Chuyện tình của tướng Hoàng Đan

Câu chuyện tình yêu của Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự), Bộ Quốc phòng và vợ - bà Nguyễn Thị An Vinh - là những tháng ngày dài trong xa cách và nhớ thương vì nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Nhưng đọng lại trong đó là tình yêu thủy chung, ý chí vươn lên không mệt mỏi và niềm tin tuyệt đối vào ngày chiến thắng không xa…

Mối tình ươm mầm trong lửa đạn

Tháng 3-2024, anh Hoàng Nam Tiến, con trai Thiếu tướng Hoàng Đan và bà Nguyễn Thị An Vinh đã xuất bản cuốn sách "Thư cho em" kể về mối tình sắt son, chung thủy của ba mẹ mình. Không phải ngẫu nhiên tác giả Hoàng Nam Tiến lựa chọn một trích dẫn kinh điển của văn học Liên Xô làm lời đề dẫn cho cuốn sách: "Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi không gào thét, và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em dịu dàng, nhẫn nại và chan chứa yêu thương". Theo anh Hoàng Nam Tiến, mối tình của ba mẹ mình mang đầy cảm hứng lãng mạn cách mạng.

Bà Nguyễn Thị An Vinh sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; lên 8 tuổi đã phải đi ở đợ cho nhà chị họ của ông Hoàng Đan. Cô bé An Vinh thông minh, lanh lợi được bác rất quý mến và cho đi học đầy đủ để làm gương cho các con. Không phụ sự tin tưởng và kỳ vọng ấy, An Vinh rất có ý chí phấn đấu và luôn học giỏi. Vì thế mà đến tuổi thiếu nữ (16 tuổi), An Vinh đã được “nhắm” cho Hoàng Đan, khi ấy 21 tuổi, đã làm đến chức vụ tiểu đoàn trưởng.

Hai người gặp gỡ, làm quen và nhanh chóng có cảm tình với nhau. Trong những tháng ngày xa cách đằng đẵng, ngoài những lần gặp mặt trực tiếp ít ỏi, họ không có phương tiện liên lạc gì khác ngoài những bức thư. Tình yêu được bồi đắp bằng nỗi nhớ thương vời vợi được thể hiện qua những dòng thư tay: "Cái hôn đầu tiên anh đặt lên môi em hôm ấy… có lẽ ngày ấy cũng đánh dấu quan hệ của chúng ta qua một bước mới phải không em? Sau đó 2 hôm anh lên Mậu Lâm và chia tay em đi học. Cái buổi sáng em dậy nấu cơm cho anh ăn và hai chúng ta nói chuyện hứa hẹn với nhau. Chắc em giận anh: "Anh đi làm tròn nhiệm vụ là đủ rồi, em sẽ vĩnh viễn yêu anh mặc dầu có xa cách hay anh có thương tật đi nữa em cũng một lòng yêu anh". Anh nhớ vậy, mà anh cũng tin như vậy".

 Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ, bà Nguyễn Thị An Vinh. Ảnh do gia đình cung cấp

Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ, bà Nguyễn Thị An Vinh. Ảnh do gia đình cung cấp

Trong chiến tranh, trước thử thách lớn nhất là đạn bom và cái chết, tình yêu của họ trở nên mãnh liệt, độ lượng và vị tha. Đám hỏi diễn ra chóng vánh trong một đêm năm 1953, khi ông Hoàng Đan chuẩn bị đi Chiến dịch Thượng Lào. Hai bên gặp nhau, cũng chẳng có lễ lạt gì ngoài một nồi cháo gà. Mà sau này, khi đã cưới nhau, ông hay trêu bà là “chưa hỏi đã đồng ý”. Còn bà cũng trêu lại là: "Ông cưới vợ không một bát nước lã”. Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Hoàng Đan có kể lại chi tiết lễ cưới ấy. Nhưng chi tiết nhiều người còn chưa biết là để hỏi cưới bà, ông đã phải đạp xe từ Điện Biên về Nghệ An rồi biết tin bà đã nhận công tác ở Lạng Sơn lại đạp xe ngược trở lại. Quãng đường đạp xe ấy tính ra phải đến hơn 1.000km.

"Vợ chồng mình thương nhau, nhớ nhau nhất"

Anh Hoàng Nam Tiến là người con thứ ba của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan (hai người con đầu là Hoàng An, sinh năm 1958 và Hoàng Xuân Hồng, sinh năm 1960). Anh Hoàng Nam Tiến được sinh ra sau lần về tranh thủ của tướng Hoàng Đan năm 1969. Tuổi thơ của anh Hoàng Nam Tiến là những cuộc ra đi rất vội vã của cha, chỉ sau một cuộc điện thoại hay có đồng chí nào đến đón, ông xếp vài bộ quần áo và cứ thế lên đường.

"Là vợ người lính, mẹ tôi hiểu hơn ai hết, mỗi lần ông ra chiến trường là mỗi lần ông có thể không bao giờ trở về nữa. Nhưng tôi nhớ rằng, mẹ chưa bao giờ biểu hiện cảm xúc bi quan hay chán nản. Còn ba, trong những lá thư ông gửi từ chiến trường về, cũng không bao giờ tỏ ra bi lụy, thậm chí còn vô cùng lãng mạn” - anh Hoàng Nam Tiến kể.

Dù trên cương vị nào, khi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, hay lúc là Phó tư lệnh quân đoàn, tranh thủ viết thư giữa những trận đánh, trong chiến hào, khi hai bên địch-ta súng vẫn nổ, người chỉ huy dày dạn Hoàng Đan vẫn dành cho vợ những lời yêu thương nồng cháy: "Vợ chồng nào cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau, nhớ nhau nhất"; "Nhiều người nói khi đã đứng tuổi thì niềm thương nhớ cũng đứng lại. Anh thì thấy ngược lại, càng ngày càng thương nhớ em hơn, có lúc như cảm thấy "không thể xa em được". Thế mới biết sự lạc quan, vững vàng của người chỉ huy dày dạn, bản lĩnh trước bom đạn địch.

Tình yêu ông dành cho vợ thật dịu dàng, lãng mạn. Ông bày tỏ niềm hạnh phúc khi có bà An Vinh làm vợ. Khi bị vợ trách móc "viết thư cho vợ mà như bạn", ông "tự vấn": "Nên viết thế nào cho hay, cho tình tứ nhỉ". Rồi ông khẳng định: "Đã từng yêu sôi nổi như khi chưa cưới, yêu sâu sắc từ những ngày mới cưới và yêu thầm lặng như sau lúc có con. Bây giờ thì tình yêu đã thành tự nhiên rồi… Lúc nào cũng nghĩ đến vợ, thương vợ nhiều, thương vợ phải xa chồng nhiều, không có chồng thường xuyên săn sóc… Thương đã nhiều, nhớ lại càng nhiều"… "Nhiều lúc chỉ mơ ước có dịp ra Hà Nội một vài hôm"…

 Bà Nguyễn Thị An Vinh ngày trẻ.

Bà Nguyễn Thị An Vinh ngày trẻ.

Tình yêu ấy cũng vô cùng thực tế khi ông động viên vợ ráng chịu đựng bởi thời gian xa nhau của hai người phải tính bằng năm, chứ không nên tính bằng tháng… Và cho đến khi toàn thắng cũng phải cố gắng nhiều. Trong lá thư ngày 24-11-1967, Thiếu tướng Hoàng Đan hẹn với vợ con "một ngày không xa chúng ta sẽ gặp nhau", thời gian ấy không lâu hơn thời kỳ ông đi học ở Liên Xô những năm 1960-1964 - tức là khoảng 4 năm và khẳng định: "Chúng ta tạm xa nhau để vì hạnh phúc chung của nhân dân. Trong đó có hạnh phúc riêng của chúng ta cùng con cái".

Viết thư về từ chiến trường, ông Hoàng Đan thể hiện tình yêu thương lặng thầm và trách nhiệm với vợ con. Ông quan tâm chi chút đến từng việc nhỏ, từ những việc cơm áo thường ngày đến cách nuôi dạy con như thế nào. Thậm chí, để chuẩn bị cho việc vào Nam chiến đấu, ông đã chuẩn bị trước đầy đủ mọi thứ và dặn vợ: "Anh gửi cái áo len. Em cất hay tháo ra đan cho các con đều được. Tất cả thứ gì em cần cứ dùng, không phải hỏi gì anh… Tiền anh gửi về cho em, tùy em sử dụng. Nhưng anh muốn em chi tiêu như sau: Mua một xe đạp cho em; mua một đồng hồ cho em..." (thư đề ngày 10-11-1967).

Theo anh Hoàng Nam Tiến, ngày ấy, ba chỉ có 140 đồng tiền lương, nhưng những chi tiêu cho cá nhân ông đều dè sẻn hết cỡ, còn lại đều dành cho vợ con. "Những gì tốt nhất, ba đều dành cho vợ con. Ba gửi cho mẹ chính cái áo mà ba đang mặc để mẹ tháo ra đan cho các con. Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại dáng mẹ cần mẫn ngồi đan áo, tôi lại cảm thấy xúc động” - anh Hoàng Nam Tiến cho biết.

Cả một đời binh nghiệp, ông Hoàng Đan hầu như ít khi ở nhà. Toàn bộ tuổi trẻ của mình, ông cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Bà An Vinh trong suốt thời gian đó nén lại nỗi nhớ thương xa cách, kiên trì lao động, học tập và nuôi con… Họ, giống như lớp người thời đó, đã hy sinh hạnh phúc riêng cho nhiệm vụ chung lớn lao của đất nước.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan và các con.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan và các con.

Tấm gương để con cháu noi theo

Thiếu tướng Hoàng Đan xuất thân trong một gia đình danh giá, đỗ đạt, được học hành đầy đủ và sớm đi theo cách mạng. Không chỉ nỗ lực học tập và nghiên cứu nghệ thuật quân sự Đông - Tây, ông còn say mê văn học, nghệ thuật, triết học, tâm lý học…

Với xuất thân của mình, bà An Vinh luôn có khát khao mạnh mẽ thay đổi số phận. Năm 1953, khi ông Hoàng Đan đạp xe lên tận Lạng Sơn hỏi cưới, bà đã quyết từ chối, vì muốn tập trung phấn đấu công tác. Khi đã cưới chồng, bà có ý thức sâu sắc về việc "phải học bằng chồng".

Đối với anh Hoàng Nam Tiến, ba mẹ là nguồn động lực, là tấm gương để con cháu phấn đấu noi theo: "Mẹ là một tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập và vươn lên. Những năm 60 của thế kỷ trước, khi ba ở chiến trường thì mẹ mang hai con… đi học theo mình (anh trai và chị gái của anh Hoàng Nam Tiến-NV). Một đứa dắt trên tay, một đứa địu sau lưng, cứ như thế mà mẹ học hết cấp 3 rồi lên đại học. Đặc biệt, những năm 1965-1968, khi ba ở chiến trường hằng ngày đối diện với đạn bom thì ở hậu phương, mẹ cũng nỗ lực với công việc chuyên môn". Bà An Vinh đã phấn đấu trở thành một mậu dịch viên xuất sắc, một đại biểu Quốc hội.

Anh Hoàng Nam Tiến (giữa) kể về ba mẹ trong buổi ra mắt sách "Thư cho em". Ảnh: KHÁNH AN

Anh Hoàng Nam Tiến (giữa) kể về ba mẹ trong buổi ra mắt sách "Thư cho em". Ảnh: KHÁNH AN

Trong trí nhớ của anh Hoàng Nam Tiến, đối với các con, Thiếu tướng Hoàng Đan chưa bao giờ lên lớp hay giáo dục bằng sách vở, giáo điều. Tất cả đều là trải nghiệm thực tế. Tuổi thơ của anh là những lần theo ba lên đơn vị của ông. "Khi ba đi làm việc thì tôi ở với đại đội vệ binh hay đội xe… Tôi học nuôi gà, nuôi lợn, hay trồng ngô, trồng khoai, sắn… chính từ những mùa hè ấy", anh Hoàng Nam Tiến cho biết.

"Thư cho em" là cuốn sách anh Hoàng Nam Tiến viết dành tặng ba mẹ mình.

"Thư cho em" là cuốn sách anh Hoàng Nam Tiến viết dành tặng ba mẹ mình.

Thiếu tướng Hoàng Đan ít khi kể về những năm tháng chiến đấu trên khắp các chiến trường cho các con. Nhưng vào những dịp đặc biệt, ông thường dẫn cả nhà đi thăm lại chiến trường xưa. Vốn là một người rất nghiêm khắc, cứng rắn, hiếm khi ông để lộ cảm xúc của mình, nhưng vào mùa hè năm ấy, giữa trùng trùng những ngôi mộ đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, anh Hoàng Nam Tiến đã thấy những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội của cha mình. Từ đó, anh hiểu hơn những mất mát, đau thương cũng như ý nghĩa của hòa bình, độc lập, tự do với mỗi người…

THỦY TIÊN - LƯU THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/chuyen-tinh-cua-tuong-hoang-dan-778121