Chuyện về một anh hùng

Ngoài 70 tuổi, sức khỏe Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Văn Minh (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) yếu đi nhiều do những vết thương để lại từ cuộc chiến. Người anh hùng đã từng 'vào sinh ra tử', lập nên nhiều chiến công hiển hách trong những năm kháng chiến, người nông dân sản xuất giỏi trong giai đoạn khai hoang phục hóa 'hồi sinh' mảnh đất Đồng Tháp Mười, giờ đây là người có uy tín ở địa phương, được đảng viên, chính quyền và người dân trong vùng nể trọng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Minh

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Minh

1. Mặc dù không còn trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng những câu chuyện về giống cây trồng mới, cách chăm sóc cây luôn thu hút ông - người anh hùng có dáng vẻ hiền lành, trầm tính. Ông dường như biết rõ loại cây trồng nào nên bón phân gì, thời điểm và liều lượng ra sao để cho năng suất cao, trái ngọt.

Nếu không được biết ông là anh hùng từ trước, không được nghe đồng đội kể về ông, hẳn ít ai biết được rằng ông bảy Minh (tên thường gọi của AHLLVTND Nguyễn Văn Minh) từng là đặc công thiện chiến, kiên trung và được đồng đội yêu thương, nể phục.

Kể về những chiến công của mình, ông chỉ tóm tắt trong vài câu ngắn gọn. Tuy nhiên, bất kỳ sự kiện nào được kể lại, ông đều nhớ rõ chi tiết đến từng ngày, tháng. Ngày nhập ngũ, ngày kết nạp Đoàn, ngày kết nạp Đảng của bản thân, tên tuổi, quê quán, gia cảnh đồng đội,... đều được ông nhớ rõ mặc dù vết thương trong sọ não khiến ông thỉnh thoảng lại mắc chứng hay quên.

Trở về sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội và được phân công giữ các vị trí quan trọng tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Hưng: Chính trị viên, Tham mưu trưởng, Trưởng ban Chỉ huy Quân sự huyện đến lúc nghỉ hưu.

Rời quân ngũ, người anh hùng về làm một nông dân cần cù, đi đầu trong phong trào khai vỡ đất hoang, ứng dụng giống cây trồng mới. Với bàn tay và sự quyết tâm của ông bảy Minh, hàng chục hécta đất hoang thành ruộng lúa, ruộng dưa, mang lại sự no ấm cho gia đình ông, tạo việc làm cho hàng xóm, con em của đồng đội. Ông là người tiên phong đem giống dưa hấu về huyện Vĩnh Hưng.

Cựu chiến binh (CCB) Huỳnh Văn Chất (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường), từng là người huấn luyện và là đồng đội của AHLLVTND Nguyễn Văn Minh, nhận xét: “Ngoài tài năng về quân sự, anh bảy Minh dễ mến, gần gũi, rặt nông dân nên được anh em, đồng đội yêu mến, nể phục. Trong chiến đấu, anh luôn san sẻ cùng anh em mọi việc, đến khi thống nhất đất nước, làm chỉ huy đơn vị, anh cũng hòa đồng, hăng say lao động. Chưa bao giờ tôi thấy anh quan liêu hay cậy mình có thành tích mà xa rời đồng đội”.

2. AHLLVTND Nguyễn Văn Minh tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi.Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông được chọn tham gia lớp huấn luyện đặc công của tỉnh Kiến Tường thời điểm đó. CCB Huỳnh Văn Chất là người tiếp nhận và huấn luyện tân binh Nguyễn Văn Minh. Là người hướng dẫn, lại là đồng đội, ông Chất biết nhiều câu chuyện mà AHLLVTND Nguyễn Văn Minh ít khi nào chia sẻ.

“Anh bảy Minh có tinh thần kiên trung tuyệt đối. Bao nhiêu lần bị thương, “một mất một còn”, anh vẫn không hề nao núng. Thậm chí có lúc anh đã vượt qua khó khăn ngoài sức tưởng tượng, nếu không bền chí, vững lòng sẽ không thể nào làm được” - CCB Huỳnh Văn Chất mở đầu câu chuyện. Khó khăn ngoài sức tưởng tượng mà ông Chất nhắc đến chính là vượt qua nỗi đau mất cha ngay trước khi chỉ huy trận công đồn.

Đại đội trưởng bảy Minh đã “nuốt nước mắt vào trong” nói với cấp trên “Giặc giết chết cha con chỉ làm tăng thêm trong con nỗi căm thù. Chú cứ yên tâm giao nhiệm vụ cho con!”. Rồi ông gửi lời nhắn nhủ về đồng đội ở địa phương “Anh em giúp tôi, chôn cất cha tôi để tôi yên tâm làm nhiệm vụ!”.

Trong trận đánh đó, theo lời kể của CCB Huỳnh Văn Chất, đại đội đặc công của ta đã tiêu diệt đồn Hòa Bình với quân số 1 tiểu đoàn. Trong trận đánh đó, ông bảy Minh bị thương ở phổi. Mảnh đạn nằm lại trong người ông đến sau ngày hòa bình và được các bác sĩ phẫu thuật lấy ra năm 1996. Ngoài ra, trong người ông vẫn còn 2 mảnh đạn khác ở đùi và chân.

Một trong những chiến công lừng lẫy của AHLLVTND Nguyễn Văn Minh được nhiều người biết đến chính là tiêu diệt hạm đội nổi trên sông năm 1970. Lúc đó, đơn vị đặc công nhận lệnh tiêu diệt hạm đội, bảo vệ hành lang vận chuyển lương thực, vũ khí của ta. Lực lượng đặc công, trong đó, có AHLLVTND Nguyễn Văn Minh và CCB Huỳnh Văn Chất, ngày “ém” quân bí mật không cho địch biết, đêm tiến đánh tiêu diệt tàu chiến Mỹ. Nhờ vậy, những đặc công “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã lập nên chiến công hiển hách, khiến hạm đội trên sông của Mỹ không còn hoạt động nữa, giải phóng hành lang huyết mạch của ta.

CCB Huỳnh Văn Chất chia sẻ: “Thời điểm đó, ban ngày, chúng tôi “trốn hơn chuột”, không để lại dấu vết gì, có nhiều lúc thiếu gạo, phải ăn cháo môn đỡ lòng nhưng vẫn giữ vững quyết tâm, khí tiết, hoàn thành nhiệm vụ. Lần đó, anh bảy Minh bị thương mất 2 ngón tay, lực lượng đặc công hoàn thành nhiệm vụ và bảo toàn lực lượng”.

Trong suốt 10 năm trên chiến trường, CCB Nguyễn Văn Minh 9 lần bị thương. Vết thương mới chồng lên vết thương cũ, cơ thể ông chi chít sẹo nhưng chưa một lần người lính đặc công nao lòng hay sợ hãi.

Khí tiết anh hùng được hình thành từ truyền thống gia đình và sự trui rèn trong môi trường quân ngũ đã tạo nên người anh hùng chân chất và giản dị Nguyễn Văn Minh.

Ngoài 70 tuổi, giao hết việc nhà cho con cháu, mỗi tháng đến bệnh viện nhận thuốc một lần, CCB bảy Minh vẫn đều đặn duy trì sinh hoạt Đảng và tham gia hoạt động phong trào tại địa phương bất cứ khi nào có thể. Những cán bộ như ông là tấm gương sáng cho thế hệ sau này./.

Quế Lêm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ve-mot-anh-hung-a163066.html