Cơ hội mới ở Khu Kinh tế Dung Quất

(Báo Quảng Ngãi)- Với tiềm năng và lợi thế vượt trội, KKT Dung Quất đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Dòng dự án mới đang “chảy” về Dung Quất

Theo Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (Ban Quản lý) Trần Văn Mẫn, trong quý I/2025, Ban Quản lý đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 3 dự án mới, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.589 tỷ đồng (hơn 62 triệu USD). Đó là các dự án: Nhà máy chế biến thủy sản Xuân Sơn - Chi nhánh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Xuân Sơn; Nhà máy Amazing Ecotech Textile Quảng Ngãi và dự án Trạm biến áp 220kV Dung Quất 2, cùng với đường dây 220kV Dung Quất - Dung Quất 2. Đồng thời, có 4 dự án cũng được điều chỉnh tăng vốn, với vốn tăng thêm hơn 532 tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký đầu tư mới và tăng thêm hơn 82 triệu USD, đạt gần 30% so với kế hoạch năm 2025.

Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất (phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất thuộc KKT Dung Quất) sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: TN

Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất (phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất thuộc KKT Dung Quất) sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: TN

Hiện nay, Ban Quản lý đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trình trung ương xem xét, cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án: Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía nam và Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía bắc. Hai dự án này đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến bổ sung của các bộ, ngành liên quan để xem xét, thẩm định trước khi báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.

Trong quý I/2025, KKT Dung Quất đã đón nhận những tín hiệu tích cực với việc khởi công dự án Khu dịch vụ cơ khí dầu khí Dung Quất và lễ động thổ của KCN VSIP II Quảng Ngãi. Ngoài ra, trong chương trình công tác tại Quảng Ngãi, việc Thủ tướng Chính phủ đến thăm và làm việc với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và đề nghị Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu làm đường ray của đường sắt kết nối đô thị và đường sắt cao tốc Bắc - Nam cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với sự phát triển của KKT Dung Quất, cũng như tỉnh Quảng Ngãi. Hiện tại, Ban Quản lý đang nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý cần thiết của dự án Nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất. Dự kiến, trong tháng 4/2025, chủ đầu tư sẽ tổ chức động thổ xây dựng nhà máy nhằm kịp thời sản xuất sản phẩm thép ray đường sắt, thép đặc biệt phục vụ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Cơ hội rộng mở

Theo Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KKT Dung Quất có diện tích hơn 45 nghìn héc ta, là một trong năm KKT ven biển có nhiều tiềm năng và lợi thế. Khu kinh tế Dung Quất hiện có 11 phân khu chức năng, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái, gắn với dịch vụ hậu cần sân bay, cảng biển, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, với quy hoạch KKT Dung Quất bao trùm cả đảo Lý Sơn, tỉnh đã hoạch định chiến lược đưa Lý Sơn trở thành đô thị biển năng động và phát triển trong tương lai.

Dự án Khu dịch vụ cơ khí dầu khí Dung Quất vừa được khởi công xây dựng đầu tháng 3/2025. Ảnh: TN

Dự án Khu dịch vụ cơ khí dầu khí Dung Quất vừa được khởi công xây dựng đầu tháng 3/2025. Ảnh: TN

Hiện nay, trọng tâm phát triển của KKT Dung Quất là tổ hợp lọc hóa dầu và luyện cán thép, với hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (hiện đang được đầu tư mở rộng công suất lên 7,6 triệu tấn dầu thô/năm) và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 và 2. Trong đó, Khu liên hợp 1 có công suất 6 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động; còn Khu liên hợp 2, với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao/năm đã hoàn thành lắp đặt thiết bị phân kỳ 1, chuẩn bị đưa vào hoạt động thử nghiệm.

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, khi dự án Khu liên hợp 2 đi vào hoạt động, dự kiến sẽ mang lại doanh thu lớn, tạo thêm việc làm cho trên 8.000 lao động và thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ phát triển. Để đáp ứng vận hành thông suốt 2 dự án luyện cán thép này, Tập đoàn Hòa Phát cần khoảng 7 nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ.

Hiện nay, trong KKT Dung Quất có 6 KCN, trong đó KCN có tỷ lệ lấp đầy đạt từ 87 - 99,1% gồm KCN Tịnh Phong, phân khu Sài Gòn - Dung Quất và VSIP Quảng Ngãi. Còn 3 KCN khác là KCN Dung Quất 1, KCN nhẹ Bình Hòa - Bình Phước và VSIP II Quảng Ngãi đang triển khai đầu tư hạ tầng. Trong những năm tới, khi 3 KCN này hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất phát triển công nghiệp khá lớn, đáp ứng nhu cầu của DN và góp phần thu hút đầu tư mạnh mẽ vào KKT Dung Quất, cũng như tỉnh Quảng Ngãi.

Đối với KCN VSIP Quảng Ngãi do Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động hơn 10 năm, hiện thu hút hơn 44 DN đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng KCN VSIP II Quảng Ngãi vừa động thổ mới đây (ngày 12/3) sẽ tập trung xây dựng hạ tầng. Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi, giai đoạn 1 quy mô gần 500ha, tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, khi hoàn thành hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động và đóng góp lớn vào phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi.

Sự phát triển của KKT Dung Quất không chỉ tạo ra động lực kinh tế mà còn góp phần ổn định đời sống của người dân địa phương. Sự kết hợp giữa đầu tư hạ tầng, chính sách hợp lý và sự hỗ trợ kịp thời từ lãnh đạo tỉnh sẽ là chìa khóa đưa KKT Dung Quất và Quảng Ngãi vươn lên, khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế của đất nước.

T.NHỊ - X.HIẾU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202504/co-hoi-moi-o-khu-kinh-te-dung-quat-81717e1/