Chuyện lạ trên quê hương Anh hùng Núp

Một buổi trưa tháng 6, chúng tôi về thăm làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) theo lời hẹn với bà Đinh Thị Dép-cháu gái Anh hùng Núp. Không phải vì câu chuyện về ngôi làng Bahnar kiên cường đã đi vào lịch sử kháng chiến của dân tộc mà vì một gia đình đặc biệt từng trải qua nỗi đau hủ tục do có gen sinh đôi, sinh ba.

4 lần sinh, 12 đứa con

Ngôi nhà bán tạp hóa của gia đình bà Đinh Thị Dép nằm giữa làng, phía trước có giàn hoa giấy tím biếc, sum suê. Gió thổi từ cánh đồng vào hiên nhà mát rượi. Người phụ nữ Bahnar nồng hậu tiếp chuyện chúng tôi. Ngay giây phút đón ly nước từ tay bà, tôi chợt nghĩ đến 2 từ “số phận”. Gần 60 năm trước, trong tích tắc, chỉ cần một đổi thay bất ngờ từ số phận, có lẽ, bà đã bị chôn sống ngay từ lúc mới chào đời.

Bà Dép là con út của ông Đinh Dứt và bà Đinh Thị Sít-em gái Anh hùng Núp. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông Dứt là một trong những du kích địa phương sát cánh cùng anh vợ Đinh Núp đánh giặc giữ làng. Trong khi đó, bà Sít cũng bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, dù đói cơm lạt muối nhưng vẫn hết lòng giúp đỡ lương thực, dệt chăn cho bộ đội.

Bà Đinh Thị Dép (nhân chứng cuối cùng của hủ tục chôn trẻ sinh đôi, sinh ba ở làng Stơr) hạnh phúc bên các cháu. Ảnh: P.D

9 lần phải dời làng vì những cuộc cướp bóc, bắn phá tàn bạo của quân Pháp, dân làng Stơr vẫn kiên trung đánh giặc. Nghe lời người thanh niên Đinh Núp, bà con nhất mực không đầu hàng dù gian khổ, hy sinh. Bà Dép nhắc lại chuyện xưa theo lời kể của cha mẹ-nay đã về cõi Atâu: “Bà con trốn lên núi dựng chòi ở, cuộc sống khó khăn lắm. Ăn uống kham khổ, chỉ có rau rừng, lá rừng, củ mài, phải đốt cỏ tranh thay muối. Thuốc men cũng rất thiếu thốn”.

Và, trong hoàn cảnh khốc liệt như thế, các con của ông bà Đinh Dứt-Đinh Thị Sít lần lượt ra đời. Lần đầu mang thai, bụng bà Sít to bất thường so với những phụ nữ khác trong làng. Nhưng chuyện chẳng có gì đáng nói, cho đến một ngày, cả làng kinh động khi biết tin bà Sít hạ sinh cùng lúc 3 đứa con. Đây là chuyện trước nay chưa ai từng nghe, chưa ai từng thấy.

Còn nhớ, thời kháng Pháp, người làng Stơr vẫn tin quân Pháp là Yàng, cho đến khi Đinh Núp bắn Pháp chảy máu. Bà con rất lo sợ trước những điều trái với tự nhiên, những chuyện không lý giải được. Và, chuyện 1 người mẹ sinh cùng lúc 3 con rõ ràng là quá sức kỳ lạ so với những điều dân làng từng biết. Già làng đã đi đến quyết định chỉ chọn đứa trẻ có vẻ khỏe mạnh nhất, khóc to nhất để giữ lại, còn 2 đứa trẻ kia phải mang đi chôn sống. Giữ lại tất cả sẽ thành điềm gở của làng.

Nhắc lại câu chuyện ấy của gia đình, bà Dép thỉnh thoảng rơi vào khoảng lặng ký ức của những lần nghe cha mẹ kể chuyện bên bếp lửa nhà sàn. Cả 2 đứa trẻ bất hạnh chưa kịp ấm hơi cha, chưa kịp bú một giọt sữa mẹ đã phải rời bỏ sự sống. Và ông Dứt chính là người phải làm phần việc bất nhẫn ấy. “Cha tôi kể, khi lấp đất xuống còn nghe tiếng con khóc. Đau lòng lắm!”-bà Dép hồi tưởng.

Nhưng số phận vẫn cứ muốn trêu ngươi khi ở lần sinh thứ 2, bà Sít lại tiếp tục sinh cùng lúc 3 người con. Nỗi hoang mang càng lúc càng cực độ khi lần thứ 3, thứ 4, bà đều sinh tương tự. Vừa trải qua nỗi đau thể xác sau cuộc sinh nở, người mẹ ngay lập tức phải đối mặt với nỗi đau tinh thần khi chỉ được lựa chọn 1 trong 3 đứa con vừa chào đời để ấp iu chăm sóc. Vì luật tục của làng, qua 4 lần mang nặng đẻ đau, vợ chồng ông bà chỉ giữ lại được 4 đứa con, gồm 3 nữ, 1 nam; bà Dép là người cuối cùng trong số đó. Tổng cộng có 8 đứa trẻ đã bị chôn sống! “Sau này, mỗi lần nhắc lại chuyện xưa, mẹ tôi đều lau nước mắt”-bà Dép ngậm ngùi kể.

Những điều kỳ lạ

Giờ đây, trong số 4 đứa trẻ sống sót nhờ cơ may kỳ lạ ngày ấy thì 3 người đã lần lượt qua đời vì già yếu, bệnh tật. Nhưng gen sinh đôi, sinh ba thì vẫn cứ truyền lại qua thế hệ sau một cách hết sức đặc biệt, khiến người ta không khỏi kinh ngạc.

Bà Dép nhớ lại: Vì nỗi ám ảnh trước kia nên khi hay tin đứa con gái nào có mang, mẹ bà đều vô cùng lo lắng. Nỗi lo ấy không thừa khi người chị kế của bà Dép ở lần thứ 4 đã hạ sinh cùng lúc 3 đứa con. “Lần đó, bụng chị tôi to lắm, khi thai lớn, chị không làm gì được, chỉ nằm một chỗ. Hồi xưa, chắc mẹ tôi cũng khổ như thế”-người phụ nữ Bahnar chuyện trò.

Nhưng may thay, điều đau buồn không lặp lại bởi ngay sau ngày thống nhất đất nước, bà con được cán bộ tuyên truyền, vận động xóa bỏ những tập tục lạc hậu, trong đó có tục chôn con theo mẹ, chôn trẻ sinh đôi, sinh ba. Mưa dầm thấm lâu, dân làng dần hiểu ra và thay đổi quan niệm tưởng chừng khó đổi dời. Chị của bà Dép nhờ đó đã giữ lại được 3 đứa trẻ để nuôi dưỡng, nhưng đáng tiếc là do bệnh tật nên cả 3 cũng đã mất từ nhỏ.

Chị Đinh Thị Bảy và các con, trong đó có 2 bé sinh đôi (ảnh nhân vật cung cấp).

Cũng như anh chị em, bà Dép lớn lên từ ngôi làng cách mạng, lập gia đình rồi gắn bó với nơi này đến tận bây giờ. “Chỉ có thể lý giải do số phận” là cách bà nói về sự có mặt của mình trong cuộc đời này, như một cơ duyên. Bà lần lượt sinh 5 người con một cách suôn sẻ, bình thường như bao người, nhưng có lẽ do yếu tố di truyền nên cô con gái út của bà lại tiếp tục… sinh đôi. Tại Gia Lai, hiếm có gia đình nào như vậy. Và, cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ thế kéo dài, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Hẳn nhiều người còn nhớ sự kiện năm 2005, nhạc sĩ An Thuyên-Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội về làng Stơr dựng vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên”, như một sự tri ân dành cho vùng đất nơi “cánh chim đầu đàn của Tây Nguyên” Đinh Núp lập nên những kỳ tích trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Chính trong chuyến biểu diễn này, nhạc sĩ An Thuyên phát hiện 3 thiếu nữ ở làng rất có năng khiếu nghệ thuật và đã quyết định tuyển thẳng vào trường. Cả 3 đều là con gái bà Dép.

Trong thời gian học tập chuyên ngành Âm nhạc dân tộc tại đây, cô con gái út Đinh Thị Bảy đã phải lòng một chàng trai cùng trường đến từ tỉnh Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp, chị Bảy theo chồng về sinh sống và công tác tại Đoàn Nghệ thuật của tỉnh vùng cao phía Bắc này. Và chị cũng chính là người “tiếp nối” gen di truyền của gia đình khi sinh đôi ở lần sinh thứ 3 cách đây 2 năm, gồm 1 trai, 1 gái.

Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, chị Đinh Thị Bảy cho hay, khi nghe tin con gái mang song thai, bà Dép không khỏi lo lắng. Đó là nỗi sợ truyền đời chạy qua tâm tưởng dù hủ tục đã được xóa bỏ, cuộc sống nay đã hoàn toàn đổi khác. Thêm nữa, bà cũng lo con sẽ sinh khó hoặc vất vả trong việc chăm sóc con nhỏ. “Tôi nói với mẹ, bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển, đừng sợ gì cả. Tôi không lo mà ngược lại vui mừng”-chị Bảy vui vẻ nói.

11 năm lấy chồng xa, phần vì cách trở địa lý, dịch bệnh, phần vì con nhỏ nên gia đình chị Bảy mới về thăm quê được 2 lần. Chị cho hay sẽ cùng chồng con về thăm nhà trong mùa hè này. Tuy phải “quản lý” 4 đứa con nhỏ nhưng nhờ các con đều ngoan ngoãn nên chị đỡ vất vả phần nào. Mong chờ chuyến về thăm của con gái không kém, bà Dép-nhân chứng cuối cùng của hủ tục chôn trẻ sinh đôi, sinh ba-bày tỏ niềm hạnh phúc: “Thấy con khỏe mạnh sau sinh, các cháu được chăm sóc đầy đủ, tôi mừng lắm!”.

Làng Stơr giờ đây đang từng ngày chuyển mình đổi thay, khởi sắc. Bà Dép cho hay, ngoài hủ tục kể trên, nhờ sự gần dân, nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, bà con trong làng đã đoạn tuyệt với những hủ tục cúng bái, mê tín. Nụ cười nhẹ nhõm nở trên gương mặt thuần hậu của người phụ nữ Bahnar: “Trước đây, đau ốm gì người làng cũng cúng gà, cúng heo hết. Nhưng giờ, đau nhẹ thì ra trạm y tế, nặng thì đi bệnh viện”. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng như lễ mừng lúa mới, đóng cửa kho được duy trì, phát huy, truyền lại cho con cháu. Cồng chiêng cũng được gìn giữ, nói như bà Dép là “để vui với lễ hội, để người chết được nghe tiếng chiêng”.

*

* *

Tạm biệt gia đình bà Dép, chúng tôi bước ra ngõ, phóng tầm mắt nhìn về phía cánh đồng lúa cùng những rẫy mía tít tắp xa xa. Cũng như người phụ nữ Bahnar xấp xỉ lục tuần ấy, chúng tôi vui vì một câu chuyện có hậu, vui vì ngôi làng của người anh hùng trước kia đi đầu trong kháng chiến, nay tự hào trong hành trình xây dựng cuộc sống mới, văn minh hơn, no ấm hơn.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-la-tren-que-huong-anh-hung-nup-post240905.html