Chuyển hóa kiến trúc bản địa thành ngôn ngữ hiện đại
Các giải pháp kiến trúc đương đại mang tính sáng tạo đột phá, bất ngờ không hoàn toàn tách biệt với yếu tố văn hóa và tinh thần nơi chốn. GS.TS.KTS DOÃN MINH KHÔI, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, khai thác văn hóa bản địa lồng ghép trong cái nhìn đương đại là xu hướng khá phổ biến trong kiến trúc đương đại Việt Nam hiện nay.
Kho tàng văn hóa trong nhà ở truyền thống
- Tính bản địa được coi là chìa khóa phát triển kiến trúc. Xin ông cho biết rõ hơn xu hướng hiện đại hóa tính bản địa trong kiến trúc hiện nay?
- Trào lưu chung của thế giới hiện nay là tiếp cận yếu tố công nghệ, sự văn minh trong kiến trúc, nhưng chú trọng tính văn hóa. Đó là sự kết nối của kiến trúc hiện đại với tính bản địa, học từ bản địa.
Về khái niệm, “bản địa”thể hiện yếu tố liên quan tới cội nguồn, gốc rễ, liên quan đến đất và các tính chất đặc trưng vốn có ở các vùng khác nhau, cấu thành tính địa phương. Nếu kiến trúc là sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật, thì kiến trúc bản địa là sự kết hợp nghệ thuật sống của các tộc người và kỹ thuật xây dựng địa phương. Nếu nghệ thuật sống của các dân tộc tạo ra cách ứng xử với không gian sống, thì kỹ thuật xây dựng truyền thống giúp họ tạo nên nhà cửa theo cách của mình. Kiến trúc bản địa gắn liền với kinh nghiệm xây dựng địa phương, không chỉ là kết cấu, vật liệu, mà còn là cách thức dựng kèo, dựng cột…
Vài năm trở lại đây, trong các cuộc thi quốc tế, những giải thưởng lớn nhất dành cho những người theo xu hướng hiện đại hóa bản địa; nhiều kiến trúc sư trẻ đã thành công trong việc giới thiệu kiến trúc đa dạng, phong phú của Việt Nam, chuyển hóa thành ngôn ngữ hiện đại, được thế giới đánh giá rất cao.
- Việt Nam có 54 dân tộc với nhiều nét riêng về kiến trúc dân gian. Tuy nhiên, bên cạnh các công trình kiến trúc mới đậm tinh thần truyền thống và văn hóa bản địa, xuất hiện không ít công trình lai căng, tính bản địa mờ nhạt. Ông nhận định ra sao về thực tế này?
- Kiến trúc bản địa Việt Nam hết sức phong phú, ngay cả giới kiến trúc cũng chưa thể tiếp cận, hiểu hết các giá trị tiềm ẩn dưới góc độ nhân học, văn hóa học. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái nát, cái cũ, cái nghèo, mà không nhìn thấy các giá trị gốc rễ, tiềm ẩn, lắng đọng trong đó, phản ánh truyền thống, nghệ thuật sống. Thường chỉ những người làm nghiên cứu mới tìm ra các yếu tố mà người ta gọi là phi hiển thị.
Việt Nam có kho tàng văn hóa tiềm ẩn trong nhà ở truyền thống, trong lối sống truyền thống. Chúng ta đang vươn tới phát triển, nhưng đôi khi lãng quên hoặc bỏ mất những giá trị được xem là tài sản văn hóa. Nhiều cảnh quan truyền thống bị mất đi, ví dụ con đường, lũy tre làng, tỷ lệ không gian, cảnh quan nông thôn… Nông thôn đang hướng tới rộng rãi, cao đẹp như đô thị. Nhưng khi nông thôn học cái sang trọng của đô thị, đôi lúc lại mất đi những cái thân mật, quyến rũ vốn có.
Ở vùng sâu, vùng xa, do nghèo nên đôi khi buộc phải xóa bỏ những không gian vật chất mà ta gọi là giá trị văn hóa. Đôi khi cái nghèo kéo theo sự mất mát, khó là ở chỗ đó. Chủ trương phát triển là đúng, nhưng phát triển bền vững như thế nào, cần có ví dụ cụ thể, những khuôn mẫu tốt để người ta thực hiện theo.
Tạo ra ngôn ngữ kiến trúc đương đại có bản sắc
- Nước ta đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, do vậy, vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc trong văn hóa và kiến trúc dường như cũng đang được đặt ra cấp thiết?
- Trong xu thế phát triển hiện nay, kiến trúc đương đại phải luôn hướng tới cái mới, nhưng trên nền văn hóa truyền thống - những yếu tố cấu thành bản sắc. Nhiệm vụ của kiến trúc sư không những phải giải mã kiến trúc truyền thống mà còn tạo ra ngôn ngữ kiến trúc đương đại có bản sắc. Muốn vậy kiến trúc sư phải nghiên cứu, tìm hiểu để hiểu được cái cốt lõi của ngôi nhà cổ truyền; mỗi ngôi nhà, vùng đất đều có lý lịch của nó; quy hoạch một khu vực phải nắm rõ lý lịch nơi chốn. Và điều đó gắn với yếu tố thiên nhiên, văn hóa và con người.
Phát triển gắn với tính thông minh, sinh thái, nhân văn trong kiến trúc ngày càng được nhấn mạnh. Trong tiêu chí xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam có xanh môi trường và xanh văn hóa. Xanh môi trường liên quan tới việc tái tạo không gian xanh thực sự (cây xanh) trong môi trường sống, hoặc sử dụng công nghệ làm giảm hoặc tiết kiệm năng lượng tiêu hao của tòa nhà. Trong khi đó, xanh văn hóa liên quan tới yếu tố nhân văn. Theo đó kiến trúc không chỉ tạo môi trường thiên nhiên cho con người mà còn tạo nên một hệ sinh thái kết nối con người trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Mối quan hệ tương tác giữa các nhóm cộng đồng sẽ tạo nên các hệ sinh thái nhỏ hơn và được làm giàu lên nhờ các hoạt động giao tiếp cộng đồng.
- Yêu cầu đối với giới kiến trúc sư như thế nào để đáp ứng các tiêu chí của kiến trúc đương đại như ông vừa nói?
- Không chỉ có vai trò của kiến trúc sư, mà cần sự chung tay của chính quyền, nhà đầu tư và cộng đồng. Nếu không có thể chế, định hướng bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, ta sẽ có nguy cơ mất mát di sản vật chất và tinh thần. Nhà quản lý cần thấy rõ trong các yếu tố tạo thành đô thị - có yếu tố có thể biến đổi, có yếu tố không thể biến đổi - phải chú trọng gìn giữ. Chúng tôi đã kiến nghị quy hoạch phát triển đô thị phải tiến hành sau quy hoạch bảo tồn; quy hoạch bảo tồn phải tiến hành sau kiểm kê các giá trị di sản cần giữ lại. Như vậy kiểm kê quỹ văn hóa đô thị phải đi trước một bước quy hoạch đô thị. Đó là điều cần lưu ý.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần thấy rõ đầu tư về văn hóa đem lại lợi ích về kinh tế, bởi lẽ văn hóa góp phần thu hút du lịch, tạo dựng thương hiệu, làm cho đời sống người dân tốt hơn. Kiến trúc địa phương phải tạo được bản sắc địa phương. Có một thực trạng là nhiều tỉnh học đòi các đô thị châu Âu, đặc biệt vùng Địa Trung Hải, theo hướng copy chắp vá khuôn mẫu. Cách làm này, trong giai đoạn nào đó có thể thu hút được du khách, nhưng sau đó sẽ nhàm. Kiến trúc đương đại, cho dù có thể tạo cảm xúc thẩm mỹ bởi sự không lặp lại, sự bất ngờ và ấn tượng… nhưng chúng vẫn luôn phải đối thoại với thiên nhiên và văn hóa của từng vùng đất, đặc biệt với những địa điểm có tinh thần mà người ta gọi là nơi chốn.
- Xin cảm ơn ông!