Cơ chế tài chính có thực sự 'bó' khoa học và công nghệ?
PGS.TS. Vương Hữu Tấn - Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Một trong những lý do khiến khoa học và công nghệ của nước ta chưa thể phát triển như kỳ vọng được nhắc đến nhiều là cơ chế tài chính. Tuy nhiên, bài học qua một số vụ việc đã xảy ra cho thấy, tiền đầu tư nhiều, dễ dàng và có cơ chế để dễ tiêu tiền đầu tư sẽ dẫn đến đâu. Vậy đâu mới là nguyên nhân cốt lõi cản trở khoa học và công nghệ?
Đừng đổ cho cơ chế tài chính
Trong gần 20 năm qua đã có nhiều văn bản chính sách và quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ nói chung, về cơ chế tài chính, đầu tư và trọng dụng nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng. Cụ thể, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6.8.2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1.11.2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Luật Khoa học và công nghệ năm 2000 và sửa đổi năm 2013… Trong đó, Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập từng được ví như “khoán 10” trong khoa học và công nghệ, được cộng đồng khoa học hồ hởi đón nhận.
Sau một thời gian triển khai, nhiều đơn vị tự chủ toàn phần theo Nghị định 115 đã lâm vào tình trạng khó khăn và phải xin quay lại như trước hoặc tự chủ một phần. Còn những đơn vị sự nghiệp vốn xưa đã có nguồn thu lớn từ hoạt động dịch vụ có thu thì họ lại có cơ sở pháp lý của Nghị định 115 để phân chia nguồn thu cho lương tăng thêm của cán bộ công nhân viên. Ở đây, không phải Nghị định 115 mang lại thu nhập tăng thêm cho họ, mà là giúp họ xử lý nguồn thu đã có từ trước để có thể chi cho lương tăng thêm của cán bộ đơn vị một cách hợp pháp.
Thực tế, cơ chế tài chính có phức tạp, có khó khăn cho người làm đề tài khoa học, nhưng từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, đây không phải là rào cản để chúng ta không có được các kết quả khoa học có giá trị tầm cỡ thế giới. Vấn đề chính là ở yếu tố con người.
Đầu tư cho con người nên theo hướng nào?
Có 3 loại hình nhân sự quan trọng cần được quan tâm để bảo đảm chất lượng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng như chất lượng trong việc xây dựng các cơ chế chính sách quản lý có liên quan. Đó là người chủ trì và thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; thành viên hội đồng xét duyệt (về nguyên tắc, hội đồng xét duyệt cũng nên là hội đồng nghiệm thu); cán bộ quản lý khoa học và công nghệ các cấp.
Hiện nay, chúng ta đã có nhiều nhà khoa học tầm cỡ thế giới, song vẫn thiếu. Cũng cần phân biệt giữa nhà khoa học và nhà công nghệ. Nhà khoa học thường được đánh giá qua các công bố khoa học quốc tế và quốc gia có giá trị; còn nhà công nghệ được đánh giá qua các sáng chế, phát minh được cơ quan có thẩm quyền của quốc tế hoặc trong nước công nhận, hoặc sáng chế đã được áp dụng trong thực tế đem lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội.
Từ phân loại đó, cần có các tiêu chí cụ thể để xem ai được công nhận là nhà khoa học và ai được công nhận là nhà công nghệ để giao chủ trì hay cố vấn cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đi kèm với trách nhiệm sẽ có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho họ. Nếu không có nhà khoa học và công nghệ được công nhận chủ trì hoặc cố vấn cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thì không nên cho thực hiện các nhiệm vụ đó. Hoạt động nghiên cứu khoa học không cần đông mà cần tinh; không thể lấy số lượng để đánh đổi chất lượng.
Hoạt động khoa học và công nghệ có đặc thù là phải có người chủ trì chịu trách nhiệm thiết kế toàn bộ nhiệm vụ nghiên cứu, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu. Vì thế trách nhiệm của người chủ trì và của hội đồng xét duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ là rất quan trọng. Cần phải có quy định về trách nhiệm của các thành viên hội đồng xét duyệt kèm theo quyền lợi vật chất cho họ. Thông thường hiện nay các thành viên hội đồng được trả thù lao rất thấp cho một buổi họp hội đồng, trong khi họ lại phải quyết định cho phép thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tổng kinh phí nhiều tỷ đồng, thậm chí cả nhiều chục tỷ đồng. Với thù lao thấp như vậy, khó yêu cầu họ có trách nhiệm cao trong xem xét đánh giá nghiêm túc nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, thời gian qua vẫn còn có nhiều người được gọi là chuyên gia, không có chuyên ngành phù hợp, vẫn ngồi vào các hội đồng xét duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Do đó, cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý của chuyên gia tham gia hội đồng.
Đối với cán bộ quản lý khoa học và công nghệ các cấp,ngoài việc phải có hiểu biết rộng về các lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần phải hiểu được các đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để xây dựng các cơ chế, chính sách sát thực tiễn. Ngoài ra, cán bộ quản lý cũng phải là những người trung thực và liêm chính vì họ trực tiếp xây dựng các cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách đã được ban hành. Nếu không sẽ là nguyên nhân cho tham nhũng và lãng phí.
Chế độ đãi ngộ thế nào cho thỏa đáng?
Trong số các văn bản thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW, có Nghị định 40/2014/NĐ-CP về sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT/BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định 40/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, vẫn còn có những quy định chưa hợp lý nên chưa đi vào cuộc sống, cần phải được xem xét chỉnh sửa.
Ngoài những điều khoản hợp lý của nghị định và thông tư trên, cần bổ sung quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ chủ trì và cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Căn cứ để đề xuất thu nhập tăng thêm dựa trên GDP của nước ta so với các nước và mức sống hiện nay. Tổng thu nhập đó phải ở mức cao so với những người cùng trình độ làm việc ở các cơ quan, đơn vị khác ở trong nước; đồng thời cán bộ nhận thu nhập tăng thêm từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ không phải nộp chứng từ như các quy định hiện hành.
Cụ thể, chế độ đãi ngộ được đề xuất đối với người chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước có tổng thu nhập gồm lương và thu nhập tăng thêm sẽ là 60 triệu/tháng, cấp bộ là 40 triệu/tháng; thành viên chính nên từ 30 - 50 triệu/tháng; nghiên cứu viên là 25 triệu/tháng; kỹ thuật viên 20 triệu/tháng. Điều kiện để hưởng chế độ đãi ngộ này là cán bộ khoa học phải tham gia 100% thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ; nếu không được giao chủ trì hay tham gia các đề tài khoa học thì sẽ bị xem xét chuyển khỏi ngạch cán bộ khoa học. Tổng kinh phí cho hội đồng xét duyệt và hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ là 0,5% tổng kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Có như vậy mới tạo động lực cho các nhà khoa học yên tâm cống hiến!