Chuyện lạ trong ngôi miếu cổ ở TPHCM, khách đến lễ phải qua đò
Ngôi miếu cổ được cho là xây dựng ở vị trí 'lửa trời rơi xuống', bên trong có nhiều am thờ với những bức tượng lạ.

Miếu Ngũ Hành nằm bên kia con rạch Bà Tàng. Ảnh: Hà Nguyễn
Nằm ở nơi "có lửa trời rơi"?
Nép mình ở một bên rạch Bà Tàng (quận 8, TPHCM), ngôi miếu nhỏ mang tên Ngũ Hành rạch Bà Tàng lẩn khuất dưới những tán cây cổ thụ. Không như nhiều miếu cổ khác, miếu Ngũ Hành rạch Bà Tàng đơn sơ, giản dị.
Ngôi miếu chỉ có mái tôn che nền gạch. Bốn bề miếu nhỏ không có tường gạch mà để trống cho gió lùa xuyên qua.
Vì nằm ở bên kia bờ rạch Bà Tàng, khách muốn đến miếu phải qua đò. Tại đây có ông Trương Văn Tư (75 tuổi) vừa là người quản lý miếu, vừa đưa đò miễn phí cho khách tham quan.

Ngôi miếu nhỏ lẩn khuất dưới những tán cây cổ thụ. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Tư đã gắn bó với ngôi miếu nhỏ từ khi còn là thanh niên. Thế nên, ông nghe và biết nhiều giai thoại về ngôi miếu này.
“Chuyện xưa kể rằng, trước kia nơi đây nước ngập, bốn bề lau sậy um tùm. Một hôm, có người nhìn thấy đốm lửa lớn từ trên trời rơi xuống đúng vị trí là nền ngôi miếu bây giờ.
Thấy sự lạ, mọi người cho rằng đây là điềm lành từ trời nên đến lập miếu. Sau đó, công việc làm ăn, buôn bán, chăn nuôi, mùa màng của người dân đều thuận lợi hơn trước.

Ông Trương Văn Tư (75 tuổi) vừa là người quản lý miếu vừa đưa đò miễn phí cho khách tham quan. Ảnh: Hà Nguyễn
Từ đó, người dân tin tưởng vào sự linh thiêng của miếu nhỏ. Mọi người, ai có công góp công, ai có sức góp sức cùng nhau xây dựng nên ngôi miếu bằng gỗ làm nơi thờ tự, nhang khói.
Trên điện thờ 5 mẹ Ngũ Hành có ghi năm xây dựng miếu là 1887. Tính đến nay, miếu đã ngoài trăm tuổi”.
Trước kia miếu nhỏ là nơi sinh hoạt tâm linh của dân làng sinh sống dọc theo con rạch Bà Tàng. Mỗi khi đến ngày cúng miếu, người dân lại soạn lễ, đến rất đông.

Tượng mẹ Quan Âm phía trước miếu. Ảnh: Hà Nguyễn
Thời điểm ấy, miếu nhỏ chật hẹp, không đủ chỗ cho nhiều người đến thắp nhang cùng lúc. Hơn thế, đường vào miếu cũng rất khó khăn, đò nhỏ phải luồn dưới tán lau sậy, dừa nước… Sau đó, có thêm miếu Ngũ Hành Mã Voi và miếu Ngũ Hành Bình An ở đầu và cuối rạch Bà Tàng nên bà con đi lại thuận tiện hơn.
Nhiều pho tượng lạ
Phía trước, miếu Ngũ Hành rạch Bà Tàng thờ tượng Quan Âm. Trên am thờ có chiếc mai rùa khá lớn. Ông Tư cho biết, chiếc mai này được thờ từ lâu. Người dân nơi đây trân trọng gọi chiếc mai rùa là thần quy.

Am thờ nhiều loại tượng mà ông Tư cũng không biết hết tên, ý nghĩa. Ảnh: Hà Nguyễn
Bên cạnh am thờ Quan Âm là tượng thờ Địa Tạng đứng uy nghi. Nằm cùng phía với am thờ Địa Tạng có một am thờ khác. Trên am thờ này có nhiều tượng với kích thước, chất liệu, màu sắc khác nhau.
Ông Tư cũng không biết hết tên, ý nghĩa những tượng thờ này. Ông chỉ biết các tượng thờ được người dân tin tưởng thỉnh từ nơi khác đến.
Số lượng tượng thờ tại đây cũng thay đổi theo thời gian bởi thường xuyên có người đem đến gửi, có người lại đến thỉnh về nhà.

Trên điện thờ 5 mẹ Ngũ Hành có ghi năm xây dựng miếu là 1887. Ảnh: Hà Nguyễn
Giữa khuôn viên miếu là điện thờ 5 mẹ Ngũ Hành. Trên điện thờ có đến 12 bức tượng chia làm 2 hàng với kích thước khác nhau. Hàng trước là 5 tượng thờ kích thước nhỏ. Hàng sau có 7 tượng thờ kích thước lớn hơn.
“Ban đầu, miếu chỉ có 5 tượng thờ kích thước nhỏ. Đó là tượng 5 mẹ Ngũ Hành. Sau này, miếu có thêm 5 tượng mẹ Ngũ Hành kích thước lớn hơn. Hai tượng còn lại là tượng Bà Chúa Xứ và Bà Chúa Tiên”, ông Tư giải thích.

Ông Tư cho biết, miếu rất linh thiêng và đã tồn tại ngoài 100 năm. Ảnh: Hà Nguyễn
Phía sau miếu nhỏ còn có nhà thờ tro cốt. Ông Tư cho biết, đây là tro cốt của những người quá cố được người dân phát hiện trong quá trình lao động, khai khẩn đất hoang xung quanh miếu.
Ông chia sẻ: “Miếu nhỏ nhưng nổi tiếng linh thiêng, được người dân tin tưởng nên tồn tại ngoài trăm năm. Tại đây vẫn lưu truyền câu chuyện không ai dám mạo phạm đến vật dụng, cây cỏ trong khuôn viên.

Các tượng thờ tại điện 5 mẹ Ngũ Hành của miếu cổ. Ảnh: Hà Nguyễn
Từ xưa đến nay, nếu muốn sửa sang, cải tạo miếu cổ, chúng tôi phải soạn lễ, xin phép bằng cách xin quẻ âm dương. Nếu quẻ cho nhất âm nhất dương thì mới được làm.
Các cụ xưa lấy ngày 16/2, được cho là ngày nhìn thấy đốm lửa trời rơi xuống làm ngày cúng miếu. Từ đó đến nay, vào ngày 16/2 âm lịch, người dân xung quanh lại tập trung tại miếu khấn nguyện xin đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn dân có sức khỏe”.

Một góc nhỏ nhà thờ cốt ở phía sau miếu nhỏ. Ảnh: Hà Nguyễn