Chuyên gia: TTCK Việt Nam đang hấp dẫn, nhà đầu tư nên kiên nhẫn 6 - 9 tháng

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn những khó khăn và thách thức nhất định, nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên với mức tăng trưởng 3,32%, trong khi nhiều nền kinh tế khác bị suy giảm tăng trưởng. Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 5, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản chứng khoán đã tăng kỷ lục và xu hướng này vẫn đang tiếp tục tăng trong tháng 6. Bên cạnh đó, thị trường cũng đã có xuất hiện trở lại những phiên giao dịch tỷ USD.

Ông Huang Bo (ngoài cùng, bên phải) và ông Louis Nguyễn tại Talkshow "Phố Tài chính".

Loạt yếu tố tích cực

Tại TalkShow Phố Tài chính, ông Huang Bo, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho biết chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 5 đã giảm xuống còn 4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Hiện nay, có một số dấu hiệu tích cực cho thấy lạm phát toàn cầu đang giảm dần và lãi suất không còn tăng mạnh nữa, cũng như đồng USD sẽ không còn mạnh như năm ngoái. Đây là một điều kiện rất quan trọng để hỗ trợ dòng vốn quốc tế trở lại các thị trường mới nổi như Việt Nam, cũng như sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông Huang Bo cũng khẳng định thế giới có thể sẽ phải đối mặt với thách thức mới đó là suy thoái kinh tế.

Giám đốc điều hành Guotai Junan cũng chỉ ra, nền kinh tế mở của Việt Nam mặc dù có sự chậm lại do nhu cầu toàn cầu yếu đi, tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức tích cực. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp khác nhau để hỗ trợ nền kinh tế, như giảm lãi suất 4 lần, giúp gia hạn nợ cho ngành bất động sản, hay thúc đẩy đầu tư công. Nếu Việt Nam có thể giải quyết các điểm nghẽn trong tương lai gần, khả năng cao có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra.

Đặc biệt, theo ông Huang Bo, trong giai đoạn khó khăn, việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Trong 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 30% kế hoạch. Đây sẽ là một nguồn lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Các yếu tố khác như chi tiêu tiêu dùng vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong năm nay, trong 5 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, yếu tố này cũng sẽ tạo nền tảng tốt cho kinh tế trong phần còn lại của năm 2023.

Đánh giá thêm, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM) cho rằng nhiệt độ về lạm phát đã giảm nhưng đối với FED, cơ quan này mới tạm dừng việc tăng lãi suất, không có nghĩa sẽ không tăng thêm.

“Tôi nghĩ, hiện các tín hiệu về nền kinh tế Mỹ và FED đang đi đúng đường. Tuy nhiên, những khó khăn nhất định vẫn còn nên tôi nghĩ tại Việt Nam, chúng ta vẫn nên tiết giảm chi phí và chi tiêu cho đến cuối năm, sang năm thì mọi thứ sẽ dần lạc quan hơn”, ông Louis Nguyễn nói.

Cũng theo ông Louis Nguyễn, các chính sách nhà nước đã đưa ra như: thúc đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất cho vay… rất tốt cho thị trường Việt Nam và qua đó đã hỗ trợ cho Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đạt khoảng 6,5% GDP như mục tiêu đã đề ra.

“Nhưng chúng ta cũng phải xem lại báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quý I thì con số này còn chưa được đẹp lắm, đã giảm 18% lợi nhuận so với quý trước đó. Nhưng mà từ bây giờ đến cuối năm vẫn còn ba quý nữa thì chúng ta sẽ chờ thêm.

"Tôi nghĩ là mọi người cũng đang chờ đợi các vấn đề về trái phiếu, vấn đề về bất động sản được giải quyết xong… và khi giải quyết xong các vấn đề này thì thị trường sẽ bùng nổ trở lại. Theo chúng tôi, trong thời gian tới, một số ngành sẽ phục hồi nhanh hơn các ngành khác, ví dụ như bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp. Giá cổ phiếu bất động sản đã giảm từ 50% tới 80% rồi nên tôi nghĩ từ cuối nămnay tới đầu năm sau sẽ phục hồi”, ông nói.

Nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán

Mặc dù những yếu tố tích cực về kinh tế Việt Nam đang xuất hiện và thị trường chứng khoán cũng đang phục hồi tích cực, tuy nhiên thời gian gần đây các nhà đầu tư nước ngoài lại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đưa ra nhận định về vấn đề này, ông Huang Bo cho biết, trên thực tế, đà mua mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào giai đoạn thị trường gặp áp lực điều chỉnh sâu, vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã có sự phục hồi ấn tượng, tăng hơn 25% so với đáy. Vì thế, trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư có thể đã thu được lợi nhuận tốt và áp lực chốt lời diễn ra ở các quỹ ETF cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, ông Huang Bo cho hay chỉ số PE của thị trường hiện khoảng 13,7 lần, PB là 1,7 lần, nếu so với mức PE trung bình trong 10 năm qua là 15 lần và PB 2,2 lần thì mức định giá thị trường hiện vẫn đang hấp dẫn. Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần cắt giảm lãi suất sẽ giúp dòng vốn chảy vào thị trường. Và dữ liệu lịch sử cho thấy, giá trị thị trường chứng khoán thường tăng trong các giai đoạn này.

Về việc thời gian gần đây các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông Louis Nguyễn, có hai lý do. Theo đó, trong báo cáo tài chính quý I của công ty niêm yết, lợi nhuận đã giảm khoảng 18% so với quý trước, cùng lúc đó, các quỹ ETF đều bán ròng, điều này đã ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

“Nhưng nói chung con số bán ròng không có đáng kể và tôi nghĩ là cần phải tiếp tục theo dõi theo quý II như thế nào. Nhưng tôi đánh giá đó chỉ là động thái tạm thời, không có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài, có người bán ra thì cũng có người có chiến lược giữ tiền mặt. Hơn nữa, những người đã bán mà muốn đầu tư tiếp thì trong bối cảnh này họ chuyển về thị trường nào được? Việt Nam vẫn đang là một điểm đến hấp dẫn. Theo tôi nghĩ, họ sẽ chờ đợi theo những dấu hiệu tốt dần lên rồi quay trở lại sớm thôi”, ông Louis Nguyễn nêu.

Khẳng định thêm, Chủ tịch SAM cho rằng GDP Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay nhờ các động thái hỗ trợ từ phía Chính phủ liên quan đến đầu tư công, giảm thuế, giảm lãi suất cho vay… Cùng với đó là việc nhiều công ty đang muốn chuyển nhà máy vào Việt Nam.

“Việt Nam là một nước đang phát triển không chỉ về GDP, mà còn có một vị trí chiến lược trong Đông Nam Á. Việt Nam có dân số trẻ, làm việc năng suất, có hiệu quả, chi phí hoạt động ở Việt Nam còn thấp hơn Trung Quốc nhiều… Nhà đầu tư nước ngoài rất yêu thích và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề bây giờ là làm sao có những chính sách để tiếp tục thu hút họ, hỗ trợ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản... Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá P/E, PB ở mức thấp và hấp dẫn… Thời điểm này tôi nghĩ là thời điểm để đầu tư vào và nhà đầu tư phải kiên nhẫn khoảng chừng 6 tháng đến 9 tháng thì sẽ có được sự tăng trưởng của thị trường”, ông nói.

Theo ông Huang Bo, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế ở các nước khác, Việt Nam vẫn sẽ gặp một số tác động nhưng được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng. Năm 2023, dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,8% và tăng tốc lên 6,9% trong năm 2024, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, nhanh hơn cả Ấn Độ và Philippines.

Trong ngắn hạn, thị trường đang dần phục hồi và trở nên tích cực hơn vào cuối năm. Nếu nhìn vào một số ngành chủ chốt như ngân hàng, ngành tiêu dùng, lợi nhuận của các nhóm này vẫn mạnh mẽ so với các ngành khác trong năm nay, nhưng lại đang có mức định giá không quá đắt so với lịch sử.

"Trong dài hạn, chúng ta thấy có một số mô hình tăng trưởng tương tự giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam. Một số nghiên cứu cho thấy lợi nhuận từ thị trường chứng khoán có mối tương quan cao với tăng trưởng GDP, đặc biệt, khi GDP bình quân đầu người vượt quá 10.000 USD. Chúng ta có thể nhìn vào Hoa Kỳ trong thập kỷ 1970, Nhật Bản trong thập kỷ 1980 và Hàn Quốc trong thập kỷ 1990 thì thấy lợi nhuận từ thị trường chứng khoán tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP. Và với mục tiêu GDP bình quân đầu người khoảng 10.000 USD vào năm 2035 của Việt Nam, VN-index có thể theo cùng mô hình như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Hoa Kỳ, đi sau gần 10 năm phát triển, có thể tăng khoảng 3 lần đạt 3.000-3.500 điểm", ông Huang Bo nêu.

TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.

Minh Tuệ

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chuyen-gia-ttck-viet-nam-dang-hap-dan-nha-dau-tu-nen-kien-nhan-6-9-thang-20180504224285728.htm