Cơ hội việc làm của ngành Tài chính - Ngân hàng

Ngành Tài chính - Ngân hàng là một trong những ngành học đang nhận về nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ trước mùa tuyển sinh năm nay.

Tài chính - Ngân hàng là ngành học khá rộng, bao quát tất cả các dịch vụ giao dịch, lưu thông và vận hành tiền tệ.

Đồng thời, ngành học này còn có thể chia thành nhiều chuyên ngành khác nhau như ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính thuế, tài chính bảo hiểm.

Ngành Tài chính - Ngân hàng trong những năm gần đây có điểm chuẩn khá cao. (Ảnh minh họa)

Để biết được học ngành Tài chính - Ngân hàng có dễ xin việc làm không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.

Ngành Tài chính - Ngân hàng dễ xin việc làm không?

Theo thông tin trên website trường Đại học Tài chính - Kế toán, với số doanh nghiệp không ngừng tăng lên (cả nước có 124.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tính đến tháng 11/2020) và hàng loạt các định chế tài chính khác như công ty chứng khoán, công ty tài chính ngày càng mở rộng hoạt động, đã cho thấy ngành nghề này đang cần lượng lớn nguồn nhân lực.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu nhân lực cấp cao cho ngành Tài chính - Ngân hàng tăng khoảng 20% mỗi năm. Tài chính - Ngân hàng sẽ là ngành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Sau khi ra trường, sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau từ chuyên viên phụ trách tài chính, kinh doanh tiền tệ, phân tích tài chính doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công ty tài chính đa quốc gia, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm cho đến chuyên viên chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng, công ty.

Hiện mức lương của sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng sau khi ra trường được dao động từ 10 - 30 triệu đồng/tháng, đây được đánh giá là mức lương cao. So với các ngành nghề như bác sĩ, giáo viên… nhân viên Tài chính - Ngân hàng có mức lương ổn định hơn.

Các tổ hợp xét tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng

Với ngành Tài chính - Ngân hàng, bạn có thể sử dụng các khối thi sau để đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, mỗi trường sẽ sử dụng một tổ hợp khác nhau nên trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng, bạn cần phải tìm hiểu thông tin chi tiết về thông tin tuyển sinh của ngôi trường mà bạn muốn theo học.

A00: Toán, Vật lí, Hóa học
A01: Toán, Vật lí, tiếng Anh
A16: Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn
C01: Toán, Vật lí, Ngữ văn
C14: Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân
D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh
D02: Toán, Ngữ văn và tiếng Nga
D03: Toán, Ngữ văn và tiếng Pháp
D04: Toán, Ngữ văn, tiếng Trung
D06: Toán, Ngữ văn và tiếng Nhật
D07: Toán, Hóa học, tiếng Anh

Ngành học này đang được nhiều trường đại học trên cả nước tuyển sinh. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin, chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng của một số trường như: trường Đại học Thương Mại, trường Đại học Ngoại Thương, trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Tài chính - Marketing.

Anh Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-hoi-viec-lam-cua-nganh-tai-chinh-ngan-hang-ar837238.html