Có một tình yêu Tổ quốc trong 'Việt Nam qua cửa sổ con tàu'

'Việt Nam qua cửa sổ con tàu' là tập ký (tùy bút, bút ký, du ký, tản văn,...) và hình ảnh vừa phát hành của tác giả Hoàng Khánh Duy (TP.Cần Thơ). Đó là những trang viết về quê hương, đất nước, những hình ảnh mà tác giả chụp được trên hành trình khám phá Việt Nam từ Nam ra Bắc. Tập ký do Nhà xuất bản Dân Trí phát hành, dày 216 trang.

“Việt Nam qua cửa sổ con tàu” là tác phẩm mới nhất mà tác giả chọn ký làm thể loại để chia sẻ, lan tỏa hành trình đầy thú vị khám phá đất nước và con người, những nét văn hóa, ẩm thực của các vùng, miền ở Việt Nam. Tập ký có kết cấu 4 phần rõ rệt.

Phần đầu tiên “Từ sông nước miền Tây” là những trang viết về một miền Tây xinh đẹp, nhân hậu, nghĩa tình - nơi tác giả được sinh ra và lớn lên, có những trải nghiệm sâu sắc và một tình yêu mãnh liệt với một số bài viết tiêu biểu: Sớm mai chợ Nổi, Duyên nợ xứ Đồng, Đường về U Minh, Ngắm hoàng hôn trên biển Tây Nam của Tổ quốc, An Giang - núi gọi người về,...

Trong bài viết về chợ Nổi ở Cần Thơ, Hoàng Khánh Duy chia sẻ: “Miền Tây của tôi, nơi nào đi qua cũng để thương, để nhớ trong lòng”.

Phần thứ hai “Dọc dài Đông Nam Bộ” là những bài viết về dải đất trung du, bán bình nguyên Đông Nam Bộ, nơi có TP. HCM là trung tâm kinh tế - văn hóa - giải trí sầm uất và hiện đại. Các bài viết: Sắc xuân Sài Gòn, Có một Sài Gòn rất thơ trong mắt người lữ khách, Vũng Tàu bồng bềnh sóng là những tình cảm của tác giả với dọc dài Đông Nam Bộ.

“Và, mỗi khi hồi tưởng về Sài Gòn, ngay cả chiếc lá bay một chiều vội vã, một trưa nắng nóng dừng đèn đỏ, một nụ cười hiền trên khuôn mặt lã mồ hôi của người bán hàng rong... cũng trở thành nỗi nhớ khắc khoải trong tôi” - Sài Gòn trong mắt tác giả đẹp, thơ mộng và đầy hoài niệm như thế!

Phần thứ ba “Đến miền Trung cát trắng nắng vàng” là hành trình con tàu băng băng trên dải đất miền Trung xinh đẹp nhưng cũng thật khắc nghiệt biết bao. Miền Trung là vùng đất mà tác giả đem lòng yêu thích và đến thăm vào mỗi mùa hè bằng việc di chuyển trên tàu Thống Nhất dọc dài dải đất miền Trung để ngắm nhìn núi non, biển trời, những thành phố với các sắc thái khác nhau: Hiện đại, sôi động như Đà Nẵng; thâm trầm và sâu lắng như Huế,...

Đến miền Trung, tác giả không chỉ nhận ra nét đẹp của vùng đất này mà còn thấy được tính cách điềm đạm, chân thành, dễ mến của con người nơi đây. Hoàng Khánh Duy đã chắt chiu chữ nghĩa để viết về miền Trung: “Miền Trung - khúc ruột của đất nước, đâu đâu cũng đẹp cũng xinh. Một bên là biển, một bên là núi, trên là trời cao xanh sắc biếc quê nhà.

Tôi yêu miền Trung quá, miền quê vẫn còn nhiều gian khó nhưng cảnh sắc thì tuyệt vời và con người thì dễ thương quá đỗi. Sau này, mỗi lần nhớ về miền Trung, tôi lại nghe bài hát Mưa chiều miền Trung của nhạc sĩ Hồng Xương Long: “Dù cho em nay xa rồi, miền Trung vẫn thương trọn đời”.

Phần cuối cùng trong tập ký là “Đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ” - cái nôi của văn hóa dân tộc. Có thể nói, vùng đồng bằng Bắc Bộ là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nhất cả nước, là cội nguồn của dân tộc. Là một người mang tâm thức văn hóa sâu sắc, tác giả khao khát tìm về những giá trị cổ xưa, tiếp cận văn hóa để hiểu rằng cha ông đã kiến tạo và gìn giữ suốt cuộc trường chinh vạn dặm của lịch sử để văn hóa trường tồn đến tận ngày nay.

“Từ mảnh đất miền Nam xa xôi, tôi về Hà Nội giữa những ngày mùa đông mà nghe đâu đó hương thơm nồng của mùa xuân quyến rũ. Tôi ngồi giữa phố một sớm mai bừng tỉnh giấc, đi lang thang ven hồ Tây mùa này vắng một sắc sen... tự thấy lòng mình thanh tĩnh và thêm yêu thủ đô của Tổ quốc mến thương mình” - Hà Nội, trung tâm của đồng bằng chiêm trũng đã trở thành nỗi nhớ thương khắc khoải trong Hoàng Khánh Duy.

Viết về quê hương, đất nước, con người Việt Nam vẫn luôn là những trang viết nhân văn, sống động và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hoàng Khánh Duy viết: “Tôi mong rằng bạn sẽ lựa chọn quyển sách này và mang nó theo trong những chuyến đi dài. Hy vọng một lúc nào đó chúng mình gặp nhau (vì “Trái Đất thật tròn”), bạn sẽ kể tôi nghe về hành trình khám phá Việt Nam của bạn, hoặc chúng mình sẽ cùng hẹn hò chu du trên đất Mẹ Việt Nam”.

Có một dòng chảy tình yêu Tổ quốc mãnh liệt trong quyển ký của Hoàng Khánh Duy./.

Song Phú

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/co-mot-tinh-yeu-to-quoc-trong-viet-nam-qua-cua-so-con-tau-a176639.html