Có một Giàng Sộng Câu như thế

Tại bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, nhắc đến ông Giàng Sộng Câu ai nấy đều khẳng định ông chính là một người có uy tín nhất trong việc gương mẫu đi đầu, kết nối mọi gia đình, người dân tại địa phương để cuộc sống xóm làng luôn êm ấm, thuận hòa. Với các cán bộ Biên phòng ông chính là 'cánh tay nối dài' đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con dân bản và trong phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới…

Nằm sát biên giới Việt Nam-Lào, bản Pu Hao, xã Mường Lạn có 136 hộ, hơn 700 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng xấu đã trà trộn dụ dỗ, lôi kéo bà con vượt biên sang Lào, tham gia hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chính quyền cơ sở, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Cách đây gần 20 năm, thanh niên trong bản lúc ấy truyền tai nhau về một cuộc sống sung sướng nơi đất khách để rồi lũ lượt kéo nhau vượt biên sang Lào tìm miền đất hứa.

Ông Giàng Sộng Câu (thứ 3 từ trái sang) cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an đi tuyên truyền, vận động những người lầm lỗi chấp hành tốt mọi quy định của Đảng, Nhà nước và địa phương. Ảnh: Mai Khanh

Câu chuyện của chàng thanh niên bản Pu Hao tên Giàng A Thái kể cho chúng tôi được biết: Năm 2003, khi Thái đang học năm thứ 3 của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, trong lúc về quê nghỉ hè được đám thanh niên trong bản rủ rê về việc sang Lào sẽ có được cuộc sống sung sướng không phải vất vả, lam lũ. Vì thế hết kỳ nghỉ hè năm ấy, Thái đã bỏ học cùng đám thanh niên bản vượt biên sang Lào. Vì Thái là người có trình độ nên được trọng dụng, tuy nhiên tất cả lại phải ở trong rừng, ăn uống kham khổ và nghe theo mệnh lệnh của tổ chức chứ không hề có tờ đô la nào như lời hứa ban đầu. Hối hận, anh tìm cách để quay về nhưng đã bị thương khi chạy trốn và phải ẩn nấp trên núi nhiều ngày. Và, ông Giàng Sộng Câu chính là người cứu và vận động Giàng A Thái trở về bản.

Cũng giống như Giàng A Thái, nghe theo lời kẻ xấu, anh Giàng A Ly ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp đã bỏ bản, bỏ lại bố mẹ và bà con chòm xóm di cư sang Lào tìm cuộc sống mới nhưng thực chất là tham gia hoạt động phỉ tại Lào. Không lâu sau, anh bị Công an Lào bắt, bị kết án 13 năm tù về tội bạo loạn và chấp hành án phạt tù ở nước bạn Lào.

Lúc đó bản Pu Hao vô cùng ảm đạm, người đi không tin tức gì, người ở lại hoang mang, lo lắng, không ai thiết làm gì, cả bản như chìm vào màn đêm âm u dài vô tận... Chỉ có ông Giàng Sộng Câu và một số già bản cùng cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lèo là đôn đáo, tất tả chạy hết từ nhà nọ sang nhà kia động viên, khuyên bảo người dân yên tâm sinh sống; cùng với các lực lượng chức năng kêu gọi, vận động những người lầm đường lạc lối quay trở về... Chính nhờ những người như ông Giàng Sộng Câu, bản Pu Hao như sống lại, người dân tiếp tục trở lại cuộc sống thường nhật.

Bộ đội Biên phòng Sơn La tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: Mai Khanh

Để những người lầm lỡ trở về thực sự hòa nhập với bà con dân bản, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, một lòng theo Đảng, theo Nhà nước là cả một quá trình mà người bỏ nhiều công sức, thời gian và tâm huyết cùng với chính quyền, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, tuyên truyền, vận động chính là người già bản có uy tín Giàng Sộng Câu. Thời điểm khó khăn nhất, ông Giàng Sộng Câu đã đến từng nhà, gặp những người từng tham gia hoạt động phỉ bên Lào trở về để động viên, khuyên nhủ họ bỏ qua mặc cảm, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Ông còn huy động thanh niên trong bản giúp đỡ họ việc phát nương, làm rẫy, rồi đích thân ông hướng dẫn họ cách trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn cách vay vốn ngân hàng để đầu tư làm ăn kinh tế với mong muốn những người này gây dựng lại được cuộc sống no ấm trên chính mảnh đất quê hương mình thì họ sẽ yên tâm phát triển bản làng, không còn ngóng trông về một “miền đất hứa” xa xôi và đầy nguy hiểm rình rập.

Ông Giàng Sộng Câu (áo kẻ) đang trò chuyện với cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn. Ảnh: Duy Thắng

Ngôi nhà bằng gỗ to gần nhất bản của anh Giàng A Thái nằm ngay trục đường chính là kết quả của những ngày nỗ lực không ngừng nghỉ của anh cùng sự giúp đỡ của ông Giàng Sộng Câu. Khi trở về địa phương, anh gần như mất phương hướng, vừa mặc cảm với tội lỗi của mình, vừa không biết làm gì để sống, ngôi nhà tranh vách đất vắng bóng anh lâu ngày cũng mục nát dần… Lúc ấy, ông Câu đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thường xuyên đến động viên, giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn kinh tế để bắt đầu một cuộc sống mới. Giờ đây anh A Thái đã có việc làm, hai vợ chồng cùng nhau trồng trên 2ha ngô, trên 1ha sắn, chăn nuôi bò, gà… thu nhập trung bình mỗi năm trên 60 triệu đồng. Anh Thái xúc động nói: “Những ngày khó khăn nhất của tôi luôn có ông Giàng Sộng Câu ở bên thường xuyên gần gũi, động viên, dần dần tôi cũng xóa được mặc cảm, tập trung lao động sản xuất và ổn định cuộc sống. Lại được bác hướng dẫn cách trồng lúa trên đất dốc, hai vợ chồng tôi tập trung cùng làm. Giờ có được cuộc sống hôm nay, tôi thật sự biết ơn bác Câu nhiều lắm”.

Rồi gia đình anh Giàng A Ly, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, được sự gần gũi, giúp đỡ của ông Giàng Sộng Câu, anh đã nhận rõ lỗi lầm của mình, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Được ông Câu và Bộ đội Biên phòng hướng dẫn cách làm ăn kinh tế, hai vợ chồng đã cùng nhau trồng sắn, trồng ngô, phát triển vườn mận, dứa… Cuộc sống giờ đây đã khác xưa rất nhiều. Giàng A Ly tâm sự: “Nghĩ lại những ngày nằm trong rừng ở bên Lào, chịu đói, chịu rét, khổ cực trăm bề không bao giờ tôi dám mơ mình sẽ có được cuộc sống như ngày hôm nay. Vậy mà giấc mơ đó đã thành sự thật. Tôi và gia đình mang ơn bác Câu và cán bộ Biên phòng nhiều lắm”. Anh còn cho biết hiện mình được tín nhiệm suy tôn làm trưởng dòng họ Giàng, một dòng họ lớn nhất bản Pu Hao.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La luôn gần dân để hiểu dân. Ảnh: Mai Khanh

Cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, không kể nắng mưa, hầu như tháng nào ông Giàng Sộng Câu cũng cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn đi kiểm tra, dọn dẹp, phát quang đường biên, cột mốc tuyến biên giới. Ông bảo: “Đất đai của tổ tiên để lại thì mình phải có trách nhiệm giữ gìn. Biên giới có ổn định thì người dân mới yên tâm phát triển kinh tế. Mỗi người dân phải góp một chút công sức để giữ gìn biên cương của Tổ quốc chứ”. Người đàn ông dân tộc Mông này năm nay đã hơn 60 tuổi, cũng là từng đó năm ông gắn bó với vùng biên giới Mường Lạn. Với ông, những địa danh, cột mốc nơi đây thực sự trở thành hơi thở cuộc sống, trở thành máu thịt luôn phải bảo vệ, giữ gìn.

Sự thay đổi của bản Pu Hao như hiện nay luôn hiện hữu hình ảnh của một ông già đáng kính Giàng Sộng Câu. Giờ đây người dân nơi đây luôn nhắc đến ông với một tấm lòng trân trọng, kính mến và sự yêu thương vô bờ bến như một người cha, người anh, người em bản đáng kính. Ông đã và đang là “cánh tay nối dài” cùng Bộ đội Biên phòng, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành ở địa phương giữ cho cuộc sống của người dân nơi biên giới Mường Lạn bình yên, tươi sáng.

HOÀNG MAI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/co-mot-giang-song-cau-nhu-the-741283