Cơ hội sau những thách thức
Không cần phải là chuyên gia, mỗi người dân cũng có thể cảm nhận không khí ảm đạm ngành du lịch khi phần đông người dân và du khách hạn chế đi lại, các lễ hội cũng tạm dừng.
Nếu coi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 như một “cơn bão” đổ xuống nền kinh tế thì ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế nằm trong tâm bão, bị ảnh hưởng đầu tiên, trực tiếp và nặng nề.
Xác định phát triển du lịch sẽ phát huy được lợi thế quốc gia, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương mạnh mẽ và nâng lên tầm cao mới tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và thực tế, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã ghi nhận những thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, lượng du khách, doanh thu hàng năm…
Tuy nhiên, dịch Covid-19 chẳng khác nào một cơn bão bất ngờ khiến "con tàu" của ngành du lịch Việt Nam chòng chành, chao đảo, sau một chặng đường dài băng băng tiến ra biển lớn, nhất là tháng đầu năm 2020 đang ở mức tăng trưởng cao kỷ lục, đầu năm cũng là mùa lễ hội với nhiều hoạt động thu hút lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế lớn.
Nhưng với hầu hết các đơn vị lữ hành, khách sạn, những ngày này, thông tin "hủy tour, hủy phòng, hủy vé" đang là nỗi ám ảnh. Dự báo hơn 7,7 USD, tương đương gần 18.000 tỷ đồng doanh thu của ngành du lịch trong 3 tháng tới sẽ bị thổi bay…
Tuy nhiên, câu chuyện lúc này không phải là ngồi than vãn, mà cần tìm lối đi cho ngành kinh tế đã được xác định là ngành mũi nhọn trong thời gian tới. Theo cách tư duy tích cực này thì trong thách thức hiện nay cũng là dịp để các cơ quan quản lý, DN trong lĩnh vực du lịch cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại sản phẩm… một cách toàn diện để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, cụ thể là thị trường Trung Quốc. Những năm qua, đây là thị trường luôn chiếm trên 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Thực tế cho thấy, cùng với việc nâng cấp hạ tầng, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều thị trường lớn khác khi lượng du khách tăng mạnh như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc; Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Thái Lan… Cùng với đó, một thị trường nội địa với mức thu nhập người dân được cải thiện, nhu cầu du lịch tăng cao cũng rất cần được quan tâm. Chính vì thế, những ý tưởng và đề xuất để đưa ra chương trình hành động sau dịch là rất cần thiết. Điều quan trọng là cùng với nỗ lực về những giải tổng thể về đầu tư, đào tạo, phát triển ngành du lịch hay những giải pháp hỗ trợ của chính phủ như miễn giảm thuế thu nhập DN, miễn visa có thời hạn tại một số thị trường… thì mỗi đơn vị, DN trong ngành này cũng cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn.
Đơn cử như việc cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, phát triển những phân khúc thị trường mới với chất lượng cao hơn, quan tâm hơn thị trường nội địa… giúp ngành du lịch vượt qua thách thức. Những giải pháp này ngay bây giờ cần phải tính tới để chủ động triển khai ngay khi dịch Covid-19 đi qua. Đó cũng là cách làm để hoàn thành mục tiêu đón 20,5 triệu khách quốc tế, 90 triệu lượt khách nội địa với doanh thu từ du lịch đạt hơn 830.000 tỷ đồng năm 2020.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/co-hoi-sau-nhung-thach-thuc-365586.html