Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Đó là chủ đề của Tọa đàm do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức để hiểu rõ hơn những cơ hội về đô thị Huế phát triển cũng như những khó khăn, thách thức khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 20/12, tại TP Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương”.
Mở đầu buổi Tọa đàm, TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin, Nghị quyết 54/NQ-TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong phần mục tiêu xác định: Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 30/11/2024, đã thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, là thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương.
Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản… và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa (giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể)…
Báo cáo Đề dẫn và Tổng thuật tọa đàm, TS Phan Tiến Dũng đã tổng hợp một số kết quả nghiên cứu của các tác giả. Cụ thể như, PGS. TS Đỗ Bang trong bài: Xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng di sản cố đô và giá trị cảnh quan, nhân văn, cho rằng: “Những giá trị vật chất, tinh thần, cảnh quan và nhân văn của thủ phủ - Kinh đô Huế nay được bảo lưu và trở thành tài sản độc đáo vô giá của dân tộc; được nhiều thế hệ gìn giữ, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác tiềm năng; được thử thách và khẳng định, để cho Huế tàng ẩn trong mình nhiều di sản văn hóa tầm nhân loại nhất. Huế ngày nay trở thành trung tâm văn hóa và du lịch đặc sắc mang tầm vóc thế giới”.
TS Phan Thanh Hải trong bài Một số thách thức đối với thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tư cách là một đô thị di sản, đã nêu một số khó khăn thách thức và đề xuất một số giải pháp để khắc phục và giải quyết. Tác giả cho rằng: “Điều đáng nói là thành phố Huế sẽ là thành phố trực thuộc trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản để phát triển, và phát triển theo mô hình một “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Rõ ràng đây là một sự lựa chọn đúng đắn và Huế đang có cơ hội rất lớn đất phát triển mà vẫn bảo vệ được bản sắc độc đáo của mình. Tuy nhiên, lựa chọn mô hình Đô thị di sản để phát triển, Huế sẽ gặp rất nhiều khó khăn thách thức phải vượt qua”.
TS Huỳnh Thị Anh Vân trong tham luận Giá trị cảnh quan văn hóa - đô thị lịch sử ở Huế và những vấn đề đặt ra có ý kiến: “cảnh quan (văn hóa và đô thị lịch sử) là những thành tố quan trọng cấu thành nên đô thị Huế ngày nay mà cốt lõi là Quần thể di tích cố đô Huế với những giá trị nổi bật toàn cầu đã được thế giới công nhận. Để gìn giữ và phát huy tốt những tiềm năng văn hóa này cần có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc và toàn diện về ý nghĩa và giá trị của nguồn tài nguyên từ góc độ cảnh quan văn hóa - cảnh quan đô thị lịch sử của Huế”.
“Những đặc điểm về kiến trúc cảnh quan trên một phạm vi rộng của Huế cũng cần một hành lang pháp lý phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế song song với việc bảo tồn cảnh quan thông qua việc xác định những không gian văn hóa - sáng tạo phù hợp với từng khu vực, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò chủ thể của người dân địa phương, gắn mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu bảo tồn những giá trị văn hóa - lịch sử của di sản nhằm đảm bảo sự phát triển vẫn được tiếp diễn trong tầm kiểm soát và mang tính bền vững cho các thế hệ tương lai”.
TS, KTS Phạm Mạnh Hùng và ThS, KTS Nguyễn Văn Thái trong bài Quy hoạch đô thị di sản Huế trong tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương cho rằng: “Huế cần giải quyết mâu thuẫn giữa việc bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn giá trị di sản văn hóa với quá trình phát triển đô thị; giữa việc phát triển du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa và thu hút đầu tư phát triển kinh tế; và mâu thuẫn trong việc lựa chọn phát triển các ngành kinh tế công nghiệp tạo giá trị gia tăng và nguồn thu ngân sách lớn nhưng đồng thời phải sử dụng công nghệ cao, sạch phù hợp với đô thị có đặc thù về di sản, phát triển du lịch”.
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu và đại biểu tham dự đã có những ý kiến đóng góp ở phần thảo luận như nhận diện về đô thị di sản Huế (các giá trị, đặc trưng…); Một số vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị di sản Huế; Những giải pháp nhằm đáp ứng sự phát triển bền vững đô thị Huế...