Cơ hội phát triển mới cho phụ nữ và trẻ em

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em (PN&TE) là những nội dung trọng tâm của Dự án 8 về 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE' thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

Thực hiện Dự án 8, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh triển khai nhiều phần việc ý nghĩa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho PN&TE vùng đồng bào DTTS. Từ mục tiêu tổng quát của dự án, các cấp Hội đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ và nhân dân, như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội; các buổi tọa đàm, hội thi; xây dựng phóng sự, tin, bài; qua các trang mạng xã hội; xây dựng nội dung tờ rơi, áp phích tuyên truyền các nội dung của Dự án 8 làm tài liệu tuyên truyền cho cơ sở. Nội dung tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực…

Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN tỉnh xác định triển khai dự án, hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho PN&TE là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo Hội LHPN các cấp trên địa bàn thực hiện. Để các nội dung của dự án đi vào chiều sâu, hiệu quả, Hội LHPN tỉnh xây dựng, lựa chọn các xã điểm để xây dựng mô hình mẫu, từ đó các đơn vị học tập và làm theo. Trong quá trình thực hiện các mô hình, nội dung hoạt động vận dụng sáng tạo, linh hoạt theo đặc thù từng địa bàn và phát huy vai trò của hội viên, người dân, cộng đồng trong tổ chức, tham gia các mô hình.

Năm 2023, Hội LHPN tỉnh tổ chức 29 hội nghị tập huấn hướng dẫn thành lập tổ truyền thông cộng đồng (TTTCĐ), địa chỉ tin cậy cộng đồng tại các xã điểm do tỉnh hội phụ trách với sự tham gia của 1.516 người là lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, cán bộ văn hóa, chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN xã và bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện các đoàn thể xóm, người có uy tín trong cộng đồng. Tổ chức 135 hội nghị bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE cho trên 9.600 người dân tại các xóm; 17 hội nghị tập huấn kỹ năng vận hành TTTCĐ với sự tham gia của 872 người; ra mắt 136 TTTCĐ. Các Hội LHPN cơ sở ra mắt và thành lập 410 TTTTCĐ; tổ chức 36 hội nghị tập huấn kỹ năng vận hành TTTCĐ với sự tham gia của 2.204 thành viên; 132 cuộc truyền thông với trên 8.000 người tham gia. Các TTTCĐ được hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị; tập huấn truyền thông, truyền thông theo chủ đề phù hợp với địa phương, truyền thông tại các buổi họp xóm.

Lễ ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng xóm Nà Sao, xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa).

Lễ ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng xóm Nà Sao, xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa).

Hội LHPN tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS. Chỉ đạo các cấp hội tích cực tuyên truyền mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng đến người dân trên địa bàn các xã để người dân được biết đến, tiếp cận và giúp đỡ khi có vụ việc xảy ra. Toàn tỉnh thành lập 55 địa chỉ tin cậy cộng đồng; tổ chức 8 hội nghị tập huấn hướng dẫn vận hành địa chỉ tin cậy cộng đồng cho 542 thành viên. Đây là một tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình.

Nhằm đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án 8 và giám sát thực hiện bình đẳng giới; thành lập 3 đoàn kiểm tra, hỗ trợ địa phương thực hiện Dự án 8 tại các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Hạ Lang. Tổ chức hội nghị tập huấn đối thoại chính sách cấp xã và cụm xóm, bản tại tỉnh với 84 người tham gia, 9 lớp tại các huyện với 639 người tham gia; 37 cuộc đối thoại chính sách tại 37 xã của tỉnh phụ trách; cấp huyện tổ chức 59 cuộc đối thoại, 5 lớp tập huấn giám sát, đánh giá bình đẳng giới với 299 người tham gia.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện Dự án 8 từ năm 2023 - 2025. Các cấp Hội phối hợp chỉ đạo triển khai thành lập 63 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ kinh phí ra mắt, thành lập và hoạt động 62 câu lạc bộ); hướng dẫn các câu lạc bộ tổ chức các hoạt động truyền thông, sinh hoạt câu lạc bộ; tập huấn hướng dẫn quản lý và vận hành câu lạc bộ cho cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, giáo viên Tổng phụ trách Đội, các dẫn trình viên thuộc các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, thúc đẩy xã hội thực hiện bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, xóa bỏ những khuôn mẫu giới, định kiến giới, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc PN&TE; tạo điều kiện cho PN&TE đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.

Năm 2023, Dự án 8 được triển khai thực hiện tại 996 xóm đặc biệt khó khăn thuộc 146 xã. Toàn tỉnh tổ chức 462 hội nghị tập huấn theo các nội dung, chỉ tiêu thực hiện Dự án 8, trong đó, cấp tỉnh 12 hội nghị, cấp huyện 80 hội nghị, cấp xã 121 hội nghị, cấp xóm 249 hội nghị. Thành lập và ra mắt 546 TTTCĐ (cấp tỉnh thành lập 136 tổ, cấp huyện thành lập 410 tổ); 2 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Quảng Hòa. Thành lập 55 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 63 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường THCS. Tổ chức 96 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm xóm, bản. Các huyện/xã và TTTCĐ tổ chức 186 cuộc truyền thông/16.341 lượt người tham gia.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/co-hoi-phat-trien-moi-cho-phu-nu-va-tre-em-3169928.html