Chuyện vui vùng đất mở

Kim Sơn - vùng đất tiến duy nhất ở miền Bắc, hàng năm lấn ra biển từ 80-100m. Nơi đây có dải rừng ngập mặn, có bãi bồi, rất tiềm năng để nuôi trồng thủy sản. Trong mấy năm gần đây, nhờ các nguồn lực của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các tuyến đê quai lấn biển, cộng thêm sự chủ động, tìm tòi áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân, nghề nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn đang có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào sự đổi thay của mảnh đất vốn nghèo khó này.

Mô hình nuôi tôm của anh Phạm Văn Học tại xã Kim Hải (Kim Sơn)

Mô hình nuôi tôm của anh Phạm Văn Học tại xã Kim Hải (Kim Sơn)

Về các xã ven biển huyện Kim Sơn những ngày giáp Tết, mặc dù không phải chính vụ nhưng hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản ở đây vẫn khá nhộn nhịp. Các khu trại với các nón nuôi tôm khổng lồ lấp loáng dưới nắng; vùng ương nuôi giống ngao hàu, xe tải ra vào tấp nập. Tại chợ hải sản Kim Đông có đủ cá, tôm thẻ, tôm sú, cua, ngao...

Tạt vào một hộ dân ven đường, trò chuyện một hồi, hóa ra chúng tôi đã may mắn gặp được "thổ địa", bởi đây chính là một trong những gia đình đầu tiên tới khai hoang, phục hóa thành lập xã Kim Trung vào năm 1993. Chủ nhà - ông Đinh Xuân Hùng còn là xóm trưởng xóm 4 suốt từ năm 2000 đến giờ. Bên chén trà nóng, ông Hùng vui vẻ cho biết: Cả thôn có 257 hộ thì có gần 150 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi tôm ao bạt 38 hộ, làm giống ngao, hàu 26 trại. Nhìn chung, người dân bây giờ làm ăn bài bản, có khoa học kỹ thuật nên tỷ lệ thắng cao và giàu lên trông thấy. Nhiều nhà nuôi tôm công nghệ cao, lúc thu hoạch xúc tôm như xúc lúa...

Rồi ông Hùng trầm ngâm nói: Lúc mới thành lập, cả xã chưa tới 300 hộ, chủ yếu trồng cói, cấy lúa và khai thác thủy sản. Đất nhiễm mặn nên năng suất thấp, vụ được vụ mất, vất vả, cứ ngơi tay là hết gạo. Bởi vậy, cuối năm 1999, bà con tập tành chuyển sang nuôi tôm. Đầu tiên được lắm, ai cũng ham nhưng chỉ vài năm sau, người dân lại chán nản bởi sự đỏng đảnh, thất thường của con tôm, "trật" nhiều hơn "trúng". Họ cho rằng, đất đai nuôi tôm lâu năm, bạc màu. Nhưng thực ra là bởi cách nuôi trồng cảm tính, tùy tiện của dân mình. Mua tôm giống trôi nổi, thả vô tội vạ hàng chục, hàng trăm ngàn con giống, không nắm được kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, bỏ liều đó. Chết lại thả tiếp, thả xong lại chết, vì thế con đường làm đầm lụi bại dần. Thời điểm những năm 2007-2008, người dân bỏ nhà bỏ cửa, trốn nợ vào miền Nam không ít...

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT): 3-4 năm trở lại đây, nông dân các xã ven biển Kim Sơn đã dần thay đổi cách thức sản xuất, quan tâm, chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ, chọn tôm giống chất lượng, môi trường nước được xử lý tốt, nên tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể. Nếu như trước đây bà con chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh thì đến nay diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh đã đạt gần 2.000 ha, trong đó nuôi công nghệ cao (2-3 giai đoạn) là gần 40 ha. Năm 2020, tổng sản lượng nuôi thủy sản là 2000 tấn, trong đó tôm sú 710 tấn, tôm thẻ chân trắng 1.290 tấn.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng năng suất, sản lượng tôm vẫn tăng. Cùng với con tôm, từ năm 2014 trở lại đây, sản xuất ngao giống, hàu giống nổi lên, trở thành một hiện tượng ở vùng ven biển Kim Sơn bởi rất nhiều nông dân đã giàu lên nhờ nó. Là một trong những hộ dân tiên phong làm ngao, hàu giống, ông Đinh Hữu Ước (xã Kim Trung) chia sẻ: "Tham gia làm tôm công nghiệp từ năm 2005, nhưng do thiên tai, dịch bệnh, thua lỗ liên tiếp nên tôi quyết định rẽ sang sản xuất giống ngao, hàu. Xét về mặt hiệu quả, sản xuất giống nhuyễn thể thời gian quay vòng nhanh, ít chịu ảnh hưởng về thời tiết, ít gây ảnh hưởng về môi trường do thức ăn chủ yếu là tạo nuôi tự nhiên.

Gắn bó với con nuôi này năm nay là năm thứ 8 nhưng chưa năm nào tôi thất bại cả, năm ít lãi vài trăm triệu, năm nhiều thì gần 1 tỷ". Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trại sản xuất giống hơn 2 ha được bố trí, sắp xếp khoa học, quy củ với đầy đủ hệ thống ao dự trữ, xử lý nước, bể ương, nhà nuôi, khu xử lý nước thải, chất thải..., ông Ước bật mí: "Bản thân tôi luôn phải đọc sách báo, tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu, chuyển đổi tìm hướng đi mới hiệu quả hơn.

Mô hình nuôi ngao, hàu của ông Đinh Hữu Ước tại xã Kim Trung (Kim Sơn).

Năm nay Trại của tôi sẽ đưa ra thị trường một con giống nhuyễn thể mới giá trị gấp nhiều lần con ngao, hàu". Mang lại hiệu quả kinh tế cao, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn đang tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với những người trẻ. Anh Phạm Văn Học (xóm 4, xã Kim Hải) là một người như vậy. Sở hữu một chuỗi cửa hàng bánh mỳ ở Bắc Ninh, làm ăn khấm khá nhưng anh vẫn bỏ về quê để theo đuổi đam mê với con tôm, con cá của mình.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện khi anh Học đang đôn đốc đội ngũ kỹ thuật hoàn thiện nốt hạ tầng của 7 ao tròn nổi để tranh thủ nuôi tôm trong vụ đông này. Anh chia sẻ, bố mẹ anh cũng làm tôm nhiều năm nay rồi nhưng nuôi quảng canh. Thấy được sự bất cập, ít hiệu quả của cách làm này nên anh quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng để sản xuất một cách bài bản, quy củ hơn, giảm thiểu những rủi ro về thời tiết, dịch bệnh. Hiện anh đã hoàn thiện được 2 ao đầu tiên, thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức 4 giai đoạn, mật độ 1.000 con tôm/m2. Anh hy vọng sẽ đưa nghề nuôi tôm lên một tầm mới.

Một ngày về với vùng đất mở Kim Sơn, trò chuyện, tai nghe, mắt thấy sự thay đổi trong tư duy, cách làm của bà con, cảm nhận được sự trù phú, đi lên tràn đầy sinh lực từng ngày của mảnh đất này mà mừng. Và trong buổi hội thảo phản biện Đề án "Phát triển vùng kinh tế biển huyện Kim Sơn" mới đây tôi có dịp phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng (Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam), ông khẳng định: Vùng biển Kim Sơn là một vùng sinh thái rất đặc biệt, địa bàn tiềm năng để phát triển nuôi thủy sản mặn lợ. Nếu chúng ta đầu tư một khu nuôi biển công nghệ cao và phát triển một vùng rừng ngập mặn có nuôi trồng thủy sản sinh thái kết hợp với du lịch thì sẽ tạo được một sự phát triển đột phá cho Kim Sơn. Còn theo như lời ông chủ cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể Đinh Hữu Ước: Chúng tôi đã thay đổi và sẽ thay đổi nhiều hơn nữa để tìm ra phương thức làm ăn mới, con giống mới, ngành nghề mới; đồng thời chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn trong việc quản lý, bảo vệ môi trường nước, làm sao đó khai thác một cách bền vững, tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất tiến này.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-vui-vung-dat-mo/d20220124143935449.htm