Cô gái ngồi xe lăn giành giải Nhất cuộc thi viết kịch bản
Sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, năm 15 tuổi, căn bệnh viêm khớp dạng thấp đã khiến Nguyễn Thị Thanh Thanh (sinh năm 1983, Ba Vì, Hà Nội) phải gắn liền cuộc sống với chiếc xe lăn.
Từng đau đớn vì tuyệt vọng, từng nghĩ đến những điều tiêu cực khi không thể đi lại, mọi hoạt động phụ thuộc vào người khác, thế nhưng Thanh Thanh đã tìm được ánh sáng cuộc đời qua những trang sách.
Xuất hiện trong chương trình Trạm yêu thương cùng chiếc xe lăn, Thanh Thanh có phần rụt rè, e ngại khi lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình. Chỉ khi nhắc đến sách tham gia một trò chơi đoán tên sách cùng người dẫn chương trình, Thanh Thanh mới thêm tự tin, hào hứng.
Chị tự hào chia sẻ “Sách với tôi không chỉ là một người bạn, một người thầy mà còn mang đến cho cuộc sống của tôi nhiều điều thú vị, ý nghĩa”. Và sách đã giúp Thanh Thanh vượt qua những ngày gian khó nhất trong cuộc đời.
Kể về tuổi thơ, Thanh Thanh có phần xúc động, nghẹn ngào. Với nhiều người, tuổi 15 có lẽ đẹp nhất nhưng với Thanh, 15 tuổi cũng là lúc đầy những cảm xúc buồn, lo lắng, sợ hãi, khi phải đấu tranh với căn bệnh viêm khớp dạng thấp. Cả cơ thể, các khớp sưng nóng đỏ đau, đi lại khó khan, thậm chí chẳng thể tự xúc cơm ăn, không thể chải đầu hay tắm giặt vệ sinh.
Thời gian đầu Thanh Thanh chỉ nghĩ, bị đau cứ tiêm uống thuốc, nằm viện rồi sẽ khỏi, nên vừa nằm viện vừa lê lết nhờ bạn bè và bố mẹ đưa đến trường. Nhưng rồi bệnh ngày một nặng, đồng phục học sinh dần dần bị thay thế bởi áo bệnh nhân.
Căn bệnh hiểm nghèo khiến Thanh Thanh phải nằm liệt giường, dần mất đi khả năng vận động và khiến mọi sinh hoạt trở nên phụ thuộc. Đối mặt với những đau đớn về thể chất và tinh thần, Thanh Thanh từng có lúc rơi vào tuyệt vọng và nghĩ đến kết thúc cuộc sống của mình.
“Gần 10 năm trời ròng rã, bố mẹ đưa mình đi khắp nơi chạy chữa. Thần chết cũng đã tìm đến nhưng không mang mình đi, đổi lại lấy đi sức khỏe, hình dáng, đôi tay, đôi chân và cả sự tự do của mình” – Thanh Thanh nhớ lại.
“25 tuổi nhờ có máy tính, qua facebook mình quen hai người bạn, một người giúp mình biết đến sách, và một người bạn đặc biệt cho mình hiểu phải nhìn nhận bản thân thế nào, tạo giá trị bản thân ra sao” - sách đã trở thành người bạn tri kỷ giúp Thanh Thanh mở ra một thế giới mới, nơi mà cô có thể tự do phiêu lưu qua từng trang viết.
Từ đó, chiếc giường bệnh đã trở thành nơi nghỉ ngơi, học tập và làm việc, nơi cô tìm thấy niềm vui, ý nghĩa sống và cả tương lai mới. Và đây chính là những bước ngoặt cuộc đời của Thanh Thanh.Và cứ như thế từ những người bạn, từ những cuốn sách, Thanh Thanh bắt đầu quá trình tự học với sách, tư duy, quan điểm sống, kỹ năng viết.
“Dù không còn đôi chân đôi tay lành lặn nhưng mình vẫn còn trí tuệ, một tâm hồn nhạy cảm và một trái tim còn đập khát khao khám phá cuộc sống, đồng cảm trước những nỗi đau và luôn tràn đầy tình yêu với cuộc sống này. Thông qua bàn phím mình hoàn toàn có thể sống học tập làm việc như bao người, đứng lên đi tìm ước mơ.” - Thanh Thanh chia sẻ.
Khởi đầu với nghề biên kịch không hề dễ dàng khi cô gặp vô số lần từ chối,
hàng chục email gửi đi không hồi âm. Thế nhưng, nhờ tinh thần không khuất phục, Thanh Thanh đã kiên trì học hỏi và phát triển kỹ năng viết lách.
Thành quả đầu tiên đã đến vào năm 2019 khi tác phẩm "Thóc và Đậu" của cô đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác cho tuổi thơ, hạng mục kịch bản truyện tranh. Tiếp đó, Thanh Thanh giành giải ba cá nhân "Nhà viết kịch tài ba" trong dự án Be Friend - Phòng ngừa bạo lực học đường do tổ chức quốc tế Good Neighbors International tổ chức.
Không dừng lại ở đó, vào năm 2023, cô giành giải đặc biệt cuộc thi viết "Vượt lên số phận" do Tạp chí Thanh niên phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức. Đây là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của Thanh Thanh. Năm 2024, với kịch bản nhạc kịch "Ước mơ của em", cô tiếp tục giành giải cao nhất tại cuộc thi sáng tác cho trẻ em do Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsang Maru (Hàn Quốc) tổ chức.
Xuất hiện tại Trạm yêu thương, Thanh Thanh đã chia sẻ câu chuyện của mình với thông điệp “Nếu mình không thay đổi, cuộc sống của mình chẳng bao giờ thay đổi”. Với cô, cuộc sống là 10% do số phận định đoạt, nhưng 90% còn lại do cách chúng ta đón nhận và vượt qua. Thanh Thanh chọn sống dũng cảm, bước ra khỏi bóng tối và trở thành bông hoa rực rỡ tỏa hương.
Sự xuất hiện của cô Nguyễn Thị Nghiêm, mẹ của Thanh Thanh đã mở ra nhiều câu chuyện xúc động về hành trình đối mặt với căn bệnh viêm khớp. Những lời tâm sự của người mẹ đầy yêu thương đã làm khán giả xúc động sâu sắc, bởi phía sau thành công của Thanh Thanh là sự đồng hành, yêu thương vô bờ bến của gia đình.
Hiện tại, Thanh Thanh không chỉ viết sách mà còn tham gia viết kịch bản phim, truyện tranh và nhạc kịch. Trong tương lai, cô đặt mục tiêu thành thạo tiếng Anh để trở thành biên kịch chuyên nghiệp, tạo ra những tác phẩm có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Thanh Thanh trên hành trình chinh phục ước mơ.
Làm thế nào để có thể bền bỉ theo đuổi đam mê viết sách và trở thành biên kịch? Tất cả sẽ đươc Thanh Thanh bật mí trong Trạm yêu thương chủ đề “Ngày mai nắng lên”, phát sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 09/11/2024 trên kênh VTV1.