Tăng trưởng kinh tế quý 1 của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 7,51%
Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 đạt 457.617 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp tăng 5,7%, khu vực dịch vụ tăng 8,72%.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tân Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chiều 2/4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ giải pháp quý 2 năm nay.
Báo cáo tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 đạt 457.617 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp tăng 5,7%; khu vực dịch vụ tăng 8,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,53%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 11,7 tỷ USD, tăng 5,05%; kim ngạch nhập khẩu đạt 15,6 tỷ USD, tăng 15%; tổng thu du lịch đạt 56.662 tỷ đồng, tăng 26,7%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước quý 1 của thành phố đạt 151.098 tỷ đồng, đạt 29%, tăng 7,72% so với cùng kỳ. Thành phố đã giải ngân 4.556 tỷ đồng vốn đầu tư công trong quý 1, đạt 5,4% kế hoạch.
Đánh giá về mức tăng trưởng 7,51% của thành phố, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là mức tăng cao nhất của quý 1 trong vòng 5 năm qua kể từ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng lạc quan nhưng con số này cho thấy nhiều thách thức đối với thành phố nếu muốn tốc độ tăng trưởng cả năm đạt từ 8,5% đến 10%.
"Nếu mục tiêu tăng trưởng cả năm là 8,5%, kỳ vọng tăng trưởng quý 1 phải ở mức từ 8,38-8,54%. Chưa tính đến mức kỳ vọng hơn là tăng trưởng đạt 10% trong năm nay. Như vậy kết quả 7,51% của quý 1 là chưa như mong đợi," ông Nguyễn Khắc Hoàng phân tích.

Siêu Co.opmart Rạch Miễu, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tương tự, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ở mức 2 con số thì thành phố cần tập trung vào hai nhóm lĩnh vực gồm phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ.
Theo báo cáo, trong quý 1, Thành phố Hồ Chí Minh có 6.632 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký mới là 42.014 tỷ đồng, giảm 39,7% về số lượng và giảm 55,2% về vốn so với cùng kỳ. Đặc biệt có 16.904 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Vì vậy, cần có nghiên cứu sâu vì sao số doanh nghiệp ngừng hoạt động để có giải pháp tháo gỡ hoặc cải thiện tình hình.
Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới của thành phố trong quý 2 và chặng đường đi hết năm 2025 là hết sức nặng nề, nhiều thử thách. Do đó, đòi hỏi có sự đồng lòng, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Được, trong bối cảnh cùng một lúc có nhiều nhiệm vụ, nhiều việc quan trọng cần giải quyết thì mục tiêu tăng trưởng 2 con số là không dễ. Vì vậy, các sở, ngành tiếp tục tham mưu tháo gỡ các dự án, những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố phải triển khai nhanh chóng, hiệu quả; quyết liệt các giải pháp giải ngân đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị phải quán triệt, hành động có sự chuyển biến về tư duy, có quyết tâm chính trị cao nhất, năng động, chủ động và thích ứng linh hoạt và phải nghĩ lớn, thậm chí nghĩ vượt ra ngoài sứ mệnh. Mọi hoạt động đều vì mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về mọi mặt./.