc độ của ngân hàng thương mại, chia sẻ với báo chí, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng, hệ thống ngân hàng có mạng lưới rất rộng, nhân lực nhiều nên việc phối hợp giữa bảo hiểm và ngân hàng là việc mà các nước vẫn làm để đảm bảo hiệu quả chung. Tuy nhiên, nếu việc này bị lạm dụng và ép buộc khách hàng thì đó là vi phạm.

Vì vậy, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này đã quy định là thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Luật bảo hiểm quy định tất cả những trường hợp liên quan đến ép buộc khách hàng đều là vi phạm luật. Đồng thời, dự thảo Luật cũng giao thêm cho Ngân hàng Nhà nước quy định các vấn đề liên quan đến tổ chức tín dụng khi làm đại lý, như vậy sẽ đảm bảo chặt chẽ.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/co-nen-cam-ngan-hang-ban-cheo-bao-hiem-1097876.html