Có lo tái diễn cảnh thiếu xăng dầu cục bộ khi Nghi Sơn dừng hoạt động?

Thông tin nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoạt động 55 ngày để bảo dưỡng, bắt đầu từ 25/8 không khỏi khiến nhiều người lo ngại tái diễn tình cảnh thiếu xăng cục bộ đã từng diễn ra nhiều lần. Để không xảy ra tình cảnh này, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu, nhưng đây cũng là khó khăn với một số doanh nghiệp.

Thông tin Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ dừng hoạt động 55 ngày kể từ ngày 25/8 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi hiện xăng dầu Nghi Sơn đang đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu trong nước.

Yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu từ tháng 7

Thực tế thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, nguồn cung trong nước có thời điểm chịu ảnh hưởng từ sự cố kỹ thuật tại phân xưởng RFCC của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 bị sụt giảm và nguy cơ nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp vấn đề về tài chính vào giai đoạn tháng 3/2023.

Lọc dầu Nghi Sơn chiếm thị phần cung ứng xăng dầu trong nước từ 35-40%.

Trong khi đó, nguồn cung, giá xăng dầu thế giới vẫn có nhiều biến động bất ổn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó là diễn biến tình hình COVID-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc chính thức gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh, lệnh cấm của Liên minh Châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn...

Một trong những giải pháp mà Bộ Công Thương đang triển khai để đối phó trong bối cảnh lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động là yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu từ tháng 7, đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định.

Để đảm bảo không thiếu xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn cần chủ động có phương án cả kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu… trong mọi tình huống để hoạt động hết và vượt công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết của mình ra thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối căn cứ sản lượng phân giao đầu năm và phần phân giao bổ sung, đối chiếu với kết quả đã thực hiện 6 tháng đầu năm để chủ động nhập khẩu xăng dầu trong tháng 7, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, không được để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống.

“Các doanh nghiệp đầu mối phải nghiêm túc thực hiện các quy định về dự trữ thương mại bắt buộc; phân phối lợi nhuận trong hệ thống và việc trích lập, quản lý Quỹ Bình ổn xăng dầu theo đúng quy định. Cùng với đó, khẩn trương và nghiêm túc khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để tự hoàn thiện, bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự báo, thị trường xăng dầu có thể sẽ ảnh hưởng đôi chút về nguồn cung trong nước, song sẽ không quá lớn khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động.

Doanh nghiệp lo lắng bài toán doanh thu, lợi nhuận

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, kế hoạch tạm dừng hoạt động của Nghi Sơn đã được báo trước từ sớm, hơn 30 đầu mối nhập xăng dầu lớn trong nước đủ năng lực để nhập khẩu hàng. Hơn nữa, trước đây, chúng ta phải nhập khẩu 100% vẫn đảm bảo cung ứng tốt cho thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước được yêu cầu tăng thêm nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt từ Nghi Sơn.

Về phía doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro cho biết, Bộ Công Thương đã tăng phân giao thêm cho doanh nghiệp này hơn 20.000 m3/tháng, như vậy mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu khoảng 70.000 m3, đây là con số khá khó khăn.

Thêm vào đó, ở góc độ doanh nghiệp, nhập khẩu sẽ cần phải tính toán bài toán doanh thu và lợi nhuận. “Sợ nhất là tăng nhập khẩu xong không bán được, nhập khẩu còn liên quan tới đầu ra, có bán được hay không hay lại tồn đọng”, ông Thoại cho biết.

Trước lo ngại giá biến động lên xuống thất thường sẽ ảnh hưởng đến lượng xăng dầu mà các doanh nghiệp cam kết nhập khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận: "Giá xăng dầu bao giờ cũng biến động, ngành kinh doanh xăng dầu là ngành kinh doanh đặc thù nên khi tham gia, doanh nghiệp phải có chủ động về vấn đề này. Có thể lãi, có thể lỗ do tỷ giá là điều chấp nhận được".

Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý về cách tính đúng tính đủ, hiện nay doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng nhất. Họ mong chờ chính sách mới sẽ đưa ra để phần nào khắc phục nhược điểm về cơ chế giá trong suốt thời gian qua.

Thực tế, nhiều lần thị trường xăng dầu trong nước đã gặp bất ổn khi đầu mối nhập khẩu lỗ do chênh lệch giá bán lẻ thấp hơn giá thành và chi phí xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam. Có thể nhìn nhận rủi ro lớn nhất của đầu mối chính là chênh lệch giá mua bán. Giá nhập theo cơ chế thị trường, nhưng giá bán vẫn quản lý theo định giá, trong điều kiện bình thường, giá ít biến động, thị trường xăng dầu sẽ không gặp vấn đề. Tuy nhiên, trong điều kiện giá thế giới biến động theo ngày, thị trường sẽ dao động, rủi ro lớn cho doanh nghiệp, từ đó có thể ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, cái gì thuộc về thị trường, nên để thị trường quyết định. Nhà nước muốn quản lý tốt thị trường xăng dầu, cần có chính sách làm sao để nguồn cung đảm bảo, tính đúng, đủ của giá thành xăng dầu để đảm bảo doanh nghiệp nhập xăng về không chịu cảnh lỗ do giá bán.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/co-lo-tai-dien-canh-thieu-xang-dau-cuc-bo-khi-nghi-son-dung-hoat-dong-1094236.html