Chuyện 'ngựa vàng mã' bị từ chối lên máy bay
Mấy ngày nay, mạng xã hội và báo chí Việt Nam lan truyền thông tin về việc một du khách người Mexico không được mang con ngựa vàng mã lên máy bay ở sân bay quốc tế Nội Bài. Không có lý do thuyết phục nào được đưa ra và tất nhiên, vị khách vô cùng yêu Hà Nội đành để lại món quà mà ông muốn mang về nhà, rời Việt Nam với ánh mắt buồn.
Du khách Arnaud Zein El Din vừa có chuyến du lịch lần đầu tiên tới Việt Nam và 3 tuần ở Hà Nội. Ông đã mua con ngựa vàng mã với giá 100.000 đồng cùng rất nhiều hàng lưu niệm, đồ dùng cá nhân ở Việt Nam như:
Áo cờ đỏ sao vàng, mũ cối, điếu cày, chiếu cói, mặt nạ mẹt, đó bắt cá, chày cối đá, cốc uống bia hơi... để mang về Mexico làm kỷ niệm, tặng người thân.
Đây là lần đầu tiên ông Arnaud tới Hà Nội và ấn tượng với những gì đang diễn ra tại thành phố này, nhất là giao thông và cuộc sống đời thường của người dân ở những con phố cũ. Arnaud kể, Hà Nội là thành phố đẹp đẽ, đáng yêu và ông đã để lại một phần trái tim khi rời nơi này.
Ông Arnaud Zein El Din cùng con ngựa vàng mã đã qua cửa an ninh tại sân bay Nội Bài nhưng ông lại bị từ chối đưa con ngựa giấy lên máy bay. “Tôi đã phải để con ngựa ở lại sân bay”, ông Arnaud cho biết khi nhân viên hãng hàng không kiên quyết từ chối vận chuyển con ngựa giấy. Khi đã rời khỏi Việt Nam, ông Arnaud mới biết con ngựa mình mang theo “đồ vàng mã”, được làm ra và đem đốt trong các buổi lễ mang tính tâm linh.
Du khách Arnaud, cũng một kiến trúc sư cho rằng, thế giới có rất nền văn hóa, truyền thống và cách thực hành văn hóa tuyệt vời. “Tôi muốn tạo ra một bộ sưu tập gồm tất cả yếu tố thực này. Tất đều từ cùng một hành tinh và tất cả đều khác nhau một chút. Nó đối chọi với xu hướng toàn cầu hóa để đánh đồng các nền văn hóa”, ông Arnaud chia sẻ.
Với bộ sưu tập các món đồ nhỏ, được gom nhặt một cách ngẫu hứng ở Việt Nam, ông Arnaud dự định sẽ chụp ảnh, ghi chú trọng lượng, kích thước, câu chuyện, chất liệu... và lưu giữ trong nhà của mình tại Mexico như một cách để nhớ về Việt Nam.
Cũng có thể, vật dụng trên bị từ chối do kích thước hành lý xách tay quá lớn hoặc do tiếp viên hàng không nhận ra nó là vật phẩm tâm linh, có thể khiến các hành khách sợ hãi, không thoải mái như cách mà cán bộ ngành Hàng không giải thích. Tùy hãng hoặc hành trình đến quốc gia khác, những vật trên sẽ không được phép mang theo dưới dạng hành lý xách tay hoặc mang trên người, thậm chí phải lại sân bay nước sở tại.
Nói thế để thấy, việc hành khách không được mang con ngựa vàng mã nói trên lên máy bay không phải không thể xảy ra. Tuy nhiên, lý do đưa ra phải chính đáng, minh bạch, có tính thuyết phục, ít nhất thì không khiến khách phải ngỡ ngàng và buồn như thế khi rời Việt Nam.
Rà soát lại các quy định tại Quyết định 1541/QĐ-CHK danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang vào khu vực hạn chế, mang lên tàu bay (do yêu cầu bảo đảm an ninh hàng không) dưới dạng hành xách tay nhưng không thấy nằm trong hạng mục nào. Có ý kiến cho rằng trường hợp này phần lớn do cảm tính, không thích thì không cho mang lên chứ nguyên tắc thì không biết quy định ởđâu.
Theo dõi sự việc này trên báo chí và mạng xã hội, bà Đinh Nguyệt Ánh, Tổng giám đốc Vietrantour cho biết: “Việc cấm hay từ chối hành khách mang ngựa vàng mã lên tàu bay là thiếu cơ sở khách quan chứng minh sự vi phạm của vị khách”. Bởi, nếu đại diện hãng hàng không cho đây là hàng hóa thì chú ngựa giấy này không nằm trong quy định cấm mang lên tàu bay của nhiều hãng hàng không quốc tế. Còn nếu đây là văn hóa phẩm cấm xuất thì ngựa giấy không nằm trong danh mục nào cả(theo quy định tại Điều 6 Nghị định 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm). Xét theo khía cạnh tâm linh, có thể là đúng, bởi một số người Việt làm lễ theo tín ngưỡng riêng nhưng với du khách nước ngoài thì chúng ta phải có căn cứ từ chối.
“Vị khách này đơn giản mang ngựa giấy về để sưu tầm, nghiên cứu hoặc dùng cho sở thích cá nhân. Dù giá trị của nó không đắt để du khách này tiếc nuối khi bỏ lại nó ở sân bay Nội Bài, tuy nhiên lại là một hình ảnh không đẹp về Việt Nam - nơi đang quảng bá điểm đến an toàn, hiếu khách, thân thiện”, bà Nguyệt Ánh nói.
Chúng ta không cần so sánh quy định giống hay khác nhau, cấm hay không cấm mà hãy cùng ngẫm nghĩ về cách để thuyết phục được mọi người đồng ý và không gây lúng túng cho những nguời thực hiện. Và biết đâu, việc không cho vị khách này mang con ngựa giấy về nước họ là ta đã bỏ lỡ một cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.